Lấy chồng ngoại kiều: Đàn ông ngoại quốc, họ là ai?

05/05/2009 16:00 GMT+7

(TNTS) Phan Ý Ly là thạc sĩ về nghệ thuật trong phát triển. Cô là một trong những gương mặt đầu tiên mang điệu nhảy salsa vào Việt Nam. Phan Ý Ly học ở Ấn Độ rồi sang Anh, làm cho UNDP và một số tổ chức NGO (phi chính phủ), yêu nhiều người nước ngoài rồi chọn kết hôn với một người quốc tịch Úc. Sinh con và chia tay chồng, Phan Ý Ly đang tìm thấy tình yêu với một người đàn ông Việt Nam, cũng là một bạn nhảy salsa của cô. >> Lấy chồng ngoại kiều: Vì tiền, vì tình hay duyên số

Là chuyên gia về nghệ thuật trong phát triển, Phan Ý Ly sẵn lòng chia sẻ với TNTS những suy nghĩ được đúc kết thành kinh nghiệm với một chuyên đề mang tính xã hội ở Việt Nam hiện tại: Người đàn ông nước ngoài kết hôn với phụ nữ Việt, họ là ai?

Những khác biệt “ngoại quốc”

Không né tránh câu hỏi về những khác biệt nào lớn nhất ở người đàn ông ngoại quốc mà Ly nhận thấy khi yêu, kết hôn với họ, Phan Ý Ly cho rằng không thể đánh đồng tất cả đàn ông “ngoại quốc” mà còn phải tùy thuộc người đàn ông đó sinh ra và lớn lên trong xã hội như thế nào, chịu sự giáo dục ra sao trong gia đình, chưa kể đến cá tính riêng của người đó. Cũng như chúng ta hay nói vui với nhau ngay ở VN đã có thể chia tính cách theo vùng miền, ví dụ người miền Bắc khéo léo, người miền Nam cởi mở...

Theo quan sát của Ly, đàn ông sinh ra và lớn lên trong những xã hội giàu truyền thống và nhiều luật lệ cũng như định kiến về thứ bậc, giới tính nói chung cũng sẽ chịu ảnh hưởng hoặc áp lực trong suy nghĩ, quan niệm và cách hành xử về vai trò của người vợ, người chồng. Nếu nói đàn ông VN hay có tính “gia trưởng” thì chúng ta cũng sẽ tìm thấy đức tính đó ở những người đàn ông ở Ấn Độ, Hàn Quốc, hay Iraq. Với những người đàn ông sinh ra và lớn lên trong xã hội cởi mở, tôn trọng cá nhân... thì quan niệm và cách hành xử của họ với phụ nữ, người yêu hay vợ mình cũng khác.

Thông thường sự khác biệt này chính là tính vô tư, bình đẳng giữa vai trò của phụ nữ và đàn ông. Từ sự vô tư bình đẳng đó mà tiêu chí chọn bạn đời cũng khác đi. Dĩ nhiên đây là cách hiểu nôm na, vì ngay ở VN cũng có rất nhiều người đàn ông vô tư, bình đẳng với vợ, và ở phương tây cũng sẽ có những người đàn ông xem vợ như một chức năng trong nhà.

Rào cản ngôn ngữ

Trong sự chia sẻ với người đàn ông nước ngoài qua ngôn ngữ thường thì người phụ nữ phải học tiếng Anh để thích nghi thay vì ngược lại dù gia đình có chọn sống ở VN đi chăng nữa… Ly thấy phụ nữ VN từ nhỏ đã được dạy dỗ là cần phải quên mình đi, hy sinh cho chồng con và mọi người xung quanh... dần dần trong tiềm thức luôn có một sự ăn năn khi thấy mình “không cố gắng hết sức” vì hạnh phúc của chồng, con. Đó là điểm đáng khâm phục cũng như đáng thương của chị em mình.

Ngay cả trong một đôi vợ chồng đều là người Việt, thường là người vợ sẽ biết phải tự điều chỉnh khẩu vị, cuộc sống, thói quen của mình... để thích nghi với chồng và coi đó là điều đương nhiên. Họ thường không tự tin để yêu cầu chồng điều chỉnh vì mình, coi đó là một điều đáng sợ và thường diễn ra trong nước mắt. Nếu người chồng và vợ có hai nền tảng văn hóa, cách sống, thói quen khác nhau… cả hai sẽ phải cùng học hỏi và  thích nghi. Nếu cả hai người đều có kinh nghiệm sống, tư tưởng thoáng, linh hoạt, cởi mở… thì sẽ dễ chấp nhận điểm khác biệtâ thậm chí còn coi những khác biệt đó như một sự phong phú trong cuộc sống.

Nhưng nếu một trong hai người có quan niệm và lối sống rất truyền thống “không thể nào khác”, cả hai người càng phải nỗ lực để làm nhau hiểu và tôn trọng lối sống đó. Người châu Á coi trọng tình cảm, sống quây quần, vợ chồng cùng làm cùng ăn, đi đâu làm gì cũng khai báo. người châu u coi trọng khoảng trời riêng cho mỗi người, coi đó là sự cần thiết để mỗi người có thể tự phát triển và làm mới mình, người này luôn bất ngờ về người kia.

