Hiểm họa dưới băng tầng vĩnh cửu

07/03/2014 03:00 GMT+7

Sau khi một loài vi rút cổ đại tái sinh trong phòng thí nghiệm, giới chuyên gia cảnh báo tình trạng tan băng trên toàn cầu có thể làm sống lại những mầm bệnh từng bị chôn vùi trong lịch sử địa cầu.


Cận cảnh vi rút khổng lồ 30.000 năm tuổi - Ảnh: IGS/CNRS 

Các nhà khoa học cảnh báo rằng xu hướng ấm lên toàn cầu làm tan chảy băng hà ở các cực có thể làm sống lại những căn bệnh cổ xưa, đe dọa sức khỏe con người hoặc động vật. Theo báo cáo mới trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ), các chuyên gia Pháp và Nga đã hợp lực khai quật một dòng vi rút khổng lồ từng xuất hiện trên bề mặt địa cầu cách đây 30.000 năm. Vi rút trên đã sống lại trong phòng thí nghiệm khi các nhà nghiên cứu tiến hành nuôi amip được tìm thấy trong băng hà vĩnh cửu ở Bắc Cực. Được gọi là Pithovirus sibericum, nó được phát hiện trong mẫu đất đóng băng vĩnh cửu ở độ sâu 30 m tại bờ biển Chukotka, gần biển Đông Siberia, nơi nhiệt độ trung bình hằng năm duy trì ở mức -13,4 độ C.

Kết quả phân tích đồng vị carbon mẫu đất trên cho thấy nó xuất hiện cách đây hơn 30.000 năm, thời điểm voi ma mút và người Neanderthal vẫn còn chiếm cứ địa cầu. Đội ngũ chuyên gia đã làm tan băng vi rút và theo dõi nó nhân đôi trong đĩa thí nghiệm, và nó gây nhiễm sinh vật đơn bào là trùng amip. Khi phát hiện các tế bào nổ tung, và mang giám định dưới kính hiển vi, các chuyên gia Pháp bất ngờ trước sự hiện diện của vi rút Pandovirus khổng lồ chưa từng được ghi nhận. “Trong lúc khảo sát băng tầng vĩnh cửu Siberia, chúng tôi cô lập được một dạng thử của vi rút khổng lồ kết hợp giữa hình dạng của Pandoravirus với một gien tương tự như vi rút ADN 20 cạnh”, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp (CNRS). Theo tỷ lệ của vi rút, P.sibericum thật sự là “khủng long” so với đồng loại, do nó chứa đến 500 gien trong khi vi rút gây cảm cúm chỉ có 8 gien. Nó cũng là loài đầu tiên trong phân khúc mới của vi rút khổng lồ, một chủng có tên Megaviridae. P.sibericum có kích thước 1,5 phần triệu của mét, cho phép các chuyên gia quan sát bằng kính hiển vi quang học chứ không cần dùng đến kính hiển vi điện tử.

Không giống như vi rút cúm, P.sibericum vô hại đối với con người và động vật, chỉ lây nhiễm trùng amip gọi là Acanthamoeba. Tuy nhiên, qua cuộc nghiên cứu trên, các chuyên gia CNRS đã chứng minh được các loài vi rút có thể tồn tại trong trạng thái bị khóa chặt bên trong băng tần vĩnh cửu suốt một thời gian thật dài. Báo cáo đã cho thấy nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản và năng lượng tại vùng cực, khu vực ngày càng dễ tiếp cận hơn trong điều kiện băng tan dần. “Sự hồi sinh của các vi rút vốn được cho là đã bị con người tiêu diệt hoàn toàn, như vi rút đậu mùa, với quá trình tái tạo tương tự như dòng Pithovirus, không còn bị giới hạn trong truyện khoa học viễn tưởng. Nguy cơ này trong đời thực phải được nhìn nhận một cách thực tế”, các chuyên gia cảnh báo. Dựa trên cuộc nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng trên thế giới đang tồn tại những dòng vi rút đa dạng về chủng loại hơn vẫn tưởng. Đồng thời, họ lo ngại vi rút cổ đại, một khi lộ diện lần nữa trên bề mặt địa cầu, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Hạo Nhiên

>> Báo động chủng virus cúm gia cầm mới H10N8
>> Phát hiện virus "Red October" trộm thông tin mật
>> Sữa mẹ chứa kháng thể giúp ngăn chặn virus HIV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.