Tàu đổ bộ Philae thức giấc, sẵn sàng làm việc

16/06/2015 13:33 GMT+7

(TNO) Sau khi chuyển vào chế độ ngủ đông trong mùa đông và mùa xuân, tàu đổ bộ Philae cuối cùng đã thức dậy và có thể sẵn sàng tiếp tục công việc thăm dò bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, CNET đưa tin.

(TNO) Sau khi chuyển vào chế độ ngủ đông trong mùa đông và mùa xuân, tàu đổ bộ Philae cuối cùng đã thức dậy và có thể sẵn sàng tiếp tục công việc thăm dò bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, CNET đưa tin. 

Tàu đổ bộ Philae đã hoạt động trở lại sau hơn nửa năm “ngủ đông” - Ảnh: NASA

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nói rằng, Philae đã tỉnh giấc vào hôm thứ bảy 13.6 và gửi một tin nhắn về Trái đất thông qua tàu vũ trụ sứ mệnh Rosetta. Sau khi nhận được thông tin liên lạc lần thứ hai từ Philae sau đó một hôm, trạm kiểm soát của ESA đã tiến hành đánh giá các dữ liệu và phát hiện ra rằng bộ điều khiển của Philae đang mong chờ có thể tiếp tục thực hiện các thí nghiệm trên bề mặt của sao chổi.

Mặc dù khả năng truyền tín hiệu của Philae vào hôm chủ nhật vừa qua là tương đối yếu và không ổn định, nhưng bộ điều khiển đã có thể nhận được một số dữ liệu được gửi từ trạm kiểm soát. Trao đổi với hãng tin AFP, đại diện của ESA nói rằng ít nhất cửa sổ giao tiếp được thực hiện 15 phút/lần, đó là cần thiết để truyền lệnh cho tàu thăm dò tiếp tục thực hiện thí nghiệm. Cho đến nay, các tín hiệu truyền đi từ bề mặt của sao chổi về Trái đất đã nhanh hơn với độ dài 2 phút/lần.

Không chỉ có vậy, có rất nhiều triển vọng dành cho Philae khi báo cáo từ cơ quan vũ trụ Đức cho biết, nhiệt độ trên Philae đang ấm dần lên và nó có thể sạc pin nhờ nhận được ánh sáng mặt trời ít nhất 3 giờ/ngày, cao gấp đôi so với những gì mà các kỹ sư tại đây mong đợi.

Đây là tin tức đầu tiên của Philae kể từ khi nó đáp xuống bề mặt sao chổi vào cuối tháng 11.2014. Phải mất 10 năm để thăm dò và thực hiện cú đáp xuống lịch sử, nhưng do vị trí hạ cánh nhầm vào một khe tối trên sao chổi nên pin trên Philae không thể được sạc, và năng lượng còn lại chỉ có thể duy trì được 60 giờ trước khi nó chuyển vào chế độ ngủ đông.

Mark McCaughrean, cố vấn khoa học của ESA cho biết với AFP rằng, điều mà các nhà khoa học ở đây mong chờ từ Philae chính là kết quả thăm dò về những gì có trong sao chổi, vật thể còn sót lại từ sự ra đời của hệ mặt trời đang cần nhiều lời giải đáp. Còn người quản lý Philae, tiến sĩ Stephan Ulamec nói rằng, Philae sẽ bắt đầu công việc thăm dò bằng cách sử dụng các dụng cụ khoan và búa, bởi các công cụ này tiêu thụ ít năng lượng để không ảnh hưởng đến Philae.

Được biết, sao chổi 67P sẽ đạt đến điểm gần nhất với ánh sáng mặt trời vào tháng 8 tới trước khi Philae tiếp tục trở lại không gian tối, tuy nhiên Ulamec hy vọng năng lượng trên Philae có thể tiếp tục chạy được thêm một tuần hoặc lâu hơn với lượng năng lượng mà nó hấp thụ được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.