Sao chổi 'thế kỷ' đã chết?

29/11/2013 17:01 GMT+7

(TNO) Hành trình kéo dài 5,5 triệu năm của một sao chổi đi vào bên trong hệ mặt trời dường như đã kết thúc khi nó áp sát mặt trời mà không để lại dấu vết của cái đuôi dài của nó, thậm chí cả đá và bụi còn lại của lõi sao chổi.

(TNO) Hành trình kéo dài 5,5 triệu năm của một sao chổi đi vào bên trong hệ mặt trời dường như đã kết thúc khi nó áp sát mặt trời mà không để lại dấu vết của cái đuôi dài của nó, thậm chí cả đá và bụi còn lại của lõi sao chổi, Reuters dẫn lời các nhà khoa học cho hay.


Sao chổi ISON được ghi nhận hôm 25.11.2013 - Ảnh: Reuters/NASA

Sao chổi có tên ISON được hai nhà thiên văn học nghiệp dư Vitali Nevski và Artyom Novichonok dùng kính viễn vọng 40 cm của Hệ thống Quang học Khoa học Quốc tế gần Kislovodsk (Nga) phát hiện vào tháng 9.2012, khi nó vẫn còn ở xa hơn sao Mộc.

Từ đó đến nay, ISON được trông chờ sẽ tỏa sáng trên bầu trời trái đất, sáng hơn cả mặt trăng để mọi người có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên ngoạn mục này vào tháng 12 tới.

Theo tính toán thì ISON đã bay cách mặt trời khoảng 1,2 triệu km vào lúc 1 giờ 37 phút sáng 29.11 (giờ VN). Tuy nhiên, các nhà thiên văn học đã sử dụng các kính viễn vọng để truy tìm tông tích của nó nhưng không có kết quả.

"Tôi không thấy bất cứ thứ gì hiện ra từ phía sau đĩa mặt trời", nhà thiên văn học Karl Battams thuộc Phòng Nghiên cứu Hải quân ở Washington (Mỹ) nói.

"Thật là đáng buồn khi nó dường như đã kết thúc cuộc đời theo cách này, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn tìm hiểu thêm về sao chổi này", ông Battams nói thêm.


Sao chổi ISON được chụp ngày 19.11.2013 bởi kính viễn vọng của NASA - Ảnh: Reuters

Trước đó, các nhà khoa học cho rằng, với khoảng cách chỉ trên dưới 1 triệu km so với bề mặt mặt trời, có thể ISON, được mệnh danh là "sao chổi thế kỷ" sẽ bị nổ tung khi di chuyển với vận tốc 377 km mỗi giây và bị đun nóng với nhiệt độ 2.760 độ C, đủ để làm bốc hơi không chỉ băng trên sao chổi mà còn cả đá, kim loại.

Tuy nhiên, nếu ISON vẫn sống sót sau cuộc gặp gỡ với mặt trời thì chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó bằng mắt thường trong một hoặc hai tuần trong tháng 12.

Giống như các sao chổi khác, ISON là một khối khí đông lạnh trộn lẫn bụi đá hình thành gần hệ mặt trời. Nó thường di chuyển trên quỹ đạo bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của mặt trời và các hành tinh trong hệ mặt trời.

Ghi nhận của Kính viễn vọng không gian Hubble thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì ISON có lõi khoảng 4 km. Khi bay đến gần mặt trời, sức nóng sẽ khiến khối khí đóng băng bốc hơi và đuôi của nó kéo dài ít nhất 92.000 km.

Tiến Dũng

>> Sao chổi 'thế kỷ' thẳng hướng mặt trời
>> Sao chổi sáng hơn mặt trăng vào "tầm ngắm" của Hubble
>> Hình ảnh đầu tiên của sao chổi “thế kỷ”
>> Ảnh mới ngoạn mục của sao chổi thế kỷ
>> Sao chổi đêm Giáng sinh
>> Sao chổi mới đang tiến đến mặt trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.