Kỷ vật còn lại của người mất vì Covid-19: Bác sĩ trao lại người thân, nước mắt cứ rơi

24/09/2021 11:50 GMT+7

Những ngày Bệnh viện dã chiến số 16 (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) trả trao kỷ vật cho gia đình người mất vì Covid-19, những giọt mắt của người thân và cả y bác sĩ đã tuôn rơi. Nhiều câu chuyện còn chưa kịp kể…

Có bác sĩ hy sinh…

14 giờ 30 phút chiều 23.9 tại Bệnh viện dã chiến số 16, PV có mặt trong căn phòng nhỏ chừng 20 mét vuông với những chiếc kệ chứa hàng trăm kỷ vật của bệnh nhân đã mấtCovid-19.
Chị Lê Thanh Thảo (Chuyên viên phòng Công tác xã hội) và anh Nguyễn Văn Minh (Chuyên viên phòng Hành chính - Quản trị của bệnh viện) tất bật với việc tìm lại những kỷ vật để trao trả cho 15 trường hợp gia đình bệnh nhân như đã hẹn.

VIDEO Xúc động giây phút nhận lại kỷ vật của người thân mất vì Covid-19

Nhìn vào những túi đồ được xếp lại ngay ngắn trên kệ, một số túi có dán sẵn thông tin người mất hoặc gia đình, chị Thảo cho biết hiện có 3 nhân viên công tác tại đây làm nhiệm vụ trao trả lại kỷ vật. Bệnh viện bắt đầu trao trả kỷ vật của những người mất vì Covid được 4 ngày với hơn 100 trường hợp. 160 trường hợp còn lại bệnh viện vẫn đang xử lý hoặc chờ thân nhân người mất đến nhận.

Chị Thảo và anh Minh soạn lại những kỷ vật để trao trả cho thân nhân người mất

CAO AN BIÊN

Các kỷ vật của người mất được khử trùng nhiều bước, xếp ngay ngắn trong một căn phòng ở bệnh viện

CAO AN BIÊN

Theo chị Thảo, với những đồ vật có giấy tờ, thông tin của chủ sở hữu, các bác sĩ đã liên hệ người thân đến nhận. Tuy nhiên, cũng có những món đồ như điện thoại, quần áo, túi xách, răng giả và các đồ dùng khác chưa biết chủ sở hữu thì bệnh viện vẫn sẽ tìm mọi cách để trao trả.
Chỉ vào những chiếc điện thoại được xếp ngay ngắn một góc, chị Thảo cho biết đây là những kỷ vật không biết chủ sở hữu. Những người phụ trách đã tìm cách để mở nguồn điện thoại gọi điện cho người nhà hoặc chờ họ gọi tới để thông báo. Những kỷ vật không tìm được người nhận sẽ giao lại cho TP xử lý.

Những chiếc điện thoại là kỷ vật chưa xác định được chủ nhân

CAO AN BIÊN

Chị Thảo xúc động kể về người đồng nghiệp hy sinh vì Covid-19, chỉ để lại một vài bộ quần áo và giấy tờ tùy thân

CAO AN BIÊN

Ở căn phòng này, có biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi xuống, trong đó có cả của chị Thảo. Chị kể kỷ vật xúc động nhất với chị là vài bộ quần áo và giấy tờ của một đồng nghiệp công tác ở bệnh viện. “Anh đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng dịch bệnh vẫn ráng xung phong vào công tác. Rồi anh nhiễm Covid-19 và mất. Ngày mất, người tới nhận kỷ vật không phải vợ anh mà là đồng nghiệp vì chỉ cũng làm ở một bệnh viện và cũng đang điều trị Covid-19”, chị Thảo xúc động.

“Anh đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng dịch bệnh vẫn ráng xung phong vào công tác. Rồi anh nhiễm Covid-19 và mất. Ngày mất, người tới nhận kỷ vật không phải vợ anh mà là đồng nghiệp vì chỉ cũng làm ở một bệnh viện và cũng đang điều trị Covid-19”.

Chị Thanh Thảo

Lát sau, anh Minh đã mở nguồn được một chiếc điện thoại cảm ứng, điện thoại không khóa, anh vào danh bạ để gọi cho gia đình người mất: “Alo! Số này phải của người thân em không?”, đầu dây bên kia đáp lại: “Dạ phải anh”.
- Chủ nhân số này là gì của em?
- Mẹ em anh ơi! Mẹ em tên Nguyễn Hà C.
- Vậy em tới số 17, Đào Trí, P.Phú Thuận, Q.7 là Bệnh viện dã chiến số 16, mang theo chứng minh thư để nhận đồ nha!
- Khi nào em qua được anh?
- Em qua bây giờ cũng được.
- Em cảm ơn anh, bây giờ em ở Q.8, em qua đây ngay!

