Khốn đốn vì ôsin bỏ việc

01/02/2012 14:52 GMT+7

Cuộc sống bình thường đã trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài nhưng nhiều gia đình đang chạy đôn chạy đáo kiếm người trông con, dọn dẹp nhà cửa… khi người giúp việc vẫn mải mê ăn Tết không chịu quay trở lại.
 
Sau Tết không ít người giúp việc một đi không trở lại khiến cho nhiều gia chủ khốn đốn. 

Không tăng giá thì… chào

“Phải tăng lương lên 3 triệu đồng/tháng tui mới vào” - một ô sin ở Huế nói thẳng với người chủ của mình qua điện thoại. Ngày 18-1, người giúp việc cho chị Hương ở quận 7 được chủ mua vé xe giường nằm ra Huế với lời hẹn mồng 8 Tết quay trở lại.

Đến ngày đi làm, 30-1, người giúp việc vẫn “bóng chim tăm cá” trong khi con còn nhỏ nên chị Hương đành xin nghỉ tiếp. “Mình gọi điện cho chị giúp việc này 3 lần, chị cứ bảo chưa mua được vé xe”- chị Hương kể. Hôm qua, 31-1, sau khi gọi điện năn nỉ tiếp, chị giúp việc này nói thẳng: “Lên giá 3 triệu đồng/tháng thì mai tui vô”.

 

Không còn cách nào khác, chị Hương ngậm ngùi chấp nhận. Bà Yến - một ôsin ở Nghệ An vào giúp việc nhà cho anh Biên ở quận 10 đã hai năm nay. Sau Tết, bà Yến cho biết, bận việc không vào được nữa! Con còn nhỏ, hai vợ chồng là công chức nhà nước, anh Biên nài nỉ mãi, cuối cùng bà Yến nói: “Không tăng lương lên 3 triệu tui nỏ vô”. Anh Biên ngậm ngùi chấp nhận.

“Tìm người vừa ý đã khó, lại là người quen chăm sóc con cái tốt như bà Yến không dễ nên tôi đành phải nhắm mắt tăng lương”- anh Biên kể.

Sau khi về ăn Tết trở lại Sài Gòn, chị Hoa - giúp việc ở khu Nam Long, quận 7 đã “chào” năm mới ông bà chủ bằng cách yêu cầu tăng lương và phải có thêm lương tháng 13 cho năm tới. Anh Hồ Văn Hòa ở chung cư An Hòa nói: “Với mức lương 2,5 triệu/tháng rồi, nay còn yêu sách thật là chảnh quá đi”.

Mặc dù phàn nàn nhưng vợ chồng anh Hòa đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tăng lương cho bà Hoa lên 2,7 triệu/tháng và hứa sẽ có thưởng. “Do con gái 2 tuổi của tôi cứ níu bà như hình với bóng nên giờ bà bỏ việc thì khó lắm”- vợ anh Hòa cho biết.

Chị Quyên ở quận Gò Vấp kể năm qua, phải trả cho bác giúp việc 3 triệu đồng/tháng nhưng bác này chỉ giúp việc từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối là về.

Khác với chị Quyên, mấy ngày nay chị Huệ ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 đang rối như tơ vò, vì khi ôsin đòi tăng lương chị đã đuổi thẳng. Thế là hai ngày nay chị Huệ phải xin nghỉ làm ở nhà trông con và “chạy” tìm ôsin. “Giúp việc chứ đâu phải là mẹ người ta mà mình chiều”- chị Huệ nói.

Nay được một trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu cho một chị giúp việc khoảng 45 tuổi nhưng mới ở được nửa buổi, người này lại mặt nặng mày nhẹ yêu sách đủ kiểu khiến chị cũng muốn “tống” đi. “Giờ con không ai giữ, không thể nghỉ thêm được nữa nên nhắm mắt cho qua”- chị Huệ kể.

May mắn vì dù sao cũng có ôsin, nhiều gia đình đang dở khóc dở mếu vì bói không ra ô sin. Chị Nguyễn Thị Phượng ở quận 3 cho biết, đã nhờ bố mẹ chồng, mẹ ruột tìm người giúp việc ở quê từ trước Tết đến nay nhưng không tìm được ai.

Đủ kiểu làm giá

Viện lý do con đau ốm, gia đình có công chuyện nên nhiều ôsin lần lữa trở lại làm việc tại TPHCM. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, không ít ôsin đánh bài chuồn vì đã có chủ mới trả giá cao hơn. “Mới Tết lên nó bảo cháu không ở cho cô nữa để đi học may làm công nhân.

Tưởng thiệt tôi cho nghỉ, cho thêm 500 nghìn đồng, ai ngờ ngày mai thấy nó qua ở cho một nhà đầu phố”- bà Oanh ngao ngán kể lại chuyện ôsin nhảy việc.

Nhiều ôsin còn móc nối với nhau, tụ năm tụ bảy hỏi giá nhau sau đó nhảy việc. Có người móc nối để đưa ôsin đi ở nhà người quen với giá cao, có người than đau, than mệt rồi chuồn nhưng sự thật lại đi ở nơi khác.

Không tìm được giúp việc theo tháng, nhiều người đành chấp nhận đến các trung tâm giới thiệu việc làm để kiếm người giúp việc theo giờ. Tuy nhiên, theo chị Hồ Thị An, ở khu An Hòa, quận 7 giá cả giúp việc theo giờ cũng nhảy múa dữ dội sau Tết.

Một nhân viên ở Trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Huỳnh Tân Phát, quận 7 cho biết, nếu cần ô sin giúp việc thì 100.000 đồng/giờ. “Nếu giúp việc cho gia đình người nước ngoài thì giá cao hơn 150.000 đồng/giờ”- nhân viên này cho biết.

