Làng… đáng sống ở Việt Nam

22/08/2018 09:33 GMT+7

Dọc theo tả ngạn sông Bến Hải xuôi về biển Cửa Tùng (Quảng Trị), có một ngôi làng tựa như tranh. Thật khó thể tin được, ở nơi xứ sở gió Lào cát trắng này lại có một ngôi làng bình yên đến lạ kỳ...

Bao đời nay, người dân làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn luôn khao khát muốn biết gốc tích của làng. Nhưng đến các cụ trưởng lão cũng ít người tường tận, có chăng là chuyện Tùng Luật là 1 trong gần 70 làng cổ di dân đợt đầu vào châu Minh Linh từ gần 5 thế kỷ trước…
Thời chiến tranh, dân làng Tùng Luật lập một bến thuyền mang mật danh “Bến đò B”, đêm đêm đưa đón bộ đội qua sông, chở vũ khí ra chiến trường, nối thông “mạch máu” hai miền nam - bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, ngót 20 năm đôi bờ cách trở, làng Tùng Luật trở thành mục tiêu ném bom rải thảm, bom tọa độ…
Hơn 40 năm sau hòa bình, dấu tích chiến tranh khốc liệt ngày ấy hầu như không còn. Ngay tại “Bến đò B”, một tượng đài (di tích cấp quốc gia) được dựng lên cao vút, với dáng hình một con thuyền, để nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ công ơn của những người đi trước
Tượng đài “Bến đò B”
Làng nghệ sĩ
Mảnh đất hữu tình này đã sản sinh ra nhiều tài tử giai nhân nổi danh, như NSND Châu Loan, NSND Lệ Thi, NSƯT Kim Phú, NSND Kim Quý, NSƯT Châu Dinh và các nghệ sĩ Thu Sen, Ái Chủng, Thanh Thảo... Tùng Luật được mệnh danh là cái nôi của nghệ sĩ, tưởng cũng không ngoa.
Mảnh đất hữu tình này đã sản sinh ra nhiều tài tử giai nhân
Ông Nguyễn Xuân Thái (anh trai trong dòng tộc của cố NSƯT Nguyễn Ái Chủng) thử cắt nghĩa, người được coi là khơi đầu cho mạch nguồn ca hát ở làng Tùng Luật là cụ Nguyễn Hữu Như Bá. Cụ Bá sinh năm 1840, ông nội của cố nghệ sĩ Ái Chủng. Sinh thời, cụ Bá làm nghề thuốc Bắc giỏi có tiếng, được đi đây đi đó nên có dịp xem nhiều gánh hát tuồng biểu diễn. Từ đó, làn điệu dân ca ngọt ngào vùng Nam Trung bộ đã ngấm sâu vào tâm hồn của cụ, người vốn sẵn “máu nghệ sĩ”. Để thỏa mãn đam mê ca hát, cụ Bá tìm thầy học hát bội ở Bình Định cũng như học sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau, tìm hiểu nhiều làn điệu dân ca, điệu hò Quảng Trị... Sau đó, cụ lập gánh hát Bộ Uyển (Uyển là tên con gái đầu của cụ). Gánh hát chỉ có 14 diễn viên, gồm các thành viên trong gia đình, bắt đầu biểu diễn từ năm 1880. Sau này, 12 dòng họ trong xã Vĩnh Giang đã thống nhất lập nên đội chèo cạn làng Tùng trên cơ sở gánh hát của cụ Bá, tồn tại cho đến năm 1947, lúc Pháp tấn công dữ dội vào Vĩnh Linh mới tạm ngưng.
Sau bao thăng trầm, chèo cạn làng Tùng Luật đã hồi sinh nhờ nỗ lực của cố nghệ sĩ Nguyễn Ái Chủng cùng người dân làng Tùng Luật. Điều tiếc nuối là “chèo cạn” chỉ duy trì được một thời gian thì nghệ sĩ Ái Chủng qua đời…
Yêu làng như… người Tùng Luật
Nếu đi ngược từ tượng đài kỷ niệm “Bến đò B” vào làng Tùng Luật, không ai có thể làm ngơ trước khung cảnh đẹp đến sững sờ. Hai hàng dừa xanh ngát tỏa bóng trên con đường bê tông viền quanh mép sông. Dưới những rặng dừa là những chiếc ghế đã được đặt ngay ngắn, dọc theo đường làng. Nơi đây là địa điểm vui chơi, giải trí cho người dân trong làng sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ông Thái, người tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi, giới thiệu: “Người ta gọi đây là công viên tự phát”.
Khung cảnh đẹp đến sững sờ
Ông Thái (80 tuổi) đã sống gần như trọn đời ở làng Tùng Luật. Ông chỉ “chịu” xa mảnh làng này vào những năm 1967 đến 1973 để di tản tránh bom đạn theo chương trình K8 ra Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau đó, ông quay về, lấy vợ sinh con. “Kiếm đâu ra vùng đất thanh bình như nơi này hả cháu?”, ông Thái hỏi nhưng dường như đã có câu trả lời cho riêng mình.
Không riêng ông Thái, 300 hộ dân với 1.200 nhân khẩu cũng yêu thương ngôi làng mọc lên trên nền đất đỏ bazan này vô điều kiện. Dù họ có là ai, làm nghề đánh bắt cá tôm hay trồng chè, trồng hồ tiêu, trồng lúa... “Làng nhỏ, người thưa, chúng tôi không giàu có nhưng cũng đủ cơm no áo ấm... Vậy là đủ. Đòi hỏi chi nhiều ở quê hương mình?”, ông Lê Minh Đỉnh, một người dân làm nghề chài lưới ven sông Bến Hải, trầm ngâm.
Dân yêu thương ngôi làng mọc lên trên nền đất đỏ bazan này vô điều kiện
Nhiều người khác, từng đi qua chiến tranh và chứng kiến Tùng Luật hoang tàn đổ nát, nay thấy làng quê đổi thay lại càng yêu thương và trân trọng lắm sự yên bình. Để giờ đây, thế hệ con cháu sau này có thể tự hào và yêu quê hương nhiều hơn, với niềm kỳ vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.
Chia tay ông Thái, chia tay ngôi làng xinh đẹp vào buổi hoàng hôn. Khung cảnh đẹp tựa một bức tranh mang lại con người ta cảm giác bình yên đến lạ. Tùng Luật, ngôi làng mang chiến tích lịch sử, ngôi làng nghệ sĩ, ngôi làng hồi sinh mạnh mẽ... và nay được dân làng gọi đó là ngôi làng đáng sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.