Khoan giếng nước ngọt giữa biển khơi

07/09/2014 09:00 GMT+7

Giữa biển khơi, người dân Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) tìm ra mạch nguồn của dòng nước phục vụ đời sống, sinh hoạt...

Những chiếc chòi nuôi ngao ven biển ở Hậu Lộc và Nga Sơn

Dòng nước ngọt dưới đáy biển được anh Bùi Xuân Quang bơm lên - Ảnh: Ngọc Minh 

Chiếc thuyền máy 24CV của chủ đồng nuôi ngao Phạm Văn Ngọc (xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc) nổ phành phạch đưa chúng tôi rời khỏi cánh rừng phòng hộ hướng ra những chòi nuôi ngao lênh đênh giữa biển. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc thuyền chở đầy ngao, sò, hàu, vẹm xanh... hối hả chạy vào đất liền sau một đêm thu hoạch. Câu chuyện trên thuyền chủ yếu xoay quanh giá cả và thị trường của con ngao. “Ngày trước, ít người nuôi, giá ngao lại cao, chỉ sau vài năm, nhiều chủ nuôi đã trở thành tỉ phú. Nhưng bây giờ giá ngao xuống thấp quá, chăm sóc quanh năm mà lời lãi chẳng có, thậm chí còn lỗ nặng. Bao nhiêu vốn liếng dồn góp đang nằm hết dưới biển, nếu ngao không lên giá thì vụ này chắc chắn nhiều chủ đồng phá sản...”, Ngọc phàn nàn.

Sau hơn một giờ điều khiển thuyền chạy vòng vèo men theo các hàng rào bằng lưới ngăn cách giữa các đồng nuôi ngao, Ngọc đưa chúng tôi đến chiếc chòi canh của mình. Buộc xong chiếc dây neo, Ngọc thoăn thoắt trèo lên chiếc chòi được làm cách mặt nước biển hơn 3 m lấy vài chiếc can nhựa bỏ xuống thuyền, rồi bảo: “Các chú cứ ở trên chòi nghỉ ngơi, tôi đi xin nước về nấu ăn”. Vậy sao lúc nãy không chở nước từ bờ ra? Ngọc cười: “Ngoài này nước ngọt dùng thoải mái lắm. Anh em khoan được giếng mà. Nước còn “ngon” hơn nước trong bờ nhiều…”

Chuyện lạ! Bởi ngay trong đất liền, triền miên nhiều đời nay, năm nào người dân vùng biển Hậu Lộc, Nga Sơn chả phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn; phải xây bể dự trữ nước mưa dùng quanh năm. Nay giữa biển làm sao có nước ngọt? Nghĩ vậy, tôi lật đật tụt xuống thuyền theo Ngọc đi xin nước.

Ngọt hơn nước đất liền

Thêm mươi phút chạy thuyền, Ngọc đưa tôi đến một chiếc chòi canh ngao khá tươm tất, chắc chắn, cách chòi của Ngọc khoảng 700 m đường chim bay. Đó là chòi của Bùi Xuân Quang, ngụ xã Nga Tân, H.Nga Sơn. Vợ chồng Quang mới khoảng 30 tuổi nhưng đã có 3 đứa con. Lăn lộn khắp nơi trong nam ngoài bắc kiếm ăn từ khi mới 16, 17 tuổi, cuối cùng Quang quyết định về quê làm nghề chài lưới. Tiết kiệm được vài trăm triệu, cách đây 3 năm, hai vợ chồng anh vay mượn thêm bạn bè, mua lại cánh đồng nuôi ngao rộng hơn 6 ha ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc. Ngoài việc nuôi ngao, hằng ngày vợ chồng Quang vẫn tiếp tục thả bát quái (lồng bẫy) đánh bắt cua, cáy kiếm thêm thu nhập, nuôi các con học hành ở trong bờ.

Đón chén nước trà từ tay Quang, tôi hỏi: “Nước giếng khoan ngoài kia à?”. Quang bảo: “Vâng. Mời bác dùng thử. Uống tốt mà. Ngọt và sạch hơn nước ngầm trong đất liền nhiều”. Rồi Quang bước ra giếng khoan ngay bên ngoài liếp cửa của chòi canh, nhanh tay kéo chiếc cần bơm nước. Sau khoảng nửa phút, một dòng nước mát lành, trong vắt từ dưới đáy biển được kéo lên chảy xối xả vào xô nhựa. Quang lấy tay vục một vốc nước cho vào miệng uống ngon lành. Múc một gáo nước uống thử, quả thật tôi không thể phát hiện ra bất cứ vị mặn, cứng như thứ nước khoan trong đất liền ở các huyện ven biển Thanh Hóa mà tôi đã từng uống…

Khoan trăm mũi, được một mũi

Quang kể, từ khi mua đồng ngao, vợ chồng anh rất vất vả khi cứ mỗi 3 ngày lại phải chạy thuyền vào bờ chở nước ngọt ra sinh hoạt. Mỗi lần vào ra mất đứt 6 - 7 lít dầu máy. Những ngày nước thủy triều lên cao thì không sao, gặp hôm nước kém, thủy triều xuống cạn thì việc đi lại càng thêm vất vả.