So với trước Tết, giá cả giúp việc theo giờ sau Tết đã tăng lên 30.000-50.000 đồng/giờ. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Vân An ở đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, chỉ còn khoảng 3 người giúp việc nhà theo tháng chưa có người đặt cọc, còn lại hơn 40 người lao động giúp việc ở đây đã “có chủ”.

Theo nhân viên trung tâm này, giá cả cho một người giúp việc là 3 đến 3,5 triệu/tháng nếu chấp nhận phải đặt cọc trước 1 triệu. Mặc dù mức giá cao, tăng 500-1 triệu đồng/tháng so với trước đây nhưng do khan hiếm ôsin nên hầu hết các gia đình đều chấp nhận.

Anh Hoài, một người chuyên săn lao động phổ thông cho biết, sau Tết, hầu hết các trung tâm đều khan hiếm người giúp việc. “Đây cũng là lý do khiến tiền công thuê người giúp việc tăng chóng mặt”- anh Hoài nói.

Theo người này, ngoài việc tăng giá ở các trung tâm cung ứng lao động, nhiều ôsin nhận thấy nhu cầu người tìm việc tăng nên cũng té nước theo mưa, làm giá. Nhận thấy nhu cầu cần người giúp việc tăng cao, trước Tết nhiều trung tâm cung ứng lao động đã rải quân về các vùng quê và nhờ người thân “săn” người giúp việc để cung ứng.

Hà Nội: Trung tâm giới thiệu việc làm cũng cạn nguồn

Nhiều gia đình trẻ có con nhỏ cũng đang phải chạy đôn chạy đáo đến các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc nhờ người quen giới thiệu người giúp việc.

Anh Đào Văn Hoạch ở ngõ 405, Ngọc Thụy (Long Biên – Hà Nội) có 2 con, một đứa 4 tuổi, một đứa tuổi rưỡi, ông bà nội ngoại đều ở quê nên từ trước Tết, hai vợ chồng đã tính chuyện tìm người giúp việc. Hỏi thăm ở quê không được người nào ưng ý, anh chị nghĩ ra Hà Nội sẽ đến các trung tâm giới thiệu việc làm tìm người.

Ấy thế mà đi nhiều nơi từ ngày mùng 5 Tết (27-1) cho đến hôm nay, anh Hoạch vẫn chưa thể tìm được ôsin vừa ý, người thì đòi trả lương quá cao, từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng, nuôi ăn, ở kèm 2 bộ quần áo/năm, người thì quá chậm chạp, thậm chí có trung tâm giới thiệu cả trẻ em mới 13 – 15 tuổi.

Anh Hoạch cho hay, năm ngoái gia đình thuê chị Nguyễn Thị Giang ở Thanh Thủy (Phú Thọ) trông con, nhưng trước khi nghỉ Tết, chị Giang đòi tăng lương lên 3 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của cả 2 vợ chồng cộng lại mới được khoảng 12 triệu/tháng nên anh Hoạch đành phải từ chối. Cực chẳng đã, vợ chồng anh Hoạch phải gửi đứa bé mới một tuổi rưỡi đến nhà trẻ tư nhân.

Ngày 31-1, trong vai một người cần thuê ôsin, phóng viên Tiền Phong đã đến một số trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn Hà Nội để tìm hiểu thông tin. Quan sát cho thấy, một số trung tâm chưa làm việc trở lại, một số nơi mở cửa nhưng chờ suốt cả ngày cũng không có ứng viên nào đăng ký đi làm việc.

Chị Thanh Tâm, nhân viên Công ty CP Phú Tín, địa chỉ 118 Đê La Thành (Đống Đa) cho biết, Văn phòng Công ty mở cửa từ hôm 29-1, nhưng ngồi cả ngày liên hệ cho các “chân rết” ở tỉnh lẻ để tuyển dụng người giúp việc nhưng cũng rất hiếm nơi có hồi âm.

Cho tới cuối ngày 3-1, Công ty vẫn chưa có bóng dáng người lao động nào tới văn phòng. Chị Thanh Tâm cho biết thêm, từ hôm 28-1 tới nay, chuông điện thoại văn phòng reo liên tục bởi các gia đình gọi tới tìm người giúp việc, nhưng cung không đủ cầu, khiến chị phải khất lên khất xuống.

Cả buổi chiều ngày 30-1, phóng viên Tiền Phong ngồi chầu trực tại văn phòng giới thiệu việc làm nằm trên đường Giáp Nhất (Thanh Xuân) để chờ người lao động, nhưng mỏi mắt cũng không thấy người lao động nào tới đây.

Anh Phạm Văn Diện, nhân viên của văn phòng mở cuốn sổ ghi danh sách tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của hàng trăm người lao động và thử liên lạc thì thấy một số lao động mặc cả về công việc, rồi ra giá. Nếu như năm 2011, lương cho người giúp việc chỉ từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng thì năm nay, hầu hết người lao động đòi 3 triệu đồng/tháng.

Khi đàm phán với văn phòng môi giới, người lao động còn đưa ra nhiều “yêu sách” như chỉ giúp việc cho những gia đình trẻ, có 2 - 3 người cùng chung sống, nếu số người đông hơn thì gia chủ phải trả thêm thù lao.

Cũng theo anh Diện, khoản phí của văn phòng môi giới thu được thường sẽ phải chi cho “chân rết” ở các tỉnh từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng. Văn phòng môi giới chỉ giới thiệu về quê quán, địa chỉ của người lao động, còn lại là thỏa thuận giữa gia chủ với người lao động.

Minh Đức

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.