Khơi dậy Gạc Ma

02/01/2016 05:43 GMT+7

Khoảng 4 năm trở về trước, cái tên Gạc Ma hẳn là rất ít người biết, dù nơi ấy, mỗi giọt nước biển đều có máu của 64 chiến sĩ quân đội nhân dân VN hòa vào kể từ trận hải chiến với quân Trung Quốc ngày 14.3.1988.

Khoảng 4 năm trở về trước, cái tên Gạc Ma hẳn là rất ít người biết, dù nơi ấy, mỗi giọt nước biển đều có máu của 64 chiến sĩ quân đội nhân dân VN hòa vào kể từ trận hải chiến với quân Trung Quốc ngày 14.3.1988.

Đại diện cho Hội Cựu chiến binh BSR tặng quà cho mẹ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Gạc Ma - Phan Tấn Dư tại Phú Yên - Ảnh: T.ĐăngĐại diện cho Hội Cựu chiến binh BSR tặng quà cho mẹ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Gạc Ma - Phan Tấn Dư tại Phú Yên - Ảnh: T.Đăng
Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do tự mình làm khuất lấp một sự kiện bi tráng của đất nước, khiến cả một lớp người trẻ tuổi vẫn còn lạ lẫm với địa danh rất đỗi thiêng liêng này. Ngay cả bản thân tôi, một nhà báo và cả nhà thơ, từng đi lính và cũng từng làm thơ về trận hải chiến ấy, thế mà cũng đã “tự quên” nếu không có cuộc gặp gỡ với một cựu binh cùng lứa với 64 liệt sĩ Gạc Ma thuở nào.
Chính cuộc gặp ấy cùng với kế hoạch thực hiện sau đó giữa Báo Thanh Niên và Hội Cựu chiến binh của anh đã góp phần khơi dậy và hâm nóng hai tiếng Gạc Ma trong lòng của bao thế hệ người Việt.
1. Lúc còn ở Quảng Ngãi, gần như năm nào mấy anh em từng khoác áo lính cũng tụ tập một buổi nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân VN (22.12). Đủ các thành phần tham dự cuộc gặp “không giấy mời” này nhưng “tiêu chí” để trở thành đại biểu, dĩ nhiên là phải... cựu binh. Anh Đặng Hồng Sơn, Chánh văn phòng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của nhà máy này bao giờ cũng là “chủ xị” các cuộc gặp. Khác với những lần tụ tập trước đó, năm ấy (2011), Sơn bất ngờ hỏi tôi: “Còn hơn một năm nữa là kỷ niệm 25 năm ngày 64 anh em của mình ngã xuống nơi bãi đá Gạc Ma. 
Mấy chục năm rồi rất ít người nhắc về họ, các nhà báo hình như cũng đã quên họ. Giờ chúng ta phải nhắc chứ không là rất có lỗi với anh em. Nếu các anh lãnh đạo Báo Thanh Niên đồng ý, Hội Cựu chiến binh BSR sẽ kết hợp với Báo Thanh Niên, chúng ta sẽ tổ chức cuộc gặp mặt với thân nhân 64 gia đình liệt sĩ ấy ngay tại Quân cảng Cam Ranh - nơi mà 25 năm trước, các anh ấy xuống tàu ra Trường Sa rồi mãi mãi không về”. Bất ngờ câu chuyện của gần 25 năm trước hiện về trong mỗi cựu binh chúng tôi. Mọi người như lặng đi sau lời đề nghị ấy của Đặng Hồng Sơn. Chưa kịp hỏi các anh trong Ban biên tập có đồng ý với kế hoạch đó không, tôi đồng tình ngay với Sơn: “Một đề xuất quá hợp lý, hợp đạo. Tôi tin là khi làm tờ trình gửi vô Ban Biên tập Báo Thanh Niên, các anh ấy sẽ ủng hộ hết mình thôi”.
