Làng nhang Lê Minh Xuân 'năm Covid': Không ngờ đơn hàng Tết nhiều hơn năm ngoái

11/02/2021 16:51 GMT+7

‘Làm ngày làm đêm’ là cách mà nhiều người nói về các cơ sở sản xuất nhang ở xã Lê Minh Xuân khi vào vụ Tết. Tiếng máy làm nhang, tiếng cười nói… rộn ràng cả một làng nghề có tuổi đời trăm tuổi của TP.HCM.

Phấn khởi “làm ngày làm đêm”

Được xem là nơi làm nhang lớn nhất xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM), cơ sở của chị Lê Cát Bụi Thúy (44 tuổi) ở số B5/1 đường Thích Thiện Hòa mỗi ngàysản xuất và phân phối ra thị trường từ 2.000 đến 5.000 thiên nhang (1 thiên nhang là 1.000 cây), đỉnh điểm có những ngày tới 6.000 thiên nhang.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Thúy cho biết xưởng của chị chủ yếu sản xuất 3 loại nhang là áo, tùng và trầm. Tùy từng loại và kích thước khác nhau mà giá bán cũng khác, dao động từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng.
Chạy dọc theo tuyến đường Mai Bá Hương (H. Bình Chánh) những ngày sát Tết, PV càng cảm nhận rõ hơn “mùi Tết” đang đến gần khi cứ cách 2 -3 căn nhà, chúng tôi lại bắt gặp những sạp nhang vàng óng thơm mùi trầm, quế đang rực rỡ phơi mình dưới nắng.
Nhiều chủ xưởng tranh thủ làm từ lúc mặt trời chưa mọc đến tối mịt, những người làm thuê nhân dịp này cũng tăng ca kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Những sạp nhang vàng óng thơm mùi trầm, quế được phơi ven đường Mai Bá Hương (H. Bình Chánh).

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (52 tuổi) cố gắng “hoạt động hết công suất” từ sáng sớm đến tối mịt.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

“Thường những năm trước, tháng 9 là tôi đã bắt đầu dự trữ nhang cho dịp đến. Đến thời điểm này là xưởng tôi chất đầy nhang rồi. Năm nay do dịch nên ai cũng thấy hồi hộp, không dám sản xuất trước, cứ có khách đặt là làm thôi. Tôi không ngờ năm nay đơn hàng nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả năm ngoái nên chúng tôi đang làm ngày làm đêm để kịp giao cho khách”, chị Thúy tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (52 tuổi) làm nhang tại gia đình cho biết phần lớn những hộ dân ở đây đều nhận gia công nhang từ cùng một xưởng. Công việc của bà và mọi người là nhận tăm nhang đã nhuộm màu và bột nhang trộn sẵn rồi xe nhang bằng máy có sẵn tại nhà.
Nhang thành phẩm sẽ được đem phơi dưới nắng hoặc làm khô bằng máy sấy, sau đó được buộc thành từng bó và giao cho chủ xưởng lớn. Tùy từng loại nhang mà giá bán cũng khác nhau. Gia đình bà Lệ làm nhang loại nhỏ nên lấy tiền công 5.000 đồng/thiên.

Nhang thành phẩm sẽ được đem phơi dưới nắng hoặc làm khô bằng máy sấy, sau đó được buộc thành từng bó và giao cho chủ xưởng lớn.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Gần Tết lại thêm ngay mùa nắng “ngon” nên gia đình bà Lệ cố gắng “hoạt động hết công suất” từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày thu vào 300.000 – 500.000 đồng với gần trăm thiên nhang thành phẩm.
“Nhà tôi không đầu tư máy sấy nên vẫn còn phơi nhang bằng ánh nắng mặt trời, mỗi ngày tầm 2, 3 giờ sáng đã dậy se nhang, đến 7 giờ nắng lên thì kịp đem ra phơi liền. Cứ cách 1, 2 tiếng lại ra thăm rồi trở mặt cho nhang khô đều, tránh bị cháy nắng. Cứ như vậy quần quật cả ngày, mệt nhưng vui, hôm nào không làm là ngã bệnh đó”, bà Lệ vừa rải nhang phơi, vừa nói.
Cách nhà bà Lệ tầm vài căn, xưởng làm nhang tại nhà của ông Hoàng Quốc Cường (40 tuổi) cũng nhộn nhịp, ồn ào với 3, 4 máy xe nhang đang chạy cùng lúc. Bàn tay thô ráp, bám màu đỏ của các nhân công cũng liên tục rải đều những cây nhang vừa xe xong lên kệ để đem đi sấy khô.
“Năm nay do vướng dịch Covid-19 nên nhang chúng tôi làm chủ yếu lưu hành nội địa, tuy nhiên số lượng không bị ảnh hưởng nhiều. Ngày thường xưởng của tôi làm khoảng 6.000 – 8.000 thiên/tháng, Tết đến thì tăng thêm 30% để đủ cung ứng cho thị trường”, ông Cường cho biết thêm.
Làng nhang Lê Minh Xuân tất bật ngày cuối năm: Mong một cái Tết đủ đầy

