Không dễ dãi được

Bà con nông dân H.Bắc Quang (Hà Giang) trồng được 3.600 ha cam sành. Đây là loại cam truyền thống quý giá, trái chín có màu vàng đậm ngả qua màu đỏ lửa, nước nhiều và ngọt.

Bà con nông dân H.Bắc Quang (Hà Giang) trồng được 3.600 ha cam sành. Đây là loại cam truyền thống quý giá, trái chín có màu vàng đậm ngả qua màu đỏ lửa, nước nhiều và ngọt. 

Quýt hồng Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh: Diệp Đức MinhQuýt hồng Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bởi cam chỉ phù hợp thổ nhưỡng của đất đồi nên việc trồng và chăm sóc rất khó khăn, nhất là khâu phải bơm nước lên đồi tưới cho cam. Những việc đầu tư chăm sóc như vậy đẩy giá sản xuất lên cao, thế nhưng khi bán cho thương lái thì người nông dân chỉ thu được 9.000 đồng/kg.
Cam sành Hà Giang khác hẳn cam sành Nam bộ ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Cam sành Nam bộ trồng ở các nhà vườn phù sa, trái to, vỏ vẫn màu xanh sần sùi, ruột chín vàng óng màu mỡ gà. Điều kiện canh tác cam sành Nam bộ dễ dàng hơn, kỹ năng canh tác thuần thục hơn, năng suất thu hoạch cao hơn, giá đầu ra cao hơn nhờ thị trường rộng lớn hơn. Nói cách khác, các nhà vườn chuyên trồng cam sành ở Nam bộ có thu nhập tốt hơn các nhà vườn ở Hà Giang, công việc lại nhàn nhã hơn.
Để củng cố cho vai trò cam sành Hà Giang, địa phương cũng đã nghĩ đến việc thực hiện chỉ dẫn địa lý, định danh sản phẩm. Họ cho in những bao bì carton đẹp có hàng chữ “Cam sành Hà Giang” và những nhãn dán nhỏ để dán vào từng trái cam. Một bao bì carton giá 17.000 đồng, chỉ chứa được 10 kg cam, mỗi nhãn dán giá 500 đồng. Thế nhưng, việc làm ấy không cứu nổi số phận của trái cam sành. Giá bao bì quá đắt đã chiếm gần giá 2 kg cam, bà con nông dân cũng không hơi sức đâu mà ngồi dán nhãn vào từng trái cam khi cái nhãn mác ấy “cắn” mất 500 đồng, đẩy giá cam xuống còn 8.500 đồng.
Tính như vậy có nghĩa là khi chấp nhận đưa trái cam sành vào bao bì chỉ đựng được 10 kg, bà con nông dân phải chịu mất đi thêm 2.200 đồng mỗi kg cam, đẩy giá cam xuống chỉ còn 6.800 đồng/kg. Vả chăng, loại bao bì 10 kg chỉ phù hợp để đóng gói cam làm quà biếu giao lưu trong địa phương mà hoàn toàn không phù hợp với việc bảo quản sản phẩm đưa ra thị trường - vốn cần sức chứa nhiều hơn và giá bao bì rẻ hơn. Vì vậy mà Hà Giang vẫn gặp khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu tạo đầu ra thuận lợi cho trái cam sành bản địa để giúp người trồng cam có thu nhập cao hơn.
Còn một điều nữa thuần túy thuộc về cảm quan mà cam sành Hà Giang cần phải khắc phục. Trái cam Mỹ vừa phải, trái cam Úc tròn to hơn; tất cả đều có màu vàng cam thuần chủng nhìn rất bắt mắt. Trái cam sành Nam bộ vỏ xanh sần sùi nhưng đó vẫn là màu đặc trưng, không lẫn được trong hệ cam VN. Trái cam sành Hà Giang nhìn không thích mắt chút nào: có trái màu vàng lửa nhưng cũng có trái vỏ quá đậm ngả qua màu khác. Vấn đề là khi ăn vào (hoặc uống nước) mới biết chất lượng của trái cam - giá trị thực thụ. Thế nhưng, khi mới chỉ nhìn qua mặt hàng để chọn mua hay không, người tiêu dùng thấy trái cam màu sắc không đồng đều thì đã có tâm lý ngại mua, không muốn mua. Thật đáng tiếc cho trái cam quý Hà Giang khi các nhà chuyên môn chưa can thiệp hết mình, hướng dẫn cách xử lý cho bà con trồng cam để trái cam có màu sắc tươi đẹp hơn.
Trái cây nhiệt đới của đất nước ta đang đứng trước cơ hội lớn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế ngay trước khi ta gia nhập TPP. Để một loại trái cây xuất khẩu được, ngoài chỉ dẫn địa lý và định danh thương hiệu, thị trường nhập khẩu còn có những đòi hỏi rất cao. Một - mặt hàng ấy phải rõ ràng về tiêu chuẩn canh tác (dùng phân bón gì, thuốc trừ sâu rầy, chất bảo quản sau thu hoạch ra sao). Nghĩa là mặt hàng phải đạt yêu cầu của thực phẩm sạch. Hai - chất lượng của mặt hàng (tươi mới, thơm ngon, giàu vitamin). Nghĩa là phải đạt tiêu chuẩn bổ dưỡng. Ba - hình thái của mặt hàng (bao bì phải đẹp, mọi chỉ số phải rõ ràng, độ to nhỏ đồng đều, màu sắc phải đồng bộ). Nghĩa là phải đạt tiêu chuẩn hấp dẫn. Bốn - giá cả hợp lý (so với giá cả của những nước xuất khẩu khác). Nghĩa là phải đạt tiêu chuẩn kinh doanh.