2. Quả đúng như dự báo của tôi, sau khi xem “đề nghị” bằng văn bản gửi vô nói về kế hoạch trên đây, Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông đồng ý ngay. Chúng tôi rất vui khi lời đề nghị của mình được Ban biên tập đồng ý. Thế nhưng, khi xáp vào việc mới thấy bao khó khăn bày ra trước mắt mình. Chuyện kinh phí để tổ chức cuộc gặp mặt với thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma không quá khó khăn vì tôi biết, Hội Cựu chiến binh của Tập đoàn dầu khí quốc gia mà nghe tổ chức cuộc gặp này, họ sẽ không ngần ngại gì trong việc hỗ trợ kinh phí tối đa.
Nhưng cái khó nằm ở chỗ: Làm sao lần tìm cho được tất cả địa chỉ 64 liệt sĩ ấy trong khi sự kiện đã xảy ra gần 25 năm rồi? Anh Đặng Hồng Sơn lục ngay trong tư liệu của mình để tìm danh sách 64 liệt sĩ cùng quê quán của họ đã được Báo Nhân Dân đăng ngay sau ngày các anh hy sinh. Quả đúng như chúng tôi dự báo, không ít những địa chỉ được in trên Báo Nhân Dân dạo nào giờ đã thất lạc tận phương trời nào rồi. Về gặp lãnh đạo một số xã, họ chỉ nói ngắn gọn: “Hình như gia đình đã chuyển đi miền Nam lâu rồi!”. Thế là tắc. Không thể bỏ cuộc vụ này, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Vùng 4 Hải quân tại Cam Ranh. Biết chúng tôi làm cái việc mà suốt mấy mươi năm rồi các anh luôn đau đáu mà vẫn không thực hiện được, các anh lãnh đạo Vùng 4 rất nhiệt tình ủng hộ kế hoạch. Rất may cho chúng tôi là năm 2008, sau khi một ngư dân Lý Sơn lặn vào con tàu hải quân bị Trung Quốc bắn chìm năm 1988 ấy, đã phát hiện 4 bộ hài cốt. Để xác định danh tính của 4 liệt sĩ này, Ban Chính sách của Vùng 4 phải lần tìm bằng hết thân nhân của 64 liệt sĩ để lấy mẫu xét nghiệm ADN. Nhờ thế, chúng tôi đã có trong tay địa chỉ cụ thể của từng liệt sĩ. Một ban tổ chức được hình thành và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng chi tiết, như mẹ liệt sĩ nào quá yếu thì cho đi bằng tàu lửa, cắt cử bác sĩ nào đi theo để chăm sóc... Mọi việc coi như đã chuẩn bị xong, chúng tôi phát giấy mời và chờ ngày đón các mẹ.
Hay tin sẽ vào Cam Ranh, nơi con mình đã ra đi và mãi mãi không về, nhiều bà mẹ đã không cầm được nước mắt. Tiếc rằng, vì nhiều lý do khách quan cuộc hội ngộ không diễn ra như dự kiến. Nhưng phóng viên của Báo Thanh Niên trên khắp mọi miền đã kịp mang số tiền của Hội Cựu chiến binh BSR đến từng nhà trao tận tay các mẹ.
“Nhật ký” về những chuyến đi ấy được đăng tải trên Thanh Niên hằng ngày. Hàng nghìn cuộc gọi và email của bạn đọc khắp nơi trong cả nước và cả kiều bào nước ngoài đã gọi đến góp ý, động viên và bày tỏ sự cảm kích khi Báo Thanh Niên đã làm được một việc mà mấy mươi năm rồi tưởng như đã bị lãng quên.
Gạc Ma giờ sắp có tượng đài bằng bê tông cốt thép tại Cam Ranh. Một tượng đài Gạc Ma khác cũng đã được xây lên trong lòng mỗi người dân VN yêu nước. Chúng tôi, những phóng viên của Báo Thanh Niên và những cựu binh của Công ty BSR rất vui vì mình đã góp một phần nhỏ bé để dựng nên những tượng đài bất tử đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.