Lá lành đùm lá rách: Cô giáo nghèo mong có tiền ghép thận

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
17/12/2019 07:36 GMT+7

Đó là trường hợp đáng thương của cô giáo Văn Thị Hằng Nga, 41 tuổi, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Hải Phú (H.Hải Lăng, Quảng Trị), bị suy thận giai đoạn cuối, đang chờ ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Huế

Sau khi đã phải chạy thận suốt thời gian dài, sức cùng lực kiệt, cô giáo Văn Thị Hằng Nga đã cầm cố ngôi nhà đang ở để có tiền chuẩn bị cho ca ghép thận.
Trong lá thư cầu cứu gửi đến Báo Thanh Niên, cô giáo Hằng Nga viết: “Lúc mang thai đứa con thứ 2 được vài tháng, em được các bác sĩ cho biết mình bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Do sức khỏe yếu nên đứa con vừa mới chào đời cũng vội bỏ ra đi trong sự day dứt. Em bị bệnh thận đã lâu nhưng mới đây em còn bị viêm gan, sỏi mật nên thời gian qua phải hoãn việc cấy ghép để phẫu thuật sỏi mật và điều trị dứt điểm bệnh gan. Nay bệnh viện đã có lịch ghép thận nhưng do lực đã cạn, sức đã kiệt, hết nơi để vay mượn nên em mạo muội viết lá thư này gửi Báo Thanh Niên mong được kêu gọi những người hảo tâm giúp đỡ cứu lấy mạng sống của mình”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ cô giáo Văn Thị Hằng Nga; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cô Nga trong thời gian sớm nhất
Tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện T.Ư Huế, cô giáo Hằng Nga cho biết: “Hiện tại đã có người hiến tạng phù hợp cho em, gia đình em đã vay mượn và cầm cố ngôi nhà quê đang ở để chuẩn bị kinh phí. Tuy nhiên, số tiền trên quá nhỏ, không thể đủ để ghép thận. Nếu ghép thành công, những ngày tháng về sau, em chẳng biết sẽ sống như thế nào khi nhà cũng không mà tiền cũng không. Nhiều lúc em có ý định buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến đứa con nhỏ, đành chịu đựng đau đớn để cầm cự, hy vọng sống được...”, Hằng Nga nói trong nước mắt.
Chồng của cô giáo Nga, anh Trần Trung Kiên, cũng là giáo viên tại Trung tâm dạy nghề H.Hải Lăng (Quảng Trị). Hai vợ chồng giáo viên ở quê với đồng lương ít ỏi đều dồn hết để chữa bệnh cho vợ. Cô giáo ở quê nghèo không may mắc phải căn bệnh “nhà giàu”, đến đường cùng mới dám mạo muội viết lá thư gửi đến Báo Thanh Niên để cầu cứu.
Đọc lá thư và khi đến bệnh viện để gặp cô giáo, chúng tôi cũng không kìm được nước mắt trước khát vọng được sống vì còn lo cho tương lai của chồng và đứa con thơ. Với bài viết này, chúng tôi cũng mong lời khẩn cầu của cô giáo đáng thương sớm được bạn đọc chung tay giúp đỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.