Cơ sở sản xuất nhang của chị Lê Cát Bụi Thúy (44 tuổi) vào mùa cao điểm, có ngày bán hơn 6.000 thiên nhang.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Người lớn tuổi tranh thủ kiếm tiền xài Tết

Nhu cầu nhang tăng cao vào dịp Tết nên lượng nhân công ở các cơ sở sản xuất nhang cũng tăng lên, đặc biệt là ở các xưởng nhang lớn. Vào cơ sở nhang Lê Minh Xuân mùa Tết, chúng tôi thấy không khí làm việc hăng say của những người làm nhang. Hầu hết, họ là người lớn tuổi, không thể làm công việc nặng nhọc nên tìm đến nghề này để có “đồng ra đồng vô”, nhất là vào dịp cuối năm.
Cơ sở nhang của chị Thúy hiện có gần 60 nhân công, đa phần là những người lớn tuổi. Chị cho biết vào mùa Tết lượng nhân công tăng lên nhiều hơn so với bình thường để kịp sản xuất nhang cho vụ Tết. “Nếu bình thường họ làm 150.000 đồng/ngày thì giờ phải lên 200.000 đồng – 300.000 đồng. Do làm Tết nên tôi cũng tăng thêm lương cho họ”.

Tăm nhang được phơi khô sau khi đã nhuộm màu.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Bà Trần Thị Nở (68 tuổi, H.Bình Chánh) là nhân công ở xưởng nhang của chị Thúy, có kinh nghiệm làm nhang hơn 15 năm. “Tết thì làm kiếm thêm thu nhập nhưng cũng không quá đặt nặng ngày phải làm bao nhiêu tiền. Hôm nào khỏe thì làm được nhiều, hôm nào mệt thì làm ít, làm nhiều thì ăn nhiều, làm ít thì ăn ít thôi. Như tôi mỗi tuần kiếm được 1,5 triệu đồng, đủ trang trải các chi phí trong nhà”, bà tâm sự.
Từ Q.8 sang H.Bình Chánh thuê nhà để làm nhân công ở một xưởng nhang, bà Bà Trương Lệ Trinh (50 tuổi) ráng “cày” để kiếm tiền tiêu Tết. Bà Trinh vừa làm vừa nói: “Làm nhang không khó vì giờ làm máy, nhanh lắm. Chỉ cần quen tay quen chân là làm được. Cái cực của nghề này là phải ngồi một chỗ để làm và cũng phải nhanh tay lẹ chân thì mới làm được nhiều, mà làm nhiều thì ăn Tết mới ấm được”.
Làng nhang Lê Minh Xuân tất bật ngày cuối năm: Mong một cái Tết đủ đầy

Nhân công miệt mài làm việc những ngày cuối năm, tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Những ngày cận Tết, lượng nhang bà làm nhiều gấp đôi so với ngày thông thường. Bà kể mình bắt đầu công việc từ 4 giờ rưỡi sáng đến 2 giờ chiều, sau đó rồi nghỉ ngơi hôm sau lại tiếp tục.
Nhờ sự giới thiệu của người quen, chị Kim Thị Minh Thi (34 tuổi) từ Trà Vinh lên cở sở nhang của chị Phước làm thời vụ. “Mỗi ngày tôi làm từ sáng đến tối, có ngày mệt quá thì làm ít hơn nhưng kiếm được bình quân 240.000 đồng/ngày. Cũng không phải là quá cao những đủ ăn, đủ sống và dành dụm được chút tiền về ăn Tết với gia đình”, chị tâm sự.
Trong một năm Covid-19 khiến nhiều ngành nghề thất thu, nghề làm nhang tại xã Lê Minh Xuân vẫn rộn ràng vào dịp cuối năm khiến nhiều người phấn khởi. Trong niềm vui đó, các chủ cơ sở sản xuất và nhân công vẫn miệt mài với công việc, mong có một cái Tết Tân Sửu sung túc, đủ đầy...

Chị Kim Thị Minh Thi (34 tuổi) từ Trà Vinh lên cở sở nhang của chị Phước làm việc để kiếm thêm thu nhập.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Người dân tận dụng khoảng sân trước nhà để phơi nhang.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Người làm nhang Lê Minh Xuân phấn khởi vì làng nghề vẫn rộn ràng những ngày cuối năm, ai cũng mong một cái Tết đủ đầy

. ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.