Đừng chết vì… cười

27/06/2011 16:43 GMT+7

Chết vì cười hoặc cười cho đến chết là hiện tượng đôi khi vẫn xảy ra trong thực tế.

Chắc hẳn ai trong đời cũng có ít nhất một lần cười lăn cười bò, cười đến quặn ruột thắt gan, nhưng cười đến mức thường xuyên ngất xỉu như ông Jim Dailakis, diễn viên hài 41 tuổi đến từ quận Queens, thành phố New York (Mỹ) thì quả thật là ít thấy.

“Lần đầu tiên tình trạng đó xảy ra, tôi nghĩ mình chắc chết đến nơi”, Dailakis nói, khi nhớ lại cảnh mình đột nhiên cười đến mức không thể thở nổi, nhưng vẫn không làm sao dứt được cơn cười. Dailakis cười đến nỗi nước mắt nước mũi chảy ra, đến mắt nổ đom đóm, rồi ngất xỉu.

Theo tiến sĩ Martin Samuels, giáo sư về thần kinh học của Đại học Harvard, té xỉu trong lúc đang cười có thể là do thở quá dồn dập, và điều này có thể chẳng nguy hiểm gì cho lắm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cười quá mức không gây chết người. Có giai thoại vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, triết gia Hy Lạp Chrysippus đã chết vì cười sau khi chứng kiến con lừa của mình nốc rượu vang đến nỗi say bét nhè. Trường hợp gần đây hơn là một nhà thính học Đan Mạch vào năm 1989 đã cười cho đến chết khi xem phim hài A Fish Called Wanda.

“Tin vui cũng nguy hiểm giống như tin buồn nếu xét về khía cạnh có khả năng gây đột tử”, tiến sĩ Samuels cho biết. Ông từng nghe có trường hợp đột tử khi đánh được một gậy vô ngay lỗ golf, hoặc thắng điểm tuyệt đối trong suốt 300 trận bowling, hay nghe quan tòa phán rằng mình vô tội. Tử vong trong lúc “hành sự” cũng được biết đến nhiều. Và do đó, tiến sĩ Samuels kết luận hưng phấn quá, vui quá cũng là những rủi ro cho sức khỏe con người.

Tại sao lại như vậy? Theo chuyên gia của Đại học Harvard, sự phấn khích quá độ, dù do buồn hay vui, đều kích hoạt phần não bộ chịu trách nhiệm về phản ứng bỏ chạy hoặc đánh trả khi đối diện với những mối đe dọa ở nơi hoang dã. Hoạt động này tạo ra một hormone gọi là adrenaline, có thể độc hại đối với nhiều cơ quan nội tạng ở động vật lớn, đặc biệt là tim. Kết quả là những trạng thái tình cảm quá khích, dù tích cực hoặc tiêu cực, có thể gây hại cho tim. Trong một số trường hợp hiếm hoi có thể gây chết người. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.