Khơi dậy sức sống mới ở vùng đất anh hùng

29/04/2020 09:51 GMT+7

Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, suốt 20 năm kể từ ngày chia tách huyện, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã chung sức chung lòng “viết tiếp trang sử mới”, gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Ông Huỳnh Chí Nguyện (bìa trái) cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đi kiểm tra khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn ở H.Hồng Dân

Ảnh: Trần Thanh Phong

Một thời gian khó
Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Hồng Dân, cho biết ngày 25.9.2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc chia tích H.Hồng Dân cũ thành hai huyện: Phước Long và Hồng Dân. Sau khi chia tách, H.Hồng Dân có 42.118 ha diện tích tự nhiên và 91.306 nhân khẩu; gồm 7 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh, Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa. So với các huyện, thị xã trong tỉnh, lúc bây giờ thì Hồng Dân được coi là huyện nghèo nhất tỉnh. Không chỉ đời sống nhân dân nghèo khó, mà Hồng Dân còn nghèo về cơ sở hạ tầng, nghèo về tiềm năng phát triển kinh tế. Một vùng đất hoang hóa, lung trũng, phèn mặn rộng lớn của huyện được mọi người gọi là “Cánh đồng chó ngáp”. Cách đồng huyền thoại đã đi vào lịch sử của Hồng Dân nhưng cũng nổi tiếng một thời vì sự nghèo khó. Đổi lại, Hồng Dân rất giàu truyền thống cách mạng, là “địa chỉ đỏ” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây là còn là vùng căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Bạc Liêu và của Quân khu 9…
Theo ông Huỳnh Chí Nguyện, H.Hồng Dân sau khi được chia tách tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế của huyện vốn độc canh cây lúa. Cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa được quan tâm đầu tư, hệ thống thủy lợi chằng chịt như mạng nhện. Các xã trong huyện bị chia cắt, không thể lưu thông với nhau, bởi khi đó toàn huyện chỉ có khoảng 10km lộ nhựa. Trong khi lộ bê tông và đá cấp phối có chiều dài đến 431 km; còn lộ đất đỏ, đất đen có chiều dài 277 km; toàn huyện có đến 2.532 cây cầu khỉ bắc qua sông, kênh rạch. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 19% và chỉ có 25% hộ sử dụng điện. Trong khi đó, toàn huyện chỉ có 8/139 ấp đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, nguồn thu ngân sách cả huyện chỉ được vài tỉ đồng/năm…

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở H.Hồng Dân

Ảnh: Trần Thanh Phong

Dấu ấn tuổi 20
Theo ông Huỳnh Chí Nguyện, những con số nói trên đã cho thấy cách nay tròn 20 năm, đời sống kinh tế của người dân ở H.Hồng Dân còn khốn khó. Song, chính nhờ phát huy truyền thống cách mạng ở vùng đất anh hùng, ngần ấy năm qua, Ðảng bộ và nhân dân H.Hồng Dân đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Huyện ủy, UBND huyện đã phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tạo ra nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Chính sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đã góp phần thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2019 đạt 10,46%; Chương trình xây dựng nông thôn mới về đích ngoạn mục khi có 8/8 xã đều đạt chuẩn và hiện đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xét công nhận huyện Hồng Dân đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Ở lĩnh vực sản xuất, tổng sản lượng lúa trong năm 2019 đạt trên 235.000 tấn; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 42.500 tấn…

Xóm “nhà lầu” thuộc ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân

Ảnh: Trần Thanh Phong

Xóm nhà lầu giữa đồng năn
Nếu như cách nay 20 năm, tỉ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chiếm đến 19%, tỉ lệ hộ dùng điện có 25%... thì trải qua “cuộc cách mạng giảm nghèo”, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ hộ nghèo trong toàn huyện hiện giảm xuống chỉ còn 1,19%. Trong khi đó, hệ thống điện lưới quốc gia đã được đầu tư phủ khắp các làng quê, góp phần nâng tỉ lệ hộ dùng điện an toàn đạt đến 99,38%. Trước đây, toàn huyện chỉ có 10km lộ nhựa thì nay 100% xã trong huyện có đường xe ô tô đến trung tâm xã. Từ vùng đất vốn độc canh cây lúa thì nay ở các vùng chuyên canh lúa đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, người dân có thể luân canh sản xuất từ 2- 3 vụ lúa/năm. “Cánh đồng chó ngáp” xưa kia vốn hoang hóa, lung trũng, phèn mặn, đầy cỏ năn thì nay được người dân khai hoang, áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế khá cao và bền vững như: mô hình “con tôm ôm cây lúa”; mô hình lúa - cá- tôm; lúa – cua - tôm…Những xóm nhà lầu, xóm nhà tường mọc lên ngày càng nhiều. Danh sách các “tỉ phú đồng năn” cứ dài thêm theo năm tháng.

Mô hình tôm – cua – cá ở vùng chuyển đổi H.Hồng Dân

Ảnh Phan Thanh Cường

Người dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn ở H.Hồng Dân

Ảnh Phan Thanh Cường

Mô hình sản xuất tôm - lúa - màu ở vùng chuyển đổi ở H.Hồng Dân

Ảnh: Trần Thanh Phong

Âu thuyền ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất ở xã Ninh Quới, H.Hồng Dân

Ảnh: Phan Thanh Cường

Giao thông nông thôn ở H.Hồng Dân hiện được đầu tư đồng bộ

Ảnh: Trần Thanh Phong

Tuy vậy, nhìn chung Hồng Dân hiện vẫn là huyện nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn so với các địa phương trong tỉnh. Ðó là vấn đề mà từ nhiều năm qua, Ðảng bộ, chính quyền huyện luôn quan tâm, trăn trở, suy nghĩ tìm cách tháo gỡ khó khăn, phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh. Ðặc biệt, từ sau Ðại hội Ðảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đến nay, Huyện ủy Hồng Dân đã đề ra nhiều chỉ thị, nghị quyết tập trung tháo gỡ khó khăn, tranh thủ mọi nguồn lực. Trong đó, tập trung huy động ngoại lực để tranh thủ vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn huyện. Vận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi kêu gọi doanh nghiệp đến huyện hợp tác đầu tư. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Hồng Dân rất chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Ðồng thời, huyện quan tâm, chú trọng giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Hồng Dân không chỉ anh dũng, kiên cường trong kháng chiến, mà ngày nay trong thời kỳ hội nhập và phát triển theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn năng động, sáng tạo, chung sức chung lòng, quyết tâm xây dựng huyện Hồng Dân ngày thêm giàu đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.