Kỳ lân Chợ Lớn: Theo lân diễn võ

31/05/2018 10:12 GMT+7

Các võ phái của người Hoa khi du nhập vào Chợ Lớn, đa phần đều lập đoàn lân để tham gia dịp lễ hội, trình diễn, khai trương, xông đất…

Công phu võ học “thiết đầu công”, “nhất chỉ công”, “thương tỏa hầu”, “ngũ chỉ thích phúc”... cùng những bài quyền mang đậm sắc thái riêng của từng võ phái được trình diễn sôi nổi trong múa lân là nét văn hóa đặc biệt của người Hoa xưa mà nay đã mai một.
Các võ phái của người Hoa khi du nhập vào Chợ Lớn, đa phần đều lập đoàn lân để tham gia dịp lễ hội, trình diễn, khai trương, xông đất… Sau khi lân hoàn thiện bài diễn, tiết mục đa dạng và hấp dẫn hơn được mọi người mong chờ là màn trình diễn võ thuật, biểu đạt trình độ, công phu luyện tập và đẳng cấp riêng từng võ phái. Mỗi lò võ sẽ có những màn trình diễn mang sắc thái, độ khó khác biệt, với đỉnh điểm là các tiết mục công phá, thi triển nội - ngoại công, ngạnh công khiến người xem mãn nhãn.
Công phu tuyệt đỉnh
Biểu diễn võ thuật từ xưa được gọi bằng “mãi võ Sơn Đông”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ vùng Sơn Đông (Trung Quốc) có nhiều lò võ (địa danh gắn liền với võ thuật như Bình Định của VN), và những người xuất xứ từ Sơn Đông khi hành tẩu giang hồ, gặp lúc thiếu lộ phí, họ thường sử dụng trình độ võ học của mình biểu diễn chốn đông người để kiếm tiền tiếp tục bôn tẩu. Các võ phái khi định danh tại vùng Chợ Lớn xưa, võ là chính, còn lân là phụ, và khi ra trình diễn thì võ bao giờ cũng được chú trọng và được người xem mong đợi.
Tên tuổi các đoàn lân danh tiếng ở Chợ Lớn như Kiến Thắng Đường, Tụ Anh Đường, Trung Sơn Đường, Quần Anh Đường, Hồng Nghĩa Đường, Quần Tân Đường, Thanh Liên Đường, Nhơn Nghĩa Đường… cũng đồng thời gắn với tên tuổi các lò võ và võ sư sáng lập. Tuy nhiên người ta ít nhắc về lân, mà thường nhớ đến tên tuổi các võ sư cùng công phu võ thuật của họ khi trình diễn. Trong số ấy có màn trình diễn của bộ đôi võ sư tiểu lực sĩ Lý Ngọc Long và học trò Lý Lân Sơn thường diễn chung bài Thiết long quàng cổ (vận công uốn lớp thép dày quấn quanh cổ), cùng các tiết mục dùng búa tạ phá đá xanh đặt lên người...
Một nhân vật danh tiếng khác đến từ lò lân Trung Nghĩa Đường là võ sư Châu Chí Hùng với màn trình diễn Thương tỏa nhãn (hai cây thương đâm vào hốc mắt), sau này môn công phu biểu diễn cùng thương được giới võ lâm sử dụng nhiều và phát triển thành Thương tỏa hầu (thương đâm cổ họng), Ngũ chỉ thích phúc (thương đâm vào 5 điểm yếu trên cơ thể)… Châu võ sư cũng là người sở hữu tuyệt kỹ tay không chặt sầu riêng, chặt gạch nhờ luyện thuần thục các chiêu thức trong Thiếu Lâm Kim Cang và Thiết Bối Sam.
Một đoàn lân quen thuộc khác vùng Chợ Lớn nổi tiếng với các màn nội công tạp kỹ là Thắng Nghĩa Đường, với tuyệt chiêu công phá gạch, dừa, chặt chai, cùng hệ bài quyền riêng của võ phái Thái Lý Phật như Tiểu hồng quyền, Mai hoa quyền, Thiết phiến quyền, đến Bịch bộ truy đả, rồi Ngũ hình quyền, Thập tam gia tỏa (miêu tả cảnh Võ Tòng khi bị xích đánh 13 thế)… Nhưng mỗi khi lân của lò Thắng Nghĩa Đường xuất động, người xem mong chờ nhiều vào những màn thi triển nội công, khí công của võ sư trưởng đoàn, cùng phần trình diễn ngạnh công của môn sinh Thái Lý Phật, với một trong những tuyệt chiêu là “thiết chỉ” - luyện ngón tay cứng như thép - được tổ đời thứ 4 của Hồng Thắng Thái Lý Phật là võ sư Đặng Tây truyền dạy tại vùng Chợ Lớn.
Kỳ lân Chợ Lớn: Theo lân diễn võ1
Bài diễn Thiết long quàng cổ của thầy trò tiểu lực sĩ Lý Ngọc Long Ảnh: T.L
Các học trò của Thiếu Lâm chánh tông Thái Lý Phật khi luyện “thiết chỉ” mỗi ngày phải dùng ngón tay gõ lên mặt gỗ, kết hợp các bài luyện chưởng pháp đặc trưng của võ phái, khi đạt đến công phu nhất định, có thể biểu diễn thuần thục màn “Nhị chỉ phá cau” dùng hai ngón tay kẹp trái cau gõ vào mặt gỗ làm bể cau, hoặc “Nhất chỉ công” (zách chỉ cúng) hay còn gọi là “Nhất chỉ thiền” (zách chỉ xiềm) dùng một ngón tay khẻ bể tô sành...
Đá bể quả dừa
Thắng Nghĩa Đường có môn công phá dừa bằng ống quyển, chưa từng gặp ở các lò lân khác. Gần 40 năm từ khi Thắng Nghĩa Đường thành lập đến nay, chỉ hai người thực hiện được tuyệt kỹ này là võ sư Huỳnh Chí Dân và huấn luyện viên Huỳnh Gia Bửu. Đến lò Thắng Nghĩa Đường xem công phu luyện tập của võ sinh, mới thấy để đạt được đẳng cấp đá bể dừa hẳn phải là “siêu nhân”. Để luyện ống quyển cứng như thép, mỗi ngày tại võ đường ở CLB Lệ Chí, Gia Bửu phải cắn răng, gồng mình tung người phang ống quyển vào bó mây tre treo trên hành lang. Biết bao bó mây tre phải thay mới, biết bao lần trầy xước cùng những vết bầm tím liên hoàn, công phu đá dừa mới luyện thành.
Huỳnh Gia Bửu chia sẻ: “Nếu trái dừa nằm cố định, dùng tay hay chỏ công phá thì đơn giản hơn, nhưng khi dùng ống quyển đá dừa, ngoài việc rèn luyện ống quyển cứng chắc, chỉ pháp sử dụng cầm dừa cũng phải vững để kết hợp lực tay giáng xuống, chân vung lên đúng và đủ lực mới đá bể được dừa”.
Kỳ lân Chợ Lớn: Theo lân diễn võ2
Bài diễn Thương tỏa hầu do võ sư Lâm Minh biểu diễn
Những màn trình diễn mang công phu cao như đá dừa luôn khiến người xem đắc ý, nhưng cũng có rất nhiều ca làm khó người biểu diễn. Võ sư Huỳnh Chí Dân trong một lần đưa đoàn lân Thắng Nghĩa Đường trình diễn ở Bình Dương, có biểu diễn tiết mục đá dừa, gia chủ xem xong bèn đem ra trái dừa già cất trong nhà, thách thức đá bể. Cả đám đông khán giả nín thở chờ đợi, và phải sau nhiều lần công phá, kết hợp cả đánh chỏ, trái dừa mới bể toác trong tiếng vỗ tay tán thưởng của người xem và gật gù ưng ý của gia chủ. Sau đó, gia chủ gặp riêng võ sư Huỳnh Chí Dân, bày tỏ khâm phục và cho hay đó là trái dừa rất già, đã được tuyển kỹ để ông dùng làm đồ đựng ấm tích ủ nóng, nên sớ dày, vỏ dai, gáo cứng, ngay cả dao chém cũng phải trầy trật mới phá được lớp vỏ.
Thi triển nội công, võ thuật, công phá của các lò lân ngày xưa là phần chủ đạo, nhưng trong thế giới múa lân hiện đại, võ thuật chỉ còn là tiết mục lót nền. Từ khoảng 10 năm trở lại đây do ảnh hưởng quan niệm phong thủy của giới làm ăn Đài Loan, Singapore; biểu diễn nội - ngoại công, thường gắn với các pha công phá, chuyện bể vỡ đầu năm mang lại điềm không may, nên các tiết mục võ thuật, công phá dần bị giản lược.
Ngay cả trang phục của các lò lân cũng khác. Ngày xưa chỉ mang hai màu đen - trắng (biểu trưng cho sự hòa hợp, cân bằng âm dương), thắt đai đỏ (tượng trưng lòng nhiệt huyết, đam mê võ học). Trang phục nay được sân khấu hóa nên mang nhiều màu sắc tươi vui, rộn ràng, hàm ý phát tài, phát lộc hơn là trắng - đen vốn được gán cho màu của lạnh lùng, tang tóc. Các màn trình diễn tạp kỹ, nội - ngoại công cũng mang tính thị trường, đẹp ở phần diễn nhiều hơn là công phu võ học thực sự. (còn tiếp)
Dùng tiểu xảo sẽ bị phá sản
Nhiều lò lân non yếu không sử dụng công phu, mà dùng tiểu xảo, chặt dừa non, chặt gạch, đá đã qua xử lý, tạo vết nứt sẵn, cùng những chiêu trò che mắt người xem để thu lợi hơn là công phu thật sự, nếu việc bị bại lộ hoặc khi gia chủ đưa ra những bài khó mà hóa giải không thành công, tiếng xấu đồn xa trong giới võ lâm là phá sản. Cái nghiệt ngã của nghề võ ngày xưa là vậy, võ sư Huỳnh Chí Dân từng dạy học trò: “Đã biểu diễn thì phải làm thật, học chưa đến nơi đến chốn thì đừng tham gia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.