Sao chổi hủy diệt từng tấn công trái đất

11/10/2013 03:10 GMT+7

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm được chứng cứ chắc chắn cho thấy sao chổi từng tấn công địa cầu cách đây 28 triệu năm.

 Sao chổi
Hình minh họa sự kiện sao chổi tấn công địa cầu - Ảnh: Geek.com

Nằm sâu trong lòng sa mạc Sahara, một vỉa thủy tinh khổng lồ có tên "thủy tinh sa mạc Libya" tồn tại đã qua bao nhiêu triệu năm. Giới khoa học đã nghiên cứu nơi này cách đây vài thập niên, nhưng gần đây mới phát hiện một sự thật gây chấn động: lần đầu tiên trong lịch sử, họ tìm được chứng cứ xác thực về một sự kiện “tận thế” đối với các sinh vật trên bề mặt trái đất cách đây 28 triệu năm. Trước đó, từng có giả thuyết cho rằng một sao chổi khổng lồ đã quét sạch sự tồn tại của những loài khủng long trong sự kiện hủy diệt giống loài vào 65 triệu năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được bất kỳ chứng cứ nào khả dĩ "kết tội" hung thủ này.

Theo báo cáo trên chuyên san Nature, một sao chổi đã phát nổ trên bầu trời lãnh thổ Ai Cập, thổi bùng cơn bão lửa tiêu diệt mọi sinh vật lọt vào đường đi của nó và để lại dấu tích "tội ác" dưới dạng một viên thạch anh đen bí ẩn. “Sao chổi luôn ghé thăm bầu trời của chúng ta. Chúng là những quả cầu tuyết kết hợp giữa băng với bụi, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử con người từng tìm được một dạng vật chất nào xuất phát từ sao chổi”, theo AFP dẫn lời Giáo sư David Block của Đại học Witwatersrand thuộc Nam Phi. Nhiệt độ đến 2.000 độ C xuất phát từ vụ va chạm giữa phần còn lại của sao chổi với cát sa mạc đã tạo ra vỉa thủy tinh khổng lồ trên sa mạc Sahara, và từng được  pharaoh Tutankhamun thời Ai Cập cổ dùng làm đá trang sức.

Các học giả châu Phi đã dẫn đầu một nhóm chuyên gia địa lý, vật lý và thiên văn học trong nỗ lực tìm ra nguồn gốc của viên thạch anh đen, được phát hiện vào năm 1996. Giáo sư Jan Kramers của Đại học Johannesburg thừa nhận chứng cứ quan trọng này có thể mãi chỉ là một viên đá bình thường, cho đến khi lọt vào tay các chuyên gia nghiên cứu kim cương. Lực chấn động quá mạnh trong lúc va chạm đã tạo nên những hạt kim cương bé tí trên viên thạch anh này, nhưng kết quả thí nghiệm cho thấy đây không chỉ là viên đá bám bụi kim cương. Viên đá nặng 30 gr chứa thành phần vật chất trong vũ trụ hoàn toàn khác biệt với các thiên thạch. “Thiên thạch chứa khoảng 3% carbon, trong khi vật này chứa đến 65% carbon”, AFP dẫn lời Giáo sư Kramers, biến nó thành mẫu vật đầu tiên từng thuộc về nhân của một sao chổi.

Các vật chất sao chổi trước đây chỉ tồn tại dưới dạng bụi trong khí quyển trái đất, hoặc bụi trong băng Nam Cực. “Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) chi hàng tỉ USD để thu thập được vài microgram bụi sao chổi và mang trở về trái đất. Giờ đây, chúng ta tình cờ nắm trong tay cách tiếp cận mới để nghiên cứu dạng vật chất này mà không cần bỏ nhiều tỉ USD như trước”, Giáo sư Kramers nói thêm. Dù các chuyên gia mới tìm được một viên đá sao chổi, nhiều loại tương tự có thể đang nằm rải rác khắp khu vực 6.000 km, nơi sao chổi đâm xuống, chờ các nhà khoa học khám phá.

Trong khi đó, viên đá đầu tiên đã được đặt tên là Hypatia, nhà thiên văn học nổi tiếng người xứ Alexandria sinh năm 350, và sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc nghiên cứu về sự hình thành hệ thống hành tinh xung quanh mặt trời. “Sao chổi chứa những bí mật có thể hé lộ cơ chế hình thành của hệ mặt trời chúng ta, và phát hiện mới mang lại cơ hội chưa từng có để giới khoa học có thể dễ dàng nghiên cứu vật liệu sao chổi lần đầu tiên trong lịch sử”, Giáo sư Block kết luận.

Hạo Nhiên

>> Sao chổi khởi đầu cho nền văn minh nông nghiệp?
>> Ảnh mới ngoạn mục của sao chổi thế kỷ
>> Hệ mặt trời có đuôi như sao chổi
>> Sao chổi Lovejoy lập công lớn
>> Sao chổi đã hủy diệt khủng long?
>> Sao chổi không gây thảm họa Clovis
>> Sao chổi có thể tồn tại ngoài hệ mặt trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.