Anh Minh gọi điện cho thân nhân người mất

CAO AN BIÊN

Những dòng chữ trên một túi quần áo của người phụ nữ đã mất khiến các y bác sĩ xúc động

CAO AN BIÊN

Anh Minh chỉ vào một góc kệ, nơi có chiếc túi với dòng chữ “Mẹ ơi cố lên!”, rồi bùi ngùi. Theo anh Minh, đây là một trong những món đồ khiến anh xúc động nhất vì đó là sự động viên của con gái dành cho mẹ đang chiến đấu với Covid-19, mong mẹ sớm được được về nhà, nhưng cuối cùng bà không qua khỏi. Sau mỗi kỷ vật, là nỗi đau, là sự mất mát khôn nguôi không gì bù đắp được.

Những món đồ vô giá

Đúng 15 giờ, nhiều người đã chờ sẵn ở cổng 1 của bệnh viện để nhận lại đồ vật của người thân. Nghe các bác sĩ thông báo, mọi người nhanh chóng tiến vào xếp hàng, ngồi ghế giãn chờ tới lượt.
Trong số đó, có anh Huỳnh Quốc Đạt (38 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) đến nhận đồ của ba vợ (mất ở tuổi 69). Cầm trên tay chiếc ví tiền và điện thoại ông để lại, anh không khỏi xúc động, nhưng vẫn giữ bình tĩnh điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn để hoàn tất thủ tục.

Những thân nhân người mất đến nhận lại kỷ vật

CAO AN BIÊN

Ông Trương Hán Minh (42 tuổi, ở Q.7) nhận lại chiếc ví của người cha quá cố mất ở tuổi 81. Là con trai út, ở chung với ba, ông cho biết bản thân gắn bó với cụ ông nên khi hay tin ông mất anh hết sức đau buồn. "Hầu như ngày nào tôi cũng khóc khi nghĩ tới ba. Nhà tôi 8 người, 7 người nhiễm, có má tôi không bị dính Covid-19 thôi. Bây giờ cả nhà khỏe lại hết rồi, còn ba tôi...", ông bùi ngùi

CAO AN BIÊN

Anh kể ba vợ của mình nhiễm Covid-19 hồi đầu tháng 8, sau 10 ngày điều trị tại nhà bệnh ngày càng nặng thì gia đình tìm cách đưa ông vào bệnh viện, nhưng 3 ngày sau thì ông mất.
“Chính tôi là người chở ông đến đây, nhưng lúc đó ông quá yếu rồi nên không kịp nói lời trăn trối. Tôi cũng không nghĩ đó là lần cuối cùng mình gặp ông”, anh kể.

“Tôi biết đây là những món đồ tuy không đắt tiền nhưng vô giá với nhiều gia đình, không gì có thể mua được. Càng nghĩ, chúng tôi càng cố gắng để gửi lại”

Chị Phan Thị Hồng Thúy

Trước đó, cả nhà 6 người của anh Đạt đều nhiễm Covid-19, may mắn là tất cả đều đã qua khỏi. Tay run run cầm kỷ vật của ba, anh nói quý nhất là chiếc điện thoại này vì nó lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ niệm của gia đình. Từ ngày ông mất, ngày nào vợ anh cũng gọi vào số máy này, nhưng “thuê bao”. Bất ngờ một ngày chị gọi được, đầu dây bên kia là thông báo của bác sĩ nên anh cũng tức tốc tới nhận. Nói xong, người đàn ông nhanh chóng lên xe về nhà.

Người đến nhận kỷ vật điền thông tin và ký xác nhận

CAO AN BIÊN

Anh Đạt đến nhận đồ của cha vợ

CAO AN BIÊN

Chiếc điện thoai của cha là kỷ vật vô giá của gia đình anh khi nó lưu giữ nhiều bức ảnh, kỷ niệm gia đình

CAO AN BIÊN

Nhìn theo anh Đạt một lúc, chị Phan Thị Hồng Thúy, công tác tại phòng Công tác xã hội của bệnh viện, nói những câu chuyện như vậy khiến chị hết sức xúc động. Bác sĩ thì nỗ lực liên hệ với người thân, chính những người thân ở nhà cũng nỗ lực tìm lại những kỷ vật của người đã mất. Điều đó giúp cho việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn.
“Tôi biết đây là những món đồ tuy không đắt tiền nhưng vô giá với nhiều gia đình, không gì có thể mua được. Càng nghĩ, chúng tôi càng cố gắng để gửi lại”, chị rơi nước mắt.

Tôn trọng tài sản người mất, dù là nhỏ nhất

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 16) cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 1.500 bệnh nhân nhiễm Covid-19, thời gian qua một số người đã không qua khỏi.
“Trong tất cả những tài sản bệnh viện gửi lại, có những tài sản không có giá trị cao, nhưng về mặt tinh thần thì rất lớn, bệnh viện tôn trọng tất cả các tài sản dù là nhỏ nhất và tìm cách để gửi lại. Chúng tôi không chỉ quan trọng việc điều trị cho bệnh nhân mà cũng quan tâm tới tâm lý người nhà người đã mất”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 16, hiện nhiều trường hợp người thân không đến nhận kỷ vật được do đang cách ly, điều trị Covid-19, bệnh viện sẽ giữ lại, đến khi nào trao trả hết thì kết thúc. “Bệnh viện không thể ship những món đồ này đến nhà bệnh nhân vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, phải có người đến ký nhận”, ông Tuấn thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.