Trái đất vừa thoát được bão mặt trời

07/03/2012 10:42 GMT+7

(TNO) Trái đất vừa may mắn thoát được cơn thịnh nộ của mặt trời, nhưng tình huống xấu nhất vẫn chực chờ phía trước.

(TNO) Trái đất vừa may mắn thoát được cơn thịnh nộ của mặt trời, nhưng tình huống xấu nhất vẫn chực chờ phía trước. 

Sau thời gian im ắng gần đây, mặt trời đột ngột phun ra một luồng bức xạ tia X cực mạnh xuất phát từ hoạt động vết lóa mặt trời (solar flare) và sự phun trào vật chất ở vành nhật hoa (CME). 

Sự kiện trên xảy ra vào lúc 4 giờ 13 phút sáng giờ UTC ngày 5.3 (tức 11 giờ 13 phút ngày 5.3 giờ VN). Dự kiến các CME phải mất hơn một ngày rưỡi mới đến trái đất, nếu địa cầu không may nằm trên đường đi của chúng.

 
Khu vực vừa phun ra CME tia X và M - AR1429 - Ảnh: NASA

Sau thời gian quan sát, CME đã không quất trúng trái đất, nhưng sao Kim và sao Thủy không được may mắn như vậy.  

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thuộc dự án Quan sát Động lực học mặt trời của NASA cho hay nhiều khả năng cực quang sẽ liên tục xuất hiện trong những ngày tới. 

Dù trái đất thoát được lần này, CME vẫn có thể gây nên các cơn bão địa từ nhỏ, theo Space.com dẫn lời chuyên gia thuộc Trung tâm Dự đoán thời tiết không gian (Mỹ). 

Cùng với đợt bùng nổ tia X, một đợt phun trào tia M2 cũng xảy ra tại khu vực tương tự trên bề mặt mặt trời, gọi là Khu vực Hoạt động 1429 (AR1429), vào ngày 4.3. 

Đám mây bức xạ này sản sinh một CME rộng hơn và có thể đến trái đất. 

AR1429 là khu vực có kích thước lớn ít nhất gấp 5 lần trái đất và có thể sẽ mở rộng diện tích thêm nữa. 

Ngoài ra, mặt trời đã bước vào chu kỳ hoạt động tích cực kéo dài 11 năm, và dự kiến trái đất sẽ có thể hứng chịu nhiều đợt CME trong thời gian tới.  

 
Khu vực Hoạt động 1429 trên mặt trời - Ảnh: NASA

Được biết, các vết lóa xuất hiện khi từ trường cực mạnh bên trong và xung quanh mặt trời tái kết nối với nhau. Chúng thường xuyên xảy ra ở những khu vực hoạt động, trong trường hợp là AR1429, từ chuyên môn còn gọi là vệt đen mặt trời, nơi từ trường mạnh nhất. 

Các vết lóa được phân theo độ mạnh yếu. Yếu nhất là lớp B, kế đến là C, M, X. Tương tự như thang đo độ mạnh của các cơn địa chấn Richter, một ký tự đại diện cho sự bùng phát năng lượng cao gấp 10 lần, như vậy X mạnh gấp 10 lần M và gấp 100 lần so với C. 

Dù X là ký tự cuối cùng, nhưng ở thang bậc này tiếp tục được phân từ 1 đến 9, mỗi lần năng lượng mạnh gấp 10 lần. 

Các đợt bùng nổ tia X là nỗi sợ hãi của giới chuyên gia trái đất. Chúng mạnh đến nỗi có thể đánh sập vệ tinh và gây mất điện trên diện rộng.

Hạo Nhiên

>> Điều gì xảy ra khi trái đất đảo cực?
>> Tia Xaser tạo ra nhiệt lên đến 2 triệu độ C
>> Mặt trời đe dọa mặt trăng
>> Bão mặt trời tạo cực quang trên diện rộng
>> Trái đất hứng bão mặt trời cực mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.