Lên Đà Lạt, lạc vào cõi xưa bàng bạc thế kỷ trước ở hai quán cà phê

28/12/2018 12:48 GMT+7

Cà phê Tùng và cà phê Bà Năm đã tồn tại ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ. Tựa như ngọn cỏ lau sóng sánh theo cơn gió, gập mình rồi lại đứng lên, thời gian chỉ làm hai không gian này trở nên quyến rũ hơn.

Ấn tượng lần đầu tiên khi tôi tới cà phê Tùng là không gian thanh lịch, có nét giống như đang ở nước ngoài. Nhất là khi ngồi xuống và nhìn ra khung cửa kính có chữ "Café Tùng". Cách viết "Café" theo tiếng Pháp này hồi nhỏ tôi từng thấy nhiều ở Hà Nội. Sau này nhiều quán mới mọc lên ít nơi viết như vậy nữa.
Du hành về quá khứ cùng cà phê Tùng và cà phê Bà Năm
Thực hiện: Thùy Dương - Nhật Diễm
Quán cà phê Tùng số 6 khu Hòa Bình, Đà Lạt THÙY DƯƠNG

Cà phê Tùng được mở bởi chủ quán tên Trần Đình Tùng. Ông vốn thuộc nhóm người Hà Nội lên Đà Lạt khoảng năm 1940. Quán mở ở địa điểm đầu tiên là kiosque số 5 đường Thành Thái nay là đường Nguyễn Chí Thanh. Sau đó vài năm quán chuyển tới dãy nhà bên hông chợ cũ Đà Lạt nay là số 6 khu Hòa Bình, phường 1, Đà Lạt.

Trước đây quán còn mở bán cả trên ban công nhỏ ở lầu 1, chỉ có duy nhất 1 bàn. Nhưng nay do nhu cầu sử dụng của thế hệ sau, quán không còn phục vụ cà phê trên ban công nữa. Cà phê Tùng có sức hấp dẫn đặc biệt với những nghệ sĩ ưu tú của  Đà Lạt và miền Nam trước năm 1975 như Từ Công Phụng, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, ... Nơi đây từng chứng kiến buổi đầu gặp gỡ của ca sỹ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng là nơi cặp đôi nghệ sỹ Lê Uyên và Phương chọn làm điểm hẹn hò.

Ông Trần Đình Tùng Ảnh tư liệu của gia đình
 
Quán cà phê Tùng đầu tiên trên đường Thành Thái nay là đường Nguyễn Chí Thanh Ảnh tư liệu của gia đình
Cà phê Tùng đến nay vẫn mang nét thanh lịch, lãng mạn Thùy Dương

Đến nay quán vẫn được giữ gìn và bảo quản tốt, không gian gần như nguyên vẹn từ chiếc ghế da đến những bức tranh nhuốm màu thời gian trên tường. Đặc biệt, nhạc Pháp vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu tại đây. Ca từ lãng mạn của dòng nhạc này hòa quyện với không gian sang trọng một thuở xưa kia làm cho khách tới đây như được đi một chuyến du hành tới quá khứ của Đà Lạt. Tới đây có lẽ bạn nên thay chiếc điện thoại thông minh bằng một cuốn sách yêu thích trong lúc chờ từng giọt cà phê tí tách nhỏ.

Đọc sách trong không gian này rất thú vị Thùy Dương
Cà phê Tùng được pha phin và kèm theo bình trà cho khách ngồi được lâu hơn Thùy Dương

Cà phê Bà Năm bình dân, giản dị hơn. Bà Năm nay đã hơn 90 tuổi, không còn minh mẫn nên giờ quán chỉ có em gái bà là bà Huệ hay còn gọi là bà Sáu kinh doanh. Bà Sáu cũng đã 86 tuổi nhưng còn tỏ tường mọi điều.

Bà Năm lúc còn khỏe hay ra quán với em gái Thùy Dương
Bà Huệ hay còn gọi là bà Sáu, em gái bà Năm Thùy Dương

Sáng sớm hơn 5 giờ, bà Sáu đã dậy dọn dẹp và chuẩn bị mở quán. Quán bà chủ yếu là người già lui tới mà người già hay dậy sớm lắm. Người già cũng kỹ tính lắm. Bà cũng là người già bà hiểu. Cốc thuỷ tinh pha cà phê được chụng nước sôi trong nồi, khách tới mới gắp ra pha cà phê vô. Khách uống xong lại có cô phục vụ nhanh tay dọn ngay. Bánh hạnh nhân trong hộp lúc nào cũng giòn. Vợt cà phê được giặt và phơi nắng liên tục. Vợt cũng đã 'già', nhuốm đậm màu cà phê. Ở nơi này thời gian như ngừng trôi. Mỗi lần tới tôi đều có cảm giác Đà Lạt xưa còn đọng lại ở đây cả. Sợi chỉ tơ lấp lánh kết nối xuyên không giăng đầy ở đây chứ đâu.

Ly pha cà phê được rửa, hấp nước sôi trước khi pha cho khách. Nâng ly cà phê nóng khách sẽ thấy ấm tay giữa lúc giá lạnh THÙY DƯƠNG
 
Đến quán uống cà phê chủ yếu là người già NHẬT DIỄM
Quán cà phê cũ kỹ nhuốm màu thời gian ở 13 Phan Bội Châu, Đà Lạt THÙY DƯƠNG
Bột sắn nóng cũng là một món nên thưởng thức tại đây THÙY DƯƠNG

Nếu muốn hỏi chuyện về Đà Lạt xưa, đừng bỏ qua địa chỉ này vì người già ở quán dễ thương lắm, họ sẵn sàng giải đáp thắc mắc của bạn nếu họ biết. Họ sẽ làm cho bạn tin rằng người Đà Lạt lãng mạn, hiền lành, phóng khoáng.

Do ở xa nên mỗi lần tới Đà Lạt tôi chỉ muốn tới quán bà đầu tiên, sợ quán biến mất, sợ bà không còn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.