Khi tai nghễnh ngãng

28/02/2016 18:41 GMT+7

Tuổi cao, sức khỏe hư hao, tai nghễnh ngãng nghe câu được câu chăng, phải làm sao bây giờ?

Tuổi cao, sức khỏe hư hao, tai nghễnh ngãng nghe câu được câu chăng, phải làm sao bây giờ?

Điếc là tình trạng bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, do sự lão hóa dẫn đến giảm thính và điếc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 40% người sau 65 tuổi bị giảm thính lực do bộ phận dẫn truyền âm thanh ở tai trong bị thoái hóa hoặc do bộ phận thần kinh dẫn tín hiệu nghe lên não bị ảnh hưởng trong quá trình lão hóa.
Tại sao bị điếc ?
Theo bác sĩ CKI Lữ Thị Hoàng Oanh - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin - điếc là hiện tượng sinh lý đối với người cao tuổi.
Sự lão hóa của bộ máy thính giác là do sự thoái hóa tế bào cơ quan corti, đồng thời các sợi hạch và đường dẫn truyền thần kinh cùng teo đi. Thể loại điếc ở người già là điếc tiếp nhận đơn thuần, không kèm chóng mặt, nếu có ù tai cũng nhẹ từ 50 tuổi trở đi.
Bên cạnh nguyên nhân lão hóa, hiện tượng giảm thính (hearing loss) cũng xuất hiện khi có những tổn thương, dị tật ở cơ quan thính giác. Chẳng hạn như