Người châu Á thường ý nhị, hiểu nhau qua ý tứ, ánh mắt, cử chỉ, lời nói ví von bóng gió và coi sự “thẳng thắn” là “cực chẳng đã”, và thường quan niệm rằng nếu đã phải “nói trắng ra” thì cũng chả còn gì là thú vị, cho nên lúc hiểu được nhau qua ý tứ thì thích lắm, còn lúc không hiểu thì gây gổ đánh lộn chứ nhất quyết không nói thẳng mong muốn của mình.

Người châu u khuyến khích sự thẳng thắn, đi vào vấn đề, việc nào ra việc đó, không được giận cá chém thớt, bóng gió xa xôi, và thường cảm thấy cách giải quyết vấn đề vòng vo như thế thật mất thời gian và khó hiểu, cho nên họ trao đổi hiệu quả, giải quyết vấn đề nhanh chóng, tránh tối đa mâu thuẫn nhưng có thể vì thế lại kém lãng mạn, tinh tế. Dĩ nhiên sẽ có những đôi vợ chồng tìm ra cách giao hòa cả hai thái cực và biến quan hệ của mình có nhu có cương, có lý có tình.

Chia sẻ và áp lực

Vậy người đàn ông nước ngoài có sẵn lòng chia sẻ việc mình sẽ là trụ cột kiếm tiền nuôi vợ con không? Và việc nhà với họ như thế nào? Thông thường nếu người đàn ông có tư tưởng bình đẳng, chia sẻ thẳng thắn với vợ thì hai người sẽ thống nhất được vai trò của hai người với nhau, tùy vào mặt mạnh, mặt yếu cũng như sự tự nguyện của mỗi người chứ không tùy vào quan niệm của xã hội. Phan Ý Ly ví dụ về nhiều người chồng ở nhà chăm con và đi nhảy, người vợ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Hai người biết trân trọng sự đóng góp của nhau và đó mới là yếu tố quyết định hạnh phúc.

Cũng tùy vào mỗi người phụ nữ, kinh nghiệm sống, môi trường sống, sự giáo dục của gia đình để họ đối mặt với dư luận và định kiến xã hội nếu sống với một người đàn ông nước ngoài tại VN. Những người phụ nữ tự tin, dày dạn kinh nghiệm và ý thức được bản thân sẽ không để dư luận xã hội ảnh hưởng nhiều đến đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, áp lực là khá lớn và nếu người chồng không hỗ trợ và bảo vệ vợ mình khỏi điều tiếng thì người phụ nữ thường sẽ phải gánh hết tất cả những định kiến về mình.

Dù bạn có tài giỏi đến đâu, xuất hiện bên cạnh người chồng ngoại quốc, bạn cũng vẫn cảm thấy mình đang bị đánh giá về trình độ, khả năng, cũng như mục đích lấy chồng ngoại quốc. Bạn có “Việt Nam” đến đâu, thì chồng bạn vẫn là người “ngoại quốc”, và như thế bạn có 50% là người ngoài so với xã hội. Phan Ý Ly nhắc đến một cái khó hơn nữa, không phải là dư luận hay định kiến bên ngoài, mà chính là ý thức được việc “mình là ai, mình giao hòa hai nền văn hóa như thế nào?”,  nếu không bản thân người vợ cũng sẽ gặp không ít bối rối với chính mình.

Sự thích nghi

“Không biết thì không có tội”, câu nói đó áp dụng với mọi nền văn hóa. Nghĩa là một người về làm dâu, không thuộc về văn hóa của người chồng thì gia đình chồng thường sẽ châm chước và tạo điều kiện để con dâu hiểu và thích nghi. Một gia đình chồng lý tưởng là không những để con dâu hiểu về văn hóa của mình, mà còn tìm hiểu và tôn trọng cũng như cố gắng dung hòa cả hai văn hóa. Mẹ chồng dù chưa đến VN bao giờ cũng có thể cố gắng nấu thử một món ăn VN thay vì ngồi chê.

Tiếp đến là “Nhập gia tùy tục”, câu này không bao giờ sai, tuy nhiên với gia đình cởi mở và bình đẳng, họ trân trọng sự “tùy tục” của người con dâu như một nỗ lực trở thành thành viên của gia đình, chứ không phải là một quy định, biến con dâu thành một người khác hẳn, quên đi văn hóa và lịch sử của chính mình để trở thành người của gia đình chồng. Người VN vẫn thường coi con rể là khách, con rể là người ngoại quốc thì càng cần khách sáo. Vai trò của “con rể” ngoại quốc có thể được đặc cách hơn hẳn so với con rể nội vì sự châm chước cho sự khác biệt văn hóa.

Nếu một người đàn ông nước ngoài chọn yêu, chung sống và kết hôn với một phụ nữ VN, lẽ dĩ nhiên và trước hết, Phan Ý Ly hy vọng rằng đó là vì họ yêu cá tính của chính người đó, không phải vì quốc tịch người phụ nữ đó mang trong hộ chiếu. Tuy nhiên, đàn ông ngoại quốc (phương tây) thường phải lòng phụ nữ Việt trước tiên chính vì cái duyên dáng, sự ý nhị, tình cảm, tinh tế và chăm chút, đó là cái họ không có ở phụ nữ trong xã hội thẳng thắn, cởi mở. Đương nhiên sau này cũng chính cái “ý nhị” và “chăm chút” đó sẽ là vấn đề làm hai bên mâu thuẫn nhưng rồi họ cũng sẽ tìm ra cách cân bằng, và người đàn ông phương Tây nói chung vẫn rất tự hào về sự chăm chút và duyên dáng của người vợ Việt của mình.

Cát Khuê (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.