Không trả nổi viện phí đắt đỏ, nhiều sản phụ bị giam lỏng

13/07/2016 20:02 GMT+7

Tình trạng các sản phụ và những đứa con sơ sinh của họ bị giam lỏng tại các bệnh viện do không có tiền đóng viện phí rất phổ biến ở Nigeria.

Hãng tin Reuters cho biết bốn tháng sau khi sinh nở, người mẹ đơn thân Amarachi Amadi, 23 tuổi, ở thành phố Umuahia, bang Abia, Nigeria, vẫn lưu lại bệnh viện cùng đứa con gái sơ sinh.
Dù Amadi và con gái có tình trạng sức khỏe tốt nhưng họ không được phép rời bệnh viện cho đến khi thanh toán khoản viện phí 543.000 naira (1.900 USD).
Amadi, kiếm sống bằng nghề bán đá xây dựng với giá 40 naira (0,15 USD)/bao, sợ rằng cô sẽ không giờ thanh toán được khoản nợ này và sẽ tiếp tục bị giam lỏng tại Trung tâm y tế Umuahia trong một thời gian lâu nữa.
“Tôi thực sự khốn khổ nhưng họ không cho tôi về”, Amadi nói. Hiện tại, cô và con gái cầm cự tại khoa sản của Trung tâm y tế Umuahia nhờ thức ăn mà mẹ cô mang vào.
Các hàng trăm bà mẹ nợ tiền viện phí như Amadi đang mắc kẹt ở khoa sản phụ của các bệnh viện trên khắp Nigeria.
Đa số người dân Nigeria không có bảo hiểm y tế và Amadi cũng nằm trong số đó. Giờ đây, cô chỉ còn bấu víu vào hy vọng bệnh viện sẽ miễn viện phí cho cô hoặc những nhà hảo tâm đứng ra trả viện phí thay.
Khi khoa sản đầy người, những sản phụ còn nợ tiền viện phí như Amadi buộc phải nằm ngủ giữa sàn. Một y tá ở Trung tâm y tế Umuahia cho biết: “Có một số em bé ở lại đây cho đến lúc chúng biết bò do mẹ của chúng không trả nổi viện phí”.
Cùng cảnh ngộ như Amadi tại Trung tâm y tế Umuahia, còn có chín sản phụ khác. Janet Moses, 19 tuổi, cho biết, cha của hai đứa con sinh đôi của cô đã ngưng đến thăm và không trả lời điện thoại trong suốt tháng qua vì sợ cô réo tiền viện phí. Không ai đến thăm Moses và mang thức ăn cho cô nên cô phải sống dựa vào thức ăn mà các sản phụ khác san sẻ.
Ngoài các sản phụ trên, còn có nhiều bệnh nhân khác bị giam lỏng tại Trung tâm y tế Umuahia vì nợ viện phí. Ông Chuku Abali, Giám đốc Trung tâm y tế Umuahia, giải thích sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì bệnh viện thực hiện chính sách điều trị cho mọi bệnh nhân bất luận họ có tiền đóng trước hay không.
Ông Abali cho biết ông thường miễn viện phí cho nhiều bệnh nhân nghèo, trong đó có nhiều sản phụ với số tiền dao động từ 35 USD -5.300 USD. Ông nói: “Nhưng nếu tiếp tục làm từ thiện như thế này, chúng tôi sẽ sớm đóng cửa”.
Các bệnh viện khác chẳng hạn như Bệnh viện Đại học Ibadan (UCH) ở thành phố Ibadan, bang Oyo áp dụng giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết vấn đề bệnh nhân nợ tiền viện phí.
UCH thành lập quỹ và kêu gọi các nhân viên bệnh viện tự nguyện trích tiền lương hàng tháng để góp vào giúp bệnh nhân trả nợ. Những người mẹ tuổi vị thành niên bị bỏ rơi sẽ là đối tượng ưu tiên để giúp đỡ. Phó Giám đốc UCH Adefemi Afolabi thừa nhận các khoản đóng góp này không đủ để giải quyết vấn đề. Ông cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất là chính phủ phải mở rộng chương trình bảo hiểm y tế cho mọi người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.