Khu đô thị mới cứ mưa lớn là ngập

19/07/2017 06:31 GMT+7

Dù bỏ tiền tỉ mua nhà ở khu đô thị Geleximco trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Hà Đông, Hà Nội) nhưng hàng nghìn cư dân ở đây luôn phải thấp thỏm nỗi lo cứ có mưa lớn là bị ngập nước .

“Tiếng là khu đô thị mới, hiện đại nhưng hễ trời mưa to chút là lại bị ngập. Trong tháng 7 này, ít nhất 2 lần khu đô thị Geleximco bị ngập nước, khiến cuộc sống của cư dân đảo lộn. Có thời điểm trong đợt mưa ngày 13.7 và 17.7, khu nhà chúng tôi bị cô lập trong “biển” nước”, anh Trần Văn Cường, chủ căn liền kề trong khu đô thị Geleximco, cho biết. Theo anh Cường, phần lớn các tuyến đường nội bộ của khu đô thị Geleximco rộng 35 ha đều thành “sông”, ngập từ 30 - 60 cm, giao thông tê liệt. Tầng hầm của hàng chục căn nhà ngập sâu trong nước mưa.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong 2 ngày 17 và 18.7, đa phần diện tích của khu đô thị Geleximco bị ngập nước. Trong đó, nhiều điểm ngập sâu 60 cm khiến xe máy, ô tô không thể lưu thông. Vừa giật nổ chiếc máy bơm để hút nước trong hầm nhà ra đường, anh Phạm Ngọc Minh (35 tuổi, thuê nhà ở khu đô thị Geleximco làm văn phòng công ty) vừa cho biết anh đang cân nhắc việc chuyển công ty đến nơi khác vì công việc làm ăn thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi có mưa lớn.
Theo anh Minh, đêm 16 - rạng sáng 17.7, biết tin hoàn lưu cơn bão số 2 sẽ gây mưa lớn tại Hà Nội nên anh đã chủ động sơ tán hàng hóa trong hầm và cho đắp bao cát nhưng nước vẫn dâng cao, tràn đầy tầng hầm. Một số công ty bên cạnh mới chuyển đến, lãnh đạo công ty chưa có kinh nghiệm, vẫn để xe và hàng hóa dưới tầng hầm nên bị thiệt hại đáng kể.
Gặp chúng tôi khi đang lội nước bì bõm về nhà, chị Lê Ngọc Trang, chủ một căn liền kề gần cổng chính của khu đô thị Geleximco cho hay cả gia đình chị đã phải sơ tán đến nhà bố mẹ khi biết tin Hà Nội sẽ có mưa lớn. “Mưa lớn gây ngập nhiều lần rồi, nhà tôi cũng như bao nhà khác ở đây, đã phải mua máy bơm để hút nước mưa tràn vào hầm nhà. Tôi cũng không nhớ hết bao nhiêu lần cứ nghe tin mưa lớn là cả nhà phải sơ tán, sợ bị cô lập vì ngập úng. Ở đây cực khổ vì mưa, tôi rao bán nhà, có nhiều người trả giá nhưng lại thôi không mua vì biết khu đô thị cứ mưa là ngập”, chị Trang nói.
Số liệu cốt nền chỉ nằm trên giấy
Ông Đàm Tiến Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Geleximco chi nhánh phụ trách dự án khu đô thị Geleximco cho biết, mưa lớn hơn 100 mm trong khoảng 2 giờ thì khu đô thị này có nguy cơ bị ngập úng do tiêu thoát nước chậm. Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, do vị trí khu đô thị là vùng trũng so với các khu đô thị An Khánh, Thiên Đường Bảo Sơn, Sudico... Đường thoát nước chính của toàn bộ khu vực này ra sông Nhuệ đều chảy qua khu đô thị Geleximco nên mưa lớn, rất dễ gây ngập úng.
“Vài ngày gần đây, nhiều trận mưa lớn liên tục ập xuống khiến mực nước sông Nhuệ dâng lên, cộng với nước ở các khu đô thị xung quanh đổ về nên gây ngập úng, sâu nhất là đoạn cổng chính của khu đô thị. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy bơm, vận hành liên tục nhưng mưa lớn quá, không bơm nước kịp, lực bất tòng tâm”, ông Nghĩa nói.
Trao đổi với Thanh Niên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN cho biết, tình trạng một số khu đô thị mới ở phía tây, tây nam Hà Nội, nhất là tại Q.Hà Đông và H.Hoài Đức ngập úng khi mưa to là không lạ do phần lớn được xây trên nền ruộng lúa, ao hồ.
“Khi quy hoạch tổng thể toàn khu, cơ quan quản lý đề ra cốt nền toàn khu nhưng số liệu chỉ nằm trên giấy. Còn quá trình biến ruộng lúa thành khu đô thị mới, giao cho nhiều chủ đầu tư thực hiện, mạnh ai nấy làm, công tác giám sát kém, không thực hiện đúng quy hoạch dẫn đến chỗ thấp, chỗ cao. Nước chảy chỗ trũng, mưa to thì nước dồn về một chỗ, không kịp chảy ra sông Nhuệ sẽ gây ngập úng”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, trong khi hạ tầng tiêu thoát nước chung của Hà Nội chưa đầu tư xây dựng mở ra đến vùng ven như khu đô thị Geleximco thì khi xây khu đô thị, chủ đầu tư lại tham lam, chỉ làm nhà bán lấy tiền mà không dành diện tích đào hồ điều hòa, muốn dựa vào thoát nước tự nhiên ra sông Nhuệ để tiết kiệm chi phí. Đến nay, mưa to, nước lớn, đường thoát nước ra sông Nhuệ không đáp ứng được, gây ngập úng là tất yếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.