Mẹ 92 tuổi nhặt ve chai nuôi con gái trong nhà 8 mét giữa trung tâm

30/06/2017 09:12 GMT+7

Căn nhà chật hẹp, chỉ gần 8m² thấp trũng, nhưng chất đầy đồ đạc. Lúc mọi người chưa thức giấc thì bà Trương Thị Biết (92 tuổi, ngụ hẻm 42 Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1) lại đi khắp xóm tìm kiếm nhặt nhạnh lon nước ngọt, chai nhựa bán kiếm tiền nuôi con gái mắc bệnh tâm thần…

Đã hơn 50 năm qua, bà Trương Thị Biết cùng người con gái tên Cẩm Vân nay cũng đã ngoài 60 tuổi vẫn thui thủi trong căn trái nhỏ chỉ gần 8m² được người cháu con người chị thứ 3 cho ở nhờ, chỉ thu tiền điện. Hai mẹ con, kẻ già người thì bệnh đùm bọc nhau sống lây lất qua ngày…
 
Cuộc đời cơ cực của 'Bà mẹ bán bánh sùng' 92 tuổi nuôi con - Thực hiện: Phan Định

tin liên quan

Hơn trăm cụ bà 'một thân, một mình' nương nhờ cửa chùa ở TP.HCM
'Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi', câu hát về mẹ vẫn cứ da diết. Vậy mà có những người phụ nữ phải một mình. Không chồng, con, cô độc tuổi xế chiều, những cụ bà đủ nghề như bán vé số, nhặt ve chai,… xin vào nương nhờ cửa chùa.
Nhà nát của hai mẹ con
Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là phần dôi ra của căn nhà chính và đã quá nát của người thân hỗ trợ, nhìn từ bên ngoài trông giống nhà kho bị bỏ hoang.
Chỗ ngủ của cụ Biết là dưới nền đất, nhường cho con gái chiếc ván.
Thời gian trước bà Trương Thị Biết nổi tiếng tại khu này vì làm nghề bán bánh sùng, không giàu nhưng cũng đủ sống, khi tuổi đã già bà không đi bán nữa mà trông chờ vào nghề uốn tóc của con gái Cẩm Vân.
Bất ngờ sau đó biến cố ập đến, sau một lần đi làm ăn xa trở về chị Cẩm Vân bỗng dưng đổ bệnh, lúc mê lúc tỉnh, nên mọi chi phí sinh hoạt của hai mẹ con đổ hết lên đôi vai của người mẹ già, bà không thể làm gì khác ngoài việc nhặt ve chai.
Nhìn từ bên ngoài trông giống nhà kho bị bỏ hoang hơn là nhà để ở.
“Ngày xưa còn khỏe bà ấy đi bán bánh sùng, sau này già yếu ở nhà không à, cách đây mấy năm có báo đài xuống viết bài thì cũng có các hội từ thiện xuống thăm lo, hàng ngày phường nấu cơm cho ăn, 2 mẹ con sống lây lất qua ngày chứ con bà ấy bệnh đâu làm được gì đâu”, bà Vũ Thu Cúc, ngụ hẻm 42 Hồ Hảo Hớn (P.Cô Giang, Q.1) nói.
Cụ cho biết quê ở Giồng Riềng (Kiên Giang) lên Sài Gòn từ trước năm 1975. Có chồng và 6 người con, nhưng hiện giờ chỉ còn lại một mình cụ và con gái, hàng ngày mọi công việc giặt giũ, nấu cơm,… đều một tay cụ làm: "Vân nó bệnh rồi, đâu làm được gì đâu, nó đi chơi suốt ngày, nó cũng đòi làm nhưng bà không cho vì sợ củi lửa, nó ngây ngây dại dại đâu biết được”.
“Mỗi ngày 2 lần, 5 giờ sáng hoặc 12 giờ tối là bà đi vòng khu trọ, lục lọi trong mấy túi rác của người ta kiếm ve chai về bán kiếm tiền, đi sớm mới lượm được nhiều, đi trễ giành không lại người ta” cụ Biết nói.
Do tuổi già sức yếu nên khi trái gió trở trời cụ hay bị bênh, những lúc như vậy được hàng xóm chăm sóc và cho thuốc. Chính quyền địa phương hàng tháng cũng trợ cấp cho bà 1.140.000 đồng, số tiền đó bà trích ra 300.000 đồng trả tiền điện nước, còn lại trang trải chi phí hàng ngày cho cả 2 mẹ con.
Cụ Biết tâm sự: “Từ lúc nó bệnh đến giờ, nó toàn kêu bà là bà bán bánh sùng”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng (Chủ tịch Hội người cao tuổi P.Cô Giang, Q.1), cho biết: “Hội cũng lo cho cụ 1 ngày 2 buổi có người mang cơm đến, đồng thời những dip lễ tết đều có quà do vận động từ các mạnh thường quân”.
Vừa nghe cụ kể, nhìn vào bên trong chị Cẩm Vân gương mặt ngây dại, ngồi đưa lắt lẻo trên võng, vô tư không biết trong thâm tâm người mẹ già đang trăn trở lỡ một ngày nào đó bà lìa đất xa trời thì ai sẽ lo cho chị?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.