Người tuyết là 'hậu duệ của gấu cổ đại'

21/10/2013 03:05 GMT+7

Kết quả nghiên cứu mới đã khẳng định sự tồn tại của người tuyết Yeti tại dãy Himalaya, nhưng chúng không phải là sinh vật nửa người nửa thú như truyền thuyết.

Người tuyết là 'hậu duệ của gấu cổ đại'
Một trong những hình ảnh về người tuyết - Ảnh: SGP

Các nhà khoa học cho rằng cuối cùng họ cũng đã giải mã được bí ẩn về người tuyết Yeti, họ hàng của người tuyết Bigfoot và theo đồn đại thì đang cư ngụ trên dãy Himalaya. Theo BBC, có vẻ như thực sự đang tồn tại một sinh vật đằng sau truyền thuyết Yeti. Tuy nhiên, nhân dạng trên thực tế của sinh vật trong truyền thuyết không hề giống như tưởng tượng, vì kết quả phân tích ADN thực hiện trên mẫu lông - được cho là của người tuyết Yeti - cho thấy sự tương đồng về gien với một loài gấu bắc cực thời cổ đại. Các chuyên gia cho rằng Yeti trên thực tế có thể là một chi phụ của loài gấu nâu, có tổ tiên là gấu bắc cực vừa kể trên.

Người tuyết Yeti đã được ghi nhận qua nhiều thế kỷ tại Himalaya. Nhiều cư dân địa phương và người leo núi cam đoan rằng đã nhìn thấy loài động vật lông lá, có bề ngoài như vượn. Để giải tỏa nghi vấn lâu nay về sự tồn tại của Yeti, giáo sư di truyền học thuộc Đại học Oxford (Anh) Bryan Sykes đã tiến hành thu thập và phân tích mẫu lông được cho là của người tuyết Himalaya. Cụ thể, ông đã phân tích lông của hai động vật vô danh, một được tìm thấy trên vùng Ladakh thuộc tây Himalaya, và mẫu còn lại ở Bhutan, cách đó khoảng 1.285 km về phía đông. Sau khi dùng những phương pháp thử nghiệm ADN hiện đại nhất và so sánh kết quả với các bộ gien của mọi động vật nằm trong kho dữ liệu GenBank, Giáo sư Sykes bất ngờ tìm ra một ứng viên có bộ gien giống 100% với gien “Yeti”. Nó thuộc về một loài gấu bắc cực cổ đại, với xương hàm được tìm thấy tại Svalbard, Na Uy, có niên đại cách đây ít nhất 40.000 năm, thậm chí có thể đến 120.000 năm, vào thời điểm gấu bắc cực và gấu nâu là đại diện của hai loài khác nhau.

Tuy nhiên, không có nghĩa là hiện giờ gấu bắc cực cổ đại đang lảng vảng đâu đó trên dãy Himalaya. Giáo sư Sykes nghĩ ra một cách giải thích hợp lý nhất về Yeti, nhiều khả năng là “con lai” giữa gấu bắc cực cổ đại và gấu nâu. Hai loài này có sự liên hệ gần gũi và thường lai giống khi lãnh thổ của chúng chồng chéo lên nhau. “Đây quả là một kết quả ấn tượng và hoàn toàn bất ngờ. Cần phải tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu khác để diễn giải kết quả này”, theo BBC dẫn lời Giáo sư Sykes.

Hiện tượng "người tuyết Yeti" đã bắt đầu bùng phát vào thập niên 1950, sau khi nhà leo núi người Anh Eric Shipton công bố bức ảnh chụp "dấu chân của Yeti” tại đỉnh Everest vào năm 1951. Nhà leo núi huyền thoại Reinhold Messner, người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest mà không cần bình oxygen, đã nghiên cứu Yeti kể từ khi ông có cuộc chạm trán kinh hoàng với một sinh vật bí ẩn tại Tây Tạng vào năm 1986. Nghiên cứu của Messner cũng ủng hộ giả thuyết của Giáo sư Sykes. Nhà leo núi đã tìm được một bức tranh 300 năm tuổi có chú thích rõ ràng về Chemo, tên địa phương của Yeti, với dòng chữ kế bên ghi rõ: “Yeti là một loài gấu sống ở những vùng núi non không có người sinh sống”. Giáo sư Sykes bổ sung thêm: “Người tin vào huyền thoại Bigfoot thường cho rằng họ bị khoa học ruồng bỏ. Khoa học không chấp nhận hay bác bỏ vấn đề gì hết, tất cả đều phải được giám định qua chứng cứ, và đó là điều mà tôi đang theo đuổi”. Công trình này đang được công bố trên kênh truyền hình Channel 4. Và một quyển sách khác về đề tài này sẽ sớm được xuất bản vào đầu năm sau.

Hạo Nhiên

>> Người tuyết ‘thực sự tồn tại’
>> Thêm bằng chứng về người tuyết ?
>> Thêm giả thuyết về người tuyết
>> Cuộc truy tìm người tuyết
>> Người tuyết sống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.