Cách đây độ 2 năm, Quang nghe nói một chủ đồng ngao ở Kim Sơn (Ninh Bình) khoan được nước ngọt giữa biển, vậy là anh dong thuyền men theo bờ chạy một mạch 4 giờ đồng hồ sang Kim Sơn tìm hiểu thực hư. Nhưng rồi Quang thất vọng vì nguồn nước mà chủ đồng ngao ở Kim Sơn khoan được chỉ là thứ nước lợ, không thể dùng để ăn uống được. Khi biết nguồn nước lợ này được khoan ở độ sâu 70 m từ mặt biển xuống, Quang chợt nghĩ biết đâu khoan sâu xuống thêm vài chục mét nữa sẽ có nước ngọt.

Dong thuyền về, Quang thuê thợ tìm nguồn nước ngọt. Nhưng nghe đi khoan giếng ngoài biển thì các nhóm thợ đều lắc đầu, thậm chí còn giễu “ông điên à?!”. Quang cố gắng thuyết phục mãi mới có một tốp thợ đưa máy móc ra chòi canh giữa biển khoan giếng. Vậy là tranh thủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày khi thủy triều rút khỏi bãi nuôi ngao, Quang và cánh thợ hì hục khoan giếng trước sự nghi ngại của mọi người. Mất 3 ngày, khi mũi khoan chạm đến độ sâu 110 m..., nếm thử dòng nước trào lên từ đáy biển, Quang và cánh thợ đã vui đến trào nước mắt vì thấy nước ngọt mát lành. Chưa yên tâm, Quang lấy tất cả nồi niêu, thùng, can nhựa trong chòi ra đổ nước vào theo dõi. Sau nhiều ngày đựng trong xoong nhôm, nhựa, nước từ giếng khoan của Quang vẫn trong veo không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt, không có mùi lạ... Khi dùng nấu cơm, nấu nước uống còn cho cảm giác “ngon” hơn nước từ trong bờ mà anh phải rất vất vả mang ra…

Nghe tin Quang tìm được nước ngọt, hàng trăm chủ đồng nuôi ngao ở vùng Hậu Lộc, Nga Sơn kéo đến xem. Rồi nhiều chủ đồng đã mạnh dạn thuê thợ về khoan giếng, nhưng hầu hết đều thất bại. Nhiều người khoan đến 4 mũi, khoan tới độ sâu 150 - 170 m nhưng vẫn không tìm thấy nước ngọt… Hơn một trăm mũi khoan cắm xuống lòng biển, chỉ có 4 - 5 giếng là chạm được mạch nước ngọt, trong đó giếng của Quang là ngọt hơn cả. Ngay Phạm Văn Ngọc cũng chỉ tìm được mạch nước mặn chát ở độ sâu 140 m, dù vị trí khoan giếng của Ngọc gần bờ hơn rất nhiều so với vị trí mà Quang khoan.

Từ ngày Quang và một số chủ đồng nuôi tìm thấy mạch nước ngọt dưới đáy biển, việc sinh hoạt của gia đình anh và các chủ đồng nuôi quanh vùng đỡ hơn rất nhiều. Chỉ với 5 chiếc giếng khoan, trị giá chưa đến 10 triệu đồng/giếng, đã có nguồn nước sinh hoạt ổn định cho rất nhiều chủ đồng nuôi ngao ven biển.

Ngồi nghe những câu chuyện của những ngư dân nuôi ngao, tôi cảm nhận về một cuộc sống luôn thường trực những khó khăn và đầy bất trắc của họ. Ngày qua ngày, cuộc sống của họ quanh quẩn trên chiếc chòi canh giữa bốn bề sóng gió. Nay nỗi lo nước ngọt giữa biển khơi không còn, cũng là một động lực để họ bám biển vươn lên. Mong mùa vụ tới, giá ngao sẽ không rẻ mạt như hiện giờ, để anh Ngọc và những ngư dân thực sự có một mùa ngao bội thu sau cả năm trời lam lũ, nhọc nhằn trên những chiếc chòi canh lênh đênh giữa biển…

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.