Hành trình xuống “địa ngục” của đạo diễn Avatar

28/03/2012 03:56 GMT+7

Đạo diễn các phim bom tấn của Hollywood, James Cameron đã trở thành người đầu tiên một mình xuống được nơi sâu nhất địa cầu.

Đạo diễn các phim bom tấn của Hollywood, James Cameron đã trở thành người đầu tiên một mình xuống được nơi sâu nhất địa cầu.

James Cameron, 57 tuổi, đạo diễn từng đoạt giải Oscar, vừa trải qua cảm giác lạc vào thế giới như trong Avatar, bộ phim khoa học giả tưởng khai sinh dòng phim 3D mà ông trình làng cách đây 3 năm. Ông đã thực hiện thành công hành trình xuống nơi sâu nhất của đại dương là Challenger Deep thuộc rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương. Nếu tính về chiều dài, đỉnh núi cao nhất thế giới là Everest còn phải chào thua Challenger Deep, với độ sâu 10.989m.

Nơi tận cùng thế giới

Là người đầu tiên tận mắt quan sát được môi trường tại nơi sâu nhất trái đất, nhà làm phim nổi tiếng Cameron cho hay biên giới phiêu lưu cuối cùng trên địa cầu cũng giống như hình ảnh thường thấy trên hành tinh xa xôi nào đó: hoang vắng, tiêu điều và lạnh lẽo.

 
Sơ đồ những mức giới hạn của biển sâu

“Nó thật trống trải, như trên mặt trăng”, Reuters dẫn lời nhà đạo diễn lừng danh. Khi được hỏi về các dạng sinh vật sống, ông cho hay chẳng nhìn thấy con cá nào cả, cũng như chẳng phát hiện được sự sống tại nơi tận cùng của đại dương, ngoại trừ một vài con amphipod (bọ biển) trong nước. “Tôi không cảm thấy rằng mình đến được một nơi có thể thu thập những mẩu địa chất thú vị, hoặc tìm thấy bất cứ thứ gì đáng quan tâm về mặt sinh học”, ông nói.

Điều này một phần là do xảy ra sự cố rò rỉ trên tàu lặn, buộc Cameron phải chấm dứt sứ mệnh sớm hơn 3 giờ. Theo những kế hoạch trước đó, ông sẽ khảo sát và thu thập vật mẫu trong suốt 6 giờ liền ở Challenger Deep. Tuy nhiên, dầu cứ tuôn ra từ cửa tàu, khiến ông không thể điều khiển cánh tay robot thu thập mẫu vật như đã định. Đó chưa kể thiết bị đẩy gặp vấn đề, khiến tàu ngầm cứ xoay vòng một chỗ. Ngoài ra, hệ thống định vị bằng sóng âm của tàu ngầm bị hỏng, làm bộ phận nhử mồi không hoạt động trước khi sứ mệnh được triển khai. Bộ phận nhử mồi, gọi là lander, phải được thả xuống mục tiêu nhiều giờ trước khi ông Cameron khởi hành, nhằm thu hút sự chú ý của cư dân sống nơi đáy đại dương. Có thể vì vậy mà đạo diễn sở hữu 2 bộ phim với doanh thu hơn 1 tỉ USD không gặp được bất cứ sinh vật gây ấn tượng nào trong suốt nhiều giờ dưới đáy biển. Được biết, chiếc tàu Deepsea Challenger có đủ ô xy cho 56 giờ lặn.

