Lên Buôn Mê sống... chậm

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
30/06/2019 11:32 GMT+7

Lần đầu tiên được nghe nhạc sống lúc 8 giờ 30 sáng chứ không phải là các buổi tối khi đã ngà men như ở phố dưới xuôi.

Nghe nhạc sống từ sáng sớm

Sáng sớm, Buôn Ma Thuột 26 độ, trời trong veo. Mấy người bạn dân bản địa rủ đi uống cà phê trong... buôn. Theo bản năng, nghe buôn là rừng núi, bèn nói bâng quơ: “Xa nhỉ?”. Hưng cười: “Tít tắp mù sương!”.
Từ khách sạn nơi nghỉ lại, trên đường Phan Chu Trinh, rẽ qua Trần Nhật Duật, thấy Trường THPT Lê Quý Đôn, phía trước là cổng buôn Ako Dhong, còn gọi là buôn Cô Thôn. Hóa ra, buôn nằm ngay trong... phố. Gần hơn cả gần.
Tôi cởi giày, đi chân đất, ngước nhìn. Một màu xanh mướt mắt, khung cảnh thanh bình như từng thấy trong các bộ phim kể chuyện về các vương quốc thần tiên.
Từ sáng sớm, lại đang là ngày cuối tuần, khách đến rất đông. Có thể đoán họ là người ở đây vì đa phần đi xe máy và dắt theo con.
Chọn một chiếc bàn gỗ chế tác từ thân cây, ngồi tựa lưng vào rặng trúc, nhìn ra, phía bên kia hồ nước trồng hoa súng là một cái đảo nổi, nhỏ xinh.
Đang nhâm nhi cà phê, chuyện trò thì tiếng đàn guitar réo rắt, một giọng hát cất lên, không hiểu sao lại bắt đầu từ đoạn: “Có cái nắng có cái gió/Có nỗi nhớ không mang tên không mang tên người ơi”.
Tôi là người “cuồng” các bài hát về Tây nguyên. Mỗi lần nghe, thấy nó có gì đó hoang dại nhưng thanh trong, khoáng đạt và bay bổng, cứ như đang thấy cánh đại bàng lượn trên bầu trời cao trong nhìn xuống cao nguyên hùng vĩ. Cảm giác đó nhân lên bội phần khi ta ngồi giữa thung lũng xanh thẳm, bên hồ nước và ly cà phê ngào ngạt hương. Một cảm giác thực như thể đang... mơ.
Rất thư thả, mọi người nhâm nhi cà phê và lắc lư theo nhạc.

Không gì phải vội

Có cảm giác, người Buôn Mê không có gì phải vội vàng, kể cả anh lái taxi hay người đi xe thồ. Được hỏi gì họ cũng dừng lại một tí rồi cứ thế thúc thắc, nhẹ nhàng, chu đáo.
Đến phố đêm. Phố đêm là nhậu và ăn khuya sau nhậu nhưng nó cũng không quá ồn ào dzô dzô như nơi khác.
Tối đó chúng tôi đi đến 22 giờ mới về. Khi chở một người bạn về tiệm ảnh của mình trên phố, dù được chồng báo trước là sẽ về muộn nhưng chị vợ vẫn ngồi trên bậc thềm nghe nhạc và chờ. Chúng tôi xin lỗi vì đã kéo anh ấy đi, chị vợ cười, nhẹ nhàng bảo, không sao, tưởng khuya nữa, ai dè về sớm quá.
Hôm sau, vẫn ái ngại về chuyện đó nên hỏi anh bạn, vì sao vợ anh không đi xe máy từ tiệm ảnh về nhà trước? Anh ấy cười, bảo rằng cô ấy không đi được xe máy. Hỏi vì sao không tập. Bảo cô ấy chẳng muốn tập để làm gì, cứ thúc thắc đi bộ. Mà có gì phải vội?
Nghe xong sực nhớ cái sân bay cũng cực dễ thương. Máy bay hạ cánh, cua ngược trở lại, chạy một đoạn dài như ô tô. Hai bên là cây xanh, đất đỏ. Màu đất đẹp kỳ lạ. Chỉ một chiếc máy bay nên thấy rất mênh mông thư thái, cứ thế mà đi bộ tung tăng.
Đúng rồi, có gì phải vội?
Tôi có ba kỷ niệm đáng nhớ ở Buôn Ma Thuột.
Tháng 3.1975, đơn vị tôi tiếp quản Khu thiết giáp, gọi là Khu Mai Hắc Đế. Lần đầu tiên chui vào kho đồ cũ và lén lút cầm trên tay quyển sách “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng để rồi sau đó bị viết bản kiểm điểm.
Vài hôm sau, chủ nhật, được ra phố, đang đi thì có người chạy từ nhà ra kéo lại. Hồi đó kỷ luật nghiêm, quy định không được vào nhà dân nên rất sợ. Ngước lên, thấy tấm bảng hiệu ảnh Hương Ký.
Bà chủ tiệm nói, nhìn thấy mình rất giống con bà, một anh lính cộng hòa trạc tuổi đã chết trận. Xong bà nhất định phải chụp cho mình tấm ảnh. Ảnh đen trắng nhưng được tô màu. Bà phóng cái ảnh lên rất lớn, lồng khung, treo ở chỗ ảnh mẫu. Bà nhìn ảnh, khóc sụt sùi là vì nhớ con. Kể ra thật éo le!
Nhưng bà chủ hiệu ảnh hình như không quan tâm điều đó và tỏ ra rất thương tôi. Bà hỏi, con học giỏi lắm phải không? Mắt con sáng quắc, như thể hai ngôi sao. Chắc mắt con bà cũng như thế.
Lúc đơn vị tôi dời doanh trại về Buôn Hồ, đóng trong đồn điền Santali, một đồn điền cao su của ông chủ người Pháp trước đây, có quen mấy cô gái trong một gia đình có nhà ở buôn Kosier (Buôn Ma Thuột). Cô em đang học lớp 11 nên nói chuyện về học hành, văn chương, sách vở rất vui. Mãi mấy chục năm vẫn nhớ số nhà, tên đường nơi cô nữ sinh ấy sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.