Lễ hội đang... lỗi hệ

20/02/2016 05:10 GMT+7

Những năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán là dư luận lại xôn xao, lo lắng… về những lễ hội không bình thường.

Những năm gần đây, cứ sau Tết Nguyên đán là dư luận lại xôn xao, lo lắng… về những lễ hội không bình thường.

Cài tiền vào tượng tại chùa Bái Đính ngày 9.2.2016Cài tiền vào tượng tại chùa Bái Đính ngày 9.2.2016
Nói “lễ hội không bình thường” là để so sánh với các lễ hội bình thường của những năm trước. Đó là những lễ hội diễn ra trong không khí yên bình, trang nghiêm mà sinh động, gần gũi mà thiêng liêng, đậm nét dân gian, có yếu tố tâm linh nhưng không hề nhuốm màu sắc mê tín.
Người đi dự lễ hội hướng lòng cảm khái của mình về tổ tiên, tự hào về cái tâm và cái trí của cha ông thể hiện qua truyền thống văn hóa dân tộc. Tình yêu làng, yêu nắm đất quê hương, tình yêu về một dải biên cương toàn vẹn của Tổ quốc luôn được kết tụ, củng cố và bồi đắp từ những lễ hội ấy.
Năm nay, khi dân chúng đang hy vọng các ngành chức năng trả lễ hội về với đúng nghĩa của nó thì tình hình lễ hội đã và đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Lễ hội gì mà lại diễn ra cảnh tượng giành giật, xô xát, giẫm đạp, loạn đả, xâu xé, cướp bóc chỉ vì những vật phẩm cúng tế mang tính tượng trưng mà người ta gọi là “lộc”, là “ấn”? Lễ hội gì mà lại diễn ra cảnh vứt tiền lẻ lên bàn thờ, trong hồ sen, nhét tiền vào khe cửa đền chùa, miếu mạo, lăng tẩm, nhét cả vào tượng phật, thánh, thần (ảnh)? Rõ ràng những hành động thiếu văn hóa như thế đã “đạt” đến ngưỡng tận cùng của sự báng bổ chốn thiền môn. Nơi trang nghiêm thanh tịnh đang bị mở cửa cho bụi trần ô uế tràn vào.
Các cơ quan chức năng đang “đổ thừa” cho một bộ phận quần chúng đi dự lễ hội thiếu ý thức. Nhưng họ giải thích như thế nào khi nhiều báo đài đã trưng ra hình ảnh một số quan chức nhà nước cũng “hòa nhịp” vào những hành vi phản cảm nói trên? Ai cần phải “đi trước” và ai noi gương “theo sau”?
Nhân dân muôn đời luôn luôn tôn kính, ngưỡng vọng, tri ân và mong muốn gìn giữ bóng dáng tổ tiên của mình qua lễ hội. Họ sáng tạo ra lễ hội không phải để cho một số người đang có danh, có lợi đến tiếp tục cầu lợi, cầu danh. Nhân dân bao giờ cũng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, xóm giềng yên ổn, đất nước thái hòa, muôn người no ấm. Tình trạng lùm xùm lễ hội đã và đang diễn ra cho thấy nguy cơ về sự đảo lộn các giá trị văn hóa truyền thống là có thật. Các ngành chức năng hãy làm hết sức mình, tạo cho họ một môi trường trong lành, một không gian xanh - sạch - đẹp để mùa lễ hội không… “lỗi hệ” một cách đáng tiếc và đáng hổ thẹn như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.