Làm cá cơm khô ở Thổ Châu thu lãi vài chục triệu/tháng

03/08/2017 21:02 GMT+7

Ra đời cách đây hơn 20 năm, bắt đầu từ những hộ đánh bắt nhỏ lẻ về làm thức ăn phòng khi biển động, đến nay làng nghề sản xuất cá cơm khô ở xã đảo Thổ Châu (H.Phú Quốc, Kiên Giang) đang ngày càng lớn mạnh.

Xã Thổ Châu hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất cá cơm khô quy mô lớn và 30 hộ gia đình làm ăn nhỏ lẻ. Anh Nguyễn Thanh Mãi (ngụ ấp Bãi Ngự), người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm cá cơm khô, cho biết do vùng biển quanh quần đảo Thổ Châu nước sâu nên cá cơm sống rất nhiều và có lượng đạm cao hơn nơi khác.
Để có một lò hấp hoàn chỉnh kèm vỉ phơi và một số dụng cụ khác, chủ cơ sở phải đầu tư ít nhất từ 80 - 100 triệu đồng. Bên cạnh đó còn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua nguyên liệu và chi phí thuê mướn nhân công.

Thêm vào đó, thị trường ngày càng ưa chuộng cá cơm khô, đặc biệt là cá cơm Phú Quốc nên nhiều gia đình ở đây đã chuyển từ nghề nuôi, đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ sang sản xuất cá cơm khô.
Theo anh Mãi, nghề làm cá cơm khô tưởng nhẹ nhàng nhưng thật ra cũng khá vất vả. Muốn có được mẻ cá cơm khô ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Ngay từ sáng sớm, bà con phải chạy tàu ra biển để mua được cá cơm tươi, con lớn đem về chế biến. Trước tiên cá được rửa sạch, đổ vào bồn nước muối cho cứng lại; sau đó vớt ra cho vào bồn nước sạch chà trắng rồi rải đều lên mặt vỉ, đưa vào lò hấp. Cá vừa chín tới thì mang ra bãi biển phơi dưới ánh nắng mặt trời. Người làm phải tuân thủ đúng các công đoạn trên thì cá cơm thành phẩm mới trắng, ngon và nguyên vẹn.

Từ khi làng nghề sản xuất cá cơm ăn nên làm ra, đời sống bà con được nâng lên, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt nghề này cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương

Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu


Bà Nguyễn Hồng Thủy (ngụ ấp Bãi Dong), người có 15 năm gắn bó với nghề này, cho biết công đoạn khó nhất của làm cá cơm khô là canh lửa sao cho cá vừa chín tới. Nếu cá bị nứt, thương lái sẽ chê không mua. Ngoài ra, công đoạn phơi khô cũng rất vất vả, mỗi mẻ phải phơi trung bình từ 7 - 8 tiếng. Mùa khô trời thường quá nóng, còn mùa mưa thì công nhân phải canh suốt để tránh bị nước mưa rớt vào. Trong suốt thời gian phơi, người làm phải trở cá liên tục sao cho khô đều để cá trắng và thơm.
Hiện làng nghề làm cá cơm khô ở xã đảo Thổ Châu đang trên đà phát triển do nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như đầu ra khá ổn định. Thời gian gần đây, việc bảo quản, vận chuyển cá cơm khô đi tiêu thụ cũng dễ dàng hơn so với trước.
Trung bình mỗi tháng làng nghề bán ra thị trường hàng chục tấn cá cơm khô, với giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tính ra mỗi cơ sở thu lãi 20 - 30 triệu đồng/tháng, còn công nhân thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, cho biết địa phương luôn tạo điều kiện cho làng nghề sản xuất cá cơm khô phát triển. Hiện toàn xã có hơn 500 lao động phổ thông tham gia làm cá cơm tại các cơ sở sản xuất và hộ gia đình, do việc này không quá nặng nhọc, phù hợp với nhiều độ tuổi và cho thu nhập khá. “Từ khi làng nghề sản xuất cá cơm ăn nên làm ra, đời sống bà con được nâng lên, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt nghề này cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”, ông Dừng cho biết thêm.

tin liên quan

Xóm đũa Tân Long
Gần 40 năm qua, những người phụ nữ ở xã Tân Long (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) vẫn miệt mài giữ gìn nghề làm đũa truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.