 
James Cameron chuẩn bị tâm lý và thể chất kỹ càng trước sứ mệnh lịch sử - Ảnh: AFP

Kế hoạch 7 năm 

 
Cú lặn kỷ lục

Cú lặn của đạo diễn Hollywood đã diễn ra trong khoảng 7 giờ, bắt đầu vào sáng sớm ngày 26.3. Chiếc tàu ngầm màu chanh đã xuống đến Challenger Deep trong 2 giờ 36 phút, chậm hơn dự kiến dù nó được thiết kế để lặn với tốc độ từ 150 - 210 m/phút. Khi nổi lên, ông chỉ mất khoảng 70 phút, tốc độ được so sánh với tên lửa sau khi thả đồ dằn nặng nửa tấn khỏi Deepsea Challenger. Cameron cũng cho biết nhiệt độ lúc chui vào tàu lặn khoảng 37 độ C, biến khoang chứa thành một dạng phòng xông hơi, nhưng đến khi xuống được độ sâu đã định chỉ còn 2 độ C. Khi đó, áp suất đè lên Deepsea Challenger thật khủng khiếp, giống như 3 chiếc xe SUV cùng đè lên một ngón chân. Chiếc tàu đã bị co lại khoảng 8 cm dưới áp suất này.

Đây là lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua con người mới có hành trình xuống tận Challenger Deep. Vào tháng 1.1960, hai ông Don Walsh (Mỹ) và Jacques Piccard (Thụy Sĩ) chỉ ở lại khoảng 20 phút bên trong tàu ngầm Trieste, và hầu như chẳng thấy được gì bên ngoài do tàu khuấy động quá nhiều bùn trong quá trình đáp. Để hoàn tất sứ mệnh lần này, Cameron đã bí mật cùng nhóm chuyên gia tại Úc nghiên cứu và chế tạo chiếc tàu lặn Deepsea Challenger một người lái. Đây là dự án do nhà đạo diễn tự bỏ tiền túi và hợp tác với tạp chí National Geographic và Hãng sản xuất đồng hồ Rolex. Chiếc tàu dài hơn 7m, nặng 11 tấn bao gồm khoang chứa (rộng hơn 1m) cấu tạo từ thép dày, có thể đương đầu với áp suất cao đến 1.000 atmosphere. Phần còn lại làm từ vật liệu gọi là bột tích hợp, cho phép tàu nổi trở lên mặt nước. Chiếc Deepsea Challenger cũng được trang bị nhiều đèn và camera giống như một phòng thu TV dưới nước, cho phép ông Cameron quay phim ở độ sâu không tưởng.

Cameron lâu nay được biết đến là nhà thám hiểm biển sâu. Bên cạnh các bộ phim dành cho khán giả phổ thông, ông cũng thực hiện phim tài liệu về xác tàu đắm Titanic vào năm 2003 và thêm một dự án phim cũng về đề tài đại dương vào năm 2005. Đây là lần lặn thứ 73 bằng tàu lặn của nhà làm phim nổi tiếng, trong đó có 33 lần xuống Titanic. Hồi năm 2010, Cameron đã giải thích niềm đam mê sớm hình thành từ thời thơ ấu về mảng khoa học giả tưởng và những câu chuyện phiêu lưu thám hiểm dưới đại dương sâu thẳm. “Những thước phim của nhà thám hiểm Jacques Cousteau đã khiến tôi thực sự phấn khích trước một thực tế rằng vẫn có thế giới đầy xa lạ trên trái đất”, ông nói. Cameron không nghĩ rằng mình sẽ có mặt trên tàu không gian để phóng lên vũ trụ, mà thay vào đó sẽ chọn lựa những điểm đến lạ lùng trên địa cầu, như sứ mệnh mới nhất tại rãnh Mariana.

Như đã nói ở trên, nhà đạo diễn lừng danh là người đầu tiên hoàn tất cú lặn solo xuống Challenger Deep, một kỷ lục mà tỉ phú kiêm nhà thám hiểm người Anh Richard Branson từng ao ước. Tổ chức phi lợi nhuận X-Prize hiện treo giải thưởng trị giá đến 10 triệu USD cho người nào chạm đáy rãnh Mariana. Và dù chưa hề nghĩ đến chuyện tranh đua, ông Cameron vẫn đã hoàn tất xuất sắc yêu cầu trên, đủ điều kiện lãnh giải thưởng này.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.