Châu Âu chuẩn bị phóng hai vệ tinh định vị Galileo

26/03/2015 11:23 GMT+7

(TNO) Châu Âu đã hoàn tất các bước chuẩn bị để phóng hai vệ tinh định vị thứ bảy và tám trong hệ thống định vị toàn cầu Galileo dự kiến gồm 30 vệ tinh của mình.

(TNO) Châu Âu đã hoàn tất các bước chuẩn bị để phóng hai vệ tinh định vị thứ bảy và tám trong hệ thống định vị toàn cầu Galileo dự kiến gồm 30 vệ tinh của mình, AFP cho biết ngày 25.3.

Tên lửa Soyuz của Nga được phóng từ trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Kourou - Ảnh: AFP
Hai vệ tinh mới đã sẵn sàng rời bệ phóng vào tối 27.3 trên tên lửa đẩy Soyuz của Nga, theo thông báo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Đây là lần bổ sung đầu tiên cho hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo kể từ khi một tên lửa Soyuz bị trục trặc vào tháng 8 năm ngoái, khiến hai vệ tinh bay sai quỹ đạo.
Hai vệ tinh trên, mỗi cái trị giá 40 triệu euro (51 triệu USD) và nặng 700 kg, được phóng từ trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Kourou, Guiana thuộc Pháp (Nam Mỹ) hôm 22.8.2014.
Theo kế hoạch thì chúng được đặt vào quỹ đạo có độ cao 23.500 km. Tuy nhiên thất bại ở tầng đẩy Fregat, được xác định là do nhiên liệu bị đóng băng, đã khiến các vệ tinh đi vào quỹ đạo 17.000 km, nơi chúng không hoạt động được.
Trả lời phỏng vấn của AFP hôm 25.3, giám đốc chương trình Galileo của ESA Didier Faivre cho biết tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho đợt phóng mới, và không có trở ngại nào xảy ra.
Hai vệ tinh mới dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo có độ cao 22.522 km, sau đó chúng dần hạ xuống quỹ đạo hoạt động của mình ở độ cao 22.322 km.
Theo ESA, dự kiến tên lửa sẽ rời bệ phóng vào lúc 18 giờ 46 phút ngày 27.3 (giờ địa phương, tức 4 giờ 46 phút sáng 28.3 theo giờ VN) tại trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Kourou.
Đến năm 2017, theo lộ trình xây dựng hệ thống Galileo thì sẽ có tất cả 24 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo. Sáu vệ tinh dự phòng dự kiến sẽ gia nhập hệ thống vào năm 2020. Khi ấy hệ thống định vị Galileo sẽ hoạt động đầy đủ.
Được biết, chương trình Galileo trị giá 5,4 tỉ euro (7,2 tỉ USD) khi hoàn thành sẽ giúp châu Âu độc lập trong việc triển khai các ứng dụng định vị toàn cầu của mình, không còn phải phụ thuộc vào Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS).
Ngoài châu Âu, Nga và Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống định vị riêng cho mình, lần lượt là GlonassBắc Đẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.