Kỳ 5: Khoa học của người mẹ

12/09/2016 08:00 GMT+7

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân không những sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí cho bệnh nhân mà còn duy trì sức khỏe bền vững sau khi điều trị.

Bệnh viện FV rất coi trọng điều này, đó cũng là một trong những yêu cầu của JCI, tổ chức hàng đầu trên thế giới về thẩm định và chứng nhận chất lượng y tế.
Tình trạng bệnh nhân suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang mức báo động, chiếm trên dưới 50% tổng số bệnh nhân. Nguyên nhân là nhiều thầy thuốc chỉ quan tâm việc chữa bệnh bằng thuốc và kỹ thuật điều trị, ít quan tâm đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện đến nay vẫn chưa có khoa dinh dưỡng hoặc bộ phận chuyên trách dinh dưỡng. Số đông người bệnh và người thân của họ chưa có thói quen coi việc ăn uống hợp lý là chuyện quan trọng không kém việc dùng thuốc. Tình trạng thiếu quan tâm đến dinh dưỡng của bệnh nhân khiến cho việc điều trị kéo dài, tăng mức độ rủi ro khi dùng thuốc, nhiều trường hợp điều trị không có hiệu quả hoặc phản tác dụng.
Tôi vốn không tin mấy vào các sách vở khoa học về dinh dưỡng cũng như lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, bởi vì khoa học là một chuyện, còn khẩu vị là một chuyện khác. Khẩu vị của một người phụ thuộc vào chủng tộc, vào tuổi tác, vào tập quán cùng vô số những yếu tố cá nhân khác mà khoa học không thể “thâu tóm” hết được. Không ít lần tôi chứng kiến những đứa trẻ sợ hãi khóc thét lên khi bị bố mẹ chúng ép phải ăn những món ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Chắc nhiều bạn đọc cũng đã từng chứng kiến người thân của mình phải vận dụng trí óc để ăn cho bằng được các món ăn mà khoa học bảo là “tốt cho sức khỏe” trong khi cơ thể chẳng hề cảm thụ được chút ngon lành gì.
Nói chuyện với Sylvie Nguyễn, tôi mới hiểu như thế nào là chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân theo đúng nghĩa. Là Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện FV, chị vừa thể hiện sự nghiêm cẩn của một chuyên gia vừa thể hiện sự chăm chỉ quán xuyến của bà nội trợ. Vừa là một chuyên gia vừa là người thực hành và là người quản lý, chị có mặt khắp nơi, từ phòng khám qua giường bệnh cho đến nhà bếp và kho thực phẩm.
Tất cả những gì liên quan đến thực phẩm ở FV đều thuộc trách nhiệm của chị. Thực phẩm được lấy từ đâu, ai là nhà cung cấp và độ tin cậy của nhãn hàng, kho bảo quản có bảo đảm vệ sinh và tiêu chuẩn về nhiệt độ hay không, quy trình chế biến có gì sai sót…, mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo một cách tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Theo Sylvie thì chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Phải đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, lối sống, thói quen ăn uống, mức độ hoạt động, kiến thức và động lực của từng người một để vừa giúp bác sĩ điều trị áp dụng kỹ thuật và mức độ sử dụng thuốc cho phù hợp, đồng thời lên thực đơn cho người bệnh để nhà bếp phục vụ đúng nếu là bệnh nhân nội trú hoặc tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống hằng ngày nếu là bệnh nhân ngoại trú, nếu bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng thì chuyển sang khoa dinh dưỡng. “Bệnh nhân 100 người 100 khẩu vị, không dễ chút nào. Vấn đề là làm sao ai cũng ăn được và ăn ngon, thức ăn dù bảo đảm dinh dưỡng nhưng không hợp khẩu vị thì bệnh nhân cũng sẽ suy dinh dưỡng”, chị nói.
Là bệnh viện quốc tế, bệnh nhân đến điều trị ở FV là đa sắc tộc, nhưng phần lớn vẫn là người Việt. FV đã rất “khéo” khi chọn Sylvie Nguyễn làm Trưởng khoa Dinh dưỡng. Tôi hỏi, chị sống ở Pháp từ nhỏ, làm sao chị biết được bệnh nhân người Việt thích ăn những món gì mà tư vấn, chị cười bảo cha mẹ chị là người Việt, ở bên Pháp ngoài những món ăn “Tây”, chị vẫn thường ăn những món ăn dân dã Việt Nam do mẹ nấu. “Một bệnh nhân Việt Nam và một bệnh nhân Pháp, điều trị thuốc men thì không khác nhưng dinh dưỡng thì khác”, Sylvie nói. Chị không chỉ biết thức ăn của người Pháp và người Việt mà còn nghiên cứu thức ăn của các dân tộc khác nữa, “người Thái có món ăn của Thái, người Malaysia có món ăn của Malaysia…, phải biết hết mới có thể chăm sóc dinh dưỡng cho họ được”.
Đối với bệnh nhân nội trú, từng thực đơn riêng được soạn cho mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào bệnh lý, vào khẩu vị, vào khả năng dung nạp, vào tình trạng dị ứng với các loại thức ăn của mỗi người. Trong quá trình áp dụng thực đơn, lại phải theo dõi bệnh nhân có ăn được không và đo lường độ hiệu quả của chế độ dinh dưỡng để tiếp tục điều chỉnh. Ở đây khoa học về dinh dưỡng chỉ là yếu tố nền tảng, còn biết bao nhiêu điều trong cơ thể của từng con người riêng lẻ mà chuyên gia dinh dưỡng cần phải am tường - sự am tường bằng tấm lòng của những người mẹ. Chỉ có tấm lòng của người mẹ mới tạo ra một bữa ăn ngon cho từng người trong gia đình. Tôi có thể hình dung được niềm vui của những người chăm sóc dinh dưỡng khi thấy bệnh nhân ăn ngon và nỗi buồn của họ khi một món ăn bị bệnh nhân từ chối.
Khoa học được hàm chứa trong tấm lòng là khoa học của người mẹ. Ở đây chẳng có đứa trẻ nào phải khóc thét lên khi bị ép phải ăn những món dinh dưỡng, chẳng có người lớn nào phải vận dụng đầu óc để buộc cơ thể mình phải hấp thu những món mà nó không tự nguyện hấp thu. Câu khẩu hiệu “Thầy thuốc như mẹ hiền” là mục tiêu vươn tới của tất cả thầy thuốc, ở FV câu khẩu hiệu này được thể hiện đến tầng sâu xa nhất của nó. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.