Để đạt bốn tiêu chuẩn này, nhà vườn sản xuất và đơn vị thu mua xuất khẩu phải tự giác tuân thủ nguyên tắc không bao giờ tự cho phép mình dễ dãi. Dễ dãi ở bất kỳ một khâu nào cũng là tự hại mình, tự giết sản phẩm của mình, tự thui chột ý chí sản xuất và kinh doanh của mình. Trước nay, thị trường tiêu thụ Trung Quốc thường được coi là thị trường dễ dãi; hàng hóa gì cũng nhận, bán kiểu nào cũng mua. Thế nên, nhà vườn và nhà xuất khẩu qua đường biên mậu của ta đã tự cho mình dễ dãi; dùng tá lả phân bón, thuốc trừ sâu; bán đại bán thí trái to trái nhỏ, không quan tâm đến chỉ dẫn địa lý để họ mua xong là dán nhãn mác của họ; bán thiếu bán chịu để thương lái của họ “quất ngựa truy phong”…
Nguy hiểm hơn, một số bà con nông dân ham cái lợi trước mắt mà tự triệt hạ vườn cây của mình, nguồn sống lâu dài của mình. Thái độ dễ dãi ấy thật quá đáng khi cứ nhắm mắt bán thí sầu riêng trái non trái già, trái lớn trái nhỏ, đem tất cả nhúng vào thuốc làm chín trái cây theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc để tự giết thương hiệu sầu riêng danh tiếng của mình. Mặc cảm về sự túng thiếu đồng tiền khiến một số bà con quên mất ý thức cảnh giác về sự xâm hại mang tính phá hoại của nhiều thương lái Trung Quốc. Lỗi này còn thuộc về sự lơi lỏng của chính quyền địa phương và thái độ tiếp tay của một số thương lái, chủ vựa trung gian bản địa.
Nhà vườn sản xuất và các đơn vị buôn bán trung gian phải xác định là đất nước ta có nhiều thứ trái cây quý, đáng để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Đó là những thị trường bền vững và ổn định, rất khó tính nhưng cũng đầy uy tín khi chất lượng trái cây đã được họ xác nhận và tin tưởng. Trái xoài cát chu của tỉnh Đồng Tháp được sản xuất đúng kỹ thuật đã có mặt trong các siêu thị Nhật Bản. Trái vải Bắc Giang được sản xuất đúng kỹ thuật đã có mặt tại các siêu thị Malaysia, được thị trường nơi này đề nghị vô bao 0,5 kg hoặc 1 kg cho dễ bán. Họ tin yêu trái vải Bắc Giang đến nỗi cử ngay đại diện sang Bắc Giang đề xuất các khâu xử lý trái vải để giữ thương hiệu cho trái vải - lệ chi VN. Trái thanh long Bình Thuận và Long An đã qua đến thị trường Singapore, ngọt và mọng nước khiến người Singapore rất thích. Họ đề nghị nên có loại thanh long trái vừa khoảng 200 gr để giữ chất lượng. Nhãn xuồng cơm vàng và nhãn tiêu Nam bộ đã có trong thị trường Mỹ và được người tiêu dùng biểu dương.
Rõ ràng, những thị trường tiên tiến này khác xa với thị trường sa cạ của Trung Quốc qua đường biên mậu. Họ chỉ thích những trái thanh long to chà bá cỡ 400 gr nên nhà vườn trồng thanh long phải dùng đến thuốc kích thích. Và hễ càng chạy theo những yêu cầu không lành mạnh ấy thì có nghĩa là ta càng tự hại nền sản xuất của ta.
Giữ thương hiệu từng loại trái cây là giữ chất lượng, là tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất để xuất khẩu. Hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao hơn hàng tiêu dùng nội địa, thị trường bền vững hơn vì có thể nới rộng đến những biên độ không ngờ. Tất nhiên đối với trái cây, người nông dân của chúng ta biết rõ quy luật “mùa nào thức ấy” nhưng không phải là không có biện pháp để xử lý cho trái cây ra mùa nghịch. Tuy vậy, bà con nông dân cũng không nên quá đặt trọng tâm vào lợi nhuận của trái cây mùa nghịch. Rõ ràng, trái thanh long đánh đèn (mùa nghịch) không ngon bằng trái thanh long ra hoa ở tháng 8 và cho trái ở tháng 10. Nếu ta cứ dễ dãi chạy theo mùa nghịch trong trường hợp này để bán sa cạ cho Trung Quốc thì lợi nhuận thu được sẽ không bằng thanh long mùa thuận xuất sang Singapore và các thị trường tiên tiến khác.
Trái cây vốn là mặt hàng nhạy cảm. Trừ dưa hấu, thanh long và bưởi ra, các loại trái cây khác đều mỏng vỏ; rất dễ bị tác động của thời tiết và quá trình vận chuyển làm cho xuống sắc. Cho nên, bà con ta không thể dễ dãi với khâu bảo quản sau thu hoạch. Một khi trái cây đã có thương hiệu, đã chiếm được niềm tin của các thị trường quốc tế thì tự thị trường ấy sẽ quảng cáo cho trái cây VN. Tóm lại, dứt khoát không bao giờ bà con nông dân, chính quyền địa phương và nhà xuất khẩu tự cho phép mình dễ dãi để đưa đi những mặt hàng kém chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.