Sao chổi sáng hơn mặt trăng vào "tầm ngắm" của Hubble

25/04/2013 15:50 GMT+7

(TNO) Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA vừa ghi lại những hình ảnh rõ nét về sao chổi ISON trong hành trình hướng đến mặt trời với vận tốc 75.639 km/giờ của nó.

(TNO) Kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ghi lại những hình ảnh rõ nét về sao chổi ISON, được phát hiện hồi năm ngoái bởi các nhà thiên văn học Nga, trong hành trình hướng đến mặt trời với vận tốc 75.639 km/giờ của nó, theo RIA Novosti ngày 24.4.

Sao chổi ISON, khi tiến gần Trái đất sẽ rực sáng hơn cả mặt trăng, được hai nhà thiên văn học nghiệp dư Vitali Nevski và Artyom Novichonok dùng kính viễn vọng 40 cm của Hệ thống Quang học Khoa học Quốc tế gần Kislovodsk (Nga) phát hiện vào tháng 9.2012. Đến ngày 28.11 tới, ISON cách mặt trời 1,1 triệu km.


Hình ảnh sao chổi ISON do kính Hubble ghi lại - Ảnh: NASA

Giống như các sao chổi khác, ISON là một khối khí đông lạnh trộn lẫn bụi đá hình thành gần hệ mặt trời. Nó thường di chuyển trên quỹ đạo bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của mặt trời và các hành tinh trong hệ mặt trời.

Theo tính toán trước đây thì ISON có lõi khoảng 4,8 đến 6,4 km. Tuy nhiên, hình ảnh mới ghi nhận của kính Hubble cho thấy kích thước của nó nhỏ hơn một chút, khoảng 4 km.

Khi bay đến gần mặt trời, sức nóng sẽ khiến khối khí đóng băng bốc hơi và đuôi của nó kéo dài ít nhất 92.000 km. Hình ảnh của nó có thể được nhìn thấy ở Trái đất vào cuối tháng 1.2014 ngay cả vào thời điểm ban ngày.

Vào ngày 26.12 tới, sao chổi ISON sẽ cách Trái đất khoảng 64 triệu km.

Tiến Dũng

>> Hình ảnh đầu tiên của sao chổi “thế kỷ”
>> Sao chổi còn sáng hơn mặt trăng
>> Sao chổi đêm Giáng sinh
>> Sao chổi mới đang tiến đến mặt trời
>> Sao chổi không gây thảm họa Clovis
>> Sao chổi có thể tồn tại ngoài hệ mặt trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.