Bí mật 20 triệu năm dưới lớp băng dày 3,8km

07/02/2012 14:49 GMT+7

Sau hơn 30 năm khoan dò, cuối cùng các nhà khoa học Nga đã tiếp cận được hồ nước ngọt Vostok (tức “Phương Đông”) nằm dưới lớp băng dày 3.768 m ở Nam Cực ngày 5-2 vừa qua.

Sau hơn 30 năm khoan dò, cuối cùng các nhà khoa học Nga đã tiếp cận được hồ nước ngọt Vostok (tức “Phương Đông”) nằm dưới lớp băng dày 3.768 m ở Nam Cực ngày 5.2 vừa qua.

Hồ nước ngọt Phương Đông ở Nam Cực là một trong những phát hiện quan trọng nhất của ngành địa lý hiện đại. Là hệ sinh thái nước ngọt đặc sắc tồn tại độc lập hàng triệu năm so với môi trường và hệ sinh thái trên Trái Đất, hồ nước hoàn toàn tách biệt với loài người. Các điều kiện của hồ thường được mô tả là “ngoài hành tinh”, gợi liên tưởng đến các hồ nước trên mặt trăng Europa của sao Mộc.

 
Trạm nghiên cứu Phương Đông của Nga ở Nam Cực - Ảnh: physorg.com

Như vậy, câu hỏi then chốt là liệu nó có thể nuôi dưỡng sự sống hay không? Nếu phát hiện ra các vi khuẩn nguyên thủy hoặc những cấu trúc sự sống phức tạp hơn trong hồ, nhiều khả năng đây sẽ là cánh cửa mở về thời cổ xưa của hành tinh chúng ta. Còn nếu hệ sinh thái đặc biệt này “tẩy chay” mọi sự sống, các nhà khoa học cũng có cơ hội thử nghiệm các giả thuyết của họ về việc tìm kiếm sự sống trên vũ trụ.
 
Việc nghiên cứu hồ nước ngọt này cũng đóng vai trò rất quan trọng để lập ra bản đồ thay đổi khí hậu tự nhiên trong hàng thế kỉ tới.
 
Các nhà khoa học Nga bắt đầu khoan thăm dò tại trạm nghiên cứu khoa học Phương Đông ở Nam Cực từ những năm 1970 trong điều kiện nhiệt độ bình quân khoảng -66 độ C, thậm chí xuống đến -82 độ C vào ngày 21.7.1983.
 
Năm 1996, với sự hỗ trợ của Anh, Nga phát hiện ra hồ nước ngọt thuộc diện lớn nhất thế giới này. Xét về diện tích, nó tương đương hồ Ontario ở Canada.
 
Năm 1998, khi các nhà khoa học xác định còn khoảng 130 m băng nữa là có thể tiếp cận hồ nước, công việc khoan dò phải tạm ngừng để tìm ra công nghệ đặc biệt nhằm hạn chế sự ô nhiễm ở mức thấp nhất.

 
Mặt cắt mô tả hồ Phương Đông dưới lớp băng dày gần 4 km - Ảnh: earth.columbia.edu

Sau khi Học viện Địa chất St-Petersburg chế tạo thành công công nghệ này vào năm 2003, các đoàn thám hiểm Nam Cực của Nga đã nối lại hoạt động từ năm 2005.
 
Điều đáng lưu ý là nhà khoa học định vị được hồ nước đã qua đời chỉ 6 tháng trước khoảnh khắc chạm được vào bề mặt hồ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.