Kỳ 2: 'Cá thể hóa' phác đồ điều trị có ý nghĩa gì?

16/08/2016 08:00 GMT+7

Ung thư là căn bệnh nan y, việc điều trị rất phức tạp.

Tại Việt Nam, FV là nơi điều trị ung thư hiệu quả không thua kém các trung tâm điều trị ung thư tầm cỡ trên thế giới. Sự tin cậy ở đây không chỉ do đẳng cấp của thầy thuốc, mức độ hiện đại của công nghệ mà còn do sự vận hành nhịp nhàng chu đáo của cả hệ thống đối với từng người bệnh.
Khi tiếp xúc với bác sĩ Võ Kim Điền tại phòng làm việc của anh, tôi nhận thấy anh là một thầy thuốc giỏi và khiêm nhường. Sau 15 năm hành nghề ở Bệnh viện Ung bướu, anh được Ban Giám đốc FV “chiêu mộ” về ngay từ những ngày đầu bệnh viện này đi vào hoạt động, hiện nay anh là Trưởng trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV.
Tôi hỏi bác sĩ Điền một câu hỏi hơi vô duyên, rằng bệnh ung thư nếu phát hiện sớm đến điều trị tại FV thì sau khi điều trị bệnh nhân có thể sống được bao lâu. Anh bảo cũng tùy theo loại ung thư, tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân. Ung thư thường chia làm các giai đoạn 1, 2, 3, 4. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm nhất, điều trị ở đây có thể khỏi tới 95%, cứ 100 người thì có thể 95 người khỏi bệnh. Đối với bệnh ung thư, sau khi điều trị, bệnh nhân sống trên 5 năm được coi là khỏi bệnh. Còn sống lâu nhất là bao nhiêu năm thì anh không nói được, nhưng nhiều người điều trị ở đây từ khi FV mới thành lập đến nay vẫn khỏe mạnh.
Tôi lại hỏi một câu rất thiếu chuyên môn, rằng với bề dày kinh nghiệm điều trị ung thư có hiệu quả trong nhiều năm, FV có phương pháp điều trị độc đáo gì so với những nơi khác. Bác sĩ Điền chia sẻ điều trị ung thư rất phức tạp, phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình y khoa, phải liên tục tiếp thu và cập nhật các thành tựu khoa học mới nhất, các phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới, bởi vậy không thể nói là FV có phương pháp độc đáo gì so với các nơi khác. Tôi hiểu, FV không “đánh bóng” tên tuổi của mình, họ không chủ trương “hơn thua” với các bệnh viện khác. Họ chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực y khoa hiện đại, không “khai phá” con đường mới nhưng cũng không chậm hơn những gì mà thế giới áp dụng.
Trước đây, tại các bệnh viện, cùng một loại bệnh, tất cả bệnh nhân được điều trị giống nhau, “10 người ung thư cổ tử cung đều áp dụng một cách xạ trị giống nhau”, bác sĩ Điền nói. Theo anh thì: “Chị này ung thư vú, chị kia cũng ung thư vú, nhưng chưa chắc hai trường hợp đó giống nhau. Chúng tôi phải phân tích từng yếu tố nhỏ trong bệnh án, các bệnh lý đi kèm, sức khỏe như thế nào, loại ung thư là loại gì và diễn biến ra sao, chúng tôi phải phân tích tất cả các yếu tố đó để đưa ra một phác đồ riêng biệt, cá thể hóa từng trường hợp”.
“Cá thể hóa” phác đồ điều trị là câu chuyện thú vị. Đó cũng là “bí quyết” của các bậc thần y, của các bậc danh y xưa nay: cùng một loại bệnh nhưng không có một thang thuốc chung, không có một toa thuốc chung, không có một cách điều trị chung cho tất cả mọi người. Có vô số sự khác biệt do chủng tộc, do tuổi tác, giới tính, thể trạng, môi trường sống, có vô số những tác nhân gây bệnh, thời điểm mắc bệnh…, mỗi một sự khác biệt đều tạo ra những tương tác khiến cho căn bệnh diễn biến theo các chiều hướng rất khác nhau.
Chẩn bệnh đúng thì trị bệnh mới đúng, nhưng chẩn bệnh đúng đòi hỏi phải nắm bắt cho được những sự khác biệt cùng những tương tác của sự khác biệt đó trong từng cá thể. Các bậc thần y chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, nhưng dù các vị có từng sống thật trên đời đi chăng nữa thì cũng chẳng thể để lại một bí quyết nào cho hậu thế, đơn giản là vì những “phác đồ điều trị” của các vị đâu có thể đem ra áp dụng được.
Các bác sĩ ở FV không phải là thần thánh, họ biết đúng căn bệnh của từng người thông qua “tai mắt” của các thiết bị hiện đại cộng với một quá trình hội chẩn cực kỳ nghiêm ngặt.
Bác sĩ Võ Kim Điền đưa tôi đi xem các máy móc ở Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng. Anh giới thiệu tính năng, cơ chế vận hành và sự đồng bộ của chúng. Tôi chẳng hiểu mấy về những cái máy phức tạp này, nhưng rất hứng thú khi nghe anh diễn giải. Anh bảo nhiệm vụ chủ yếu của các bác sĩ Trung tâm Hy Vọng là hóa trị và xạ trị. Tất nhiên, điều trị ung thư còn có phẫu thuật.
Tại Bệnh viện FV, việc phẫu thuật do các bác sĩ của các chuyên khoa ngoại đảm nhiệm. Nhưng trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào, từng bệnh nhân phải được hội chẩn. Việc hội chẩn được thực hiện bởi nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau, gồm các bác sĩ ung bướu, bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia về hình ảnh và các bác sĩ chuyên khoa khác. Việc hội chẩn đa chuyên khoa như vậy mới có được cái nhìn đa chiều thấu đáo về trạng thái và diễn biến của căn bệnh nhằm đưa ra một chiến lược, một phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Trường hợp nào cần phẫu thuật trước, trường hợp nào cần hóa trị hay xạ trị trước hoặc phải kết hợp xạ - hóa trị đồng thời... đều được các chuyên gia cân nhắc rất cẩn trọng.
Đưa ra một dẫn chứng về bệnh ung thư trực tràng giai đoạn tiến xa, anh nói ngày xưa ở nhiều bệnh viện người ta chỉ phẫu thuật để cắt bỏ. Phẫu thuật trong trường hợp này là cắt bỏ luôn hậu môn của người bệnh rồi làm một hậu môn nhân tạo vĩnh viễn bên ngoài, rất bất tiện trong cuộc sống về sau. Điều này khiến khá nhiều bệnh nhân từ chối điều trị. Để bệnh nhân dễ dàng chấp nhận điều trị, nhiều nơi không giải thích trước cho bệnh nhân về vấn đề này (nói trắng là giấu bệnh nhân về việc họ phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời). Hậu quả là bệnh nhân bị một cú sốc tâm lý khi tỉnh dậy sau mổ.
Ngày nay việc điều trị ung thư trực tràng không như vậy nữa, bởi vì chữa bệnh là quan trọng nhưng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi chữa cũng quan trọng không kém. FV rất cẩn trọng trong những trường hợp như vậy, nên áp dụng phác đồ phối hợp xạ trị hóa trị đồng thời trước mổ để giảm kích thước bướu và để khi phẫu thuật xong vẫn giữ được hậu môn cho người bệnh.
Không chỉ đối với các bệnh nhân ung thư, các bệnh khác cũng được hội chẩn theo cách tương tự. Việc “cá thể hóa” phác đồ điều trị ngoài mục đích đạt hiệu quả cao nhất trong chữa bệnh còn góp phần làm giảm chi phí cho bệnh nhân. Bởi vì phác đồ đó chỉ cho phép sử dụng các kỹ thuật điều trị cũng như dùng thuốc trong giới hạn cần thiết. FV có cơ chế kiểm soát chặt chẽ mọi bất cập và thái quá trong việc áp dụng kỹ thuật cũng như sử dụng thuốc men. Đó là một trong những yêu cầu của chuẩn mực JCI mà FV thực hiện ở trình độ chuyên môn cao nhất. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.