Khiêu vũ trong công viên

16/05/2007 08:55 GMT+7

6 giờ sáng, nắng mới lên trong vắt, lớp học khiêu vũ thể thao (dance sport) "mở cửa" trên một khu đất rộng nằm giữa công viên Thống Nhất (Hà Nội). Hơn chục đôi nhảy đủ mọi lứa tuổi, đang hoà mình với những động tác trong tiếng nhạc sôi động.

Khiêu vũ thể thao có gì khác so với khiêu vũ cổ điển? Cô Thư, Vũ sư của lớp học, tiết lộ: "Khiêu vũ cổ điển đơn giản hơn nhiều. Dance sport phải dùng tốc độ nhanh, mạnh, khỏe, sức bật tốt và thao tác nhiều ngôn ngữ cơ thể hơn". Không học bài bản, không thể theo được dance sport. Nhịp này "đi" thế này, phách kia lại đảo kiểu khác. Cô Thư mở lớp hơn một năm, đến cả trăm học viên đã tham dự lớp học nhảy giữa thiên nhiên này. Không khí tập không chê vào đâu được. Hai loa thùng đặt giữa không gian thoáng đãng của cây và mặt hồ xanh ngắt, từng bước nhảy của học viên được thành hình theo tiếng cô Thư lanh lảnh hô nhịp.

Cô Thư say mê miêu tả: "Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, dance sport mang lại cho mỗi người sự nhạy cảm về âm nhạc, sự kết nối tinh tế bằng ngôn ngữ của cơ thể, của ánh mắt, của tâm hồn". Điều đặc biệt là nhiều học viên khi kết thúc cả hai khóa cơ bản và nâng cao vẫn tiếp tục theo lớp, vì họ đã coi khiêu vũ như thói quen tập thể dục buổi sáng. Bác Dũng được coi là "lão làng", tham gia lớp từ ngày thành lập. 75 tuổi mà da dẻ căng hồng, vận động nhanh nhẹn, lưng thẳng tắp. Ngắm dáng vẻ "vượt thời gian" này, không ai đoán được nhiều năm bác mắc bệnh cao huyết áp và thuộc ngưỡng béo phì độ nhẹ. Tập luyện được nửa năm, bác sĩ khám sức khỏe định kỳ ngỡ ngàng khi thông báo huyết áp của bác đã trở lại bình thường, cân nặng giảm 8 kg.

Tại lớp học dance sport ở công viên, không hiếm "vũ công" là cán bộ, công chức đi làm hành chính. Họ thường kết thúc sớm bài tập khi mới hơn bảy giờ để kịp đến công sở. "Chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi tham gia các buổi tiệc với đối tác mà bạn biết khiêu vũ. Bạn dễ dàng hòa nhập vào đám đông và kết nối với tất cả mọi người bằng kênh truyền thông hoàn toàn khác biệt và hiệu quả", chị Vân Anh (chuyên viên Bộ Tư pháp) thổ lộ mục đích của mình khi mỗi sáng hồ hởi xỏ đôi xăng đan chuyên dụng, đi xe máy 3km tới công viên Thống Nhất. Chị kể, ngày mới học nhảy, chồng chị dù tuổi chưa đến bốn mươi và đã có tới 5 năm du học nước ngoài vẫn hậm hực, có ý ngăn cản sở thích của vợ. Thuyết phục mãi, chị nghĩ chỉ có một cách là rủ anh đi học cùng. Chứng kiến lớp học giữa "thanh thiên, bạch nhật", hiệu quả và lành mạnh, anh chẳng còn lý do gì từ chối chị.

Nhỏ xinh nhất lớp là cô sinh viên Chi Linh (ĐH Giao thông vận tải), dáng cân đối, thanh thoát, cười thật tươi: "Vừa học, vừa làm thêm bận bù đầu nhưng em cố gắng ít nhất một tuần ba buổi thư giãn với dance sport. Hòa mình trong tiếng nhạc dịu êm của tango, boston hay bốc lửa cùng vũ điệu samba, mambo chính là cách thức giảm stress tuyệt vời!".

Chi Linh nhận xét thêm: "Phải công nhận một điều là khiêu vũ ngoài trời không khí cực phấn khích và thích thú". Những dòng xe ồn ào, náo nhiệt bên ngoài cánh cổng kia không thể thắng được những thanh âm của lớp học này. m nhạc khiến lòng người thanh thản, và "dancing" còn khiến người ta thư giãn hơn rất nhiều. Chỉ tiếc một điều, sàn nhảy rộng lớn giữa bốn bề lộng gió này không thể "mở cửa" khi trời mưa dù các "vũ công" có nhớ nhạc điệu đến mấy.

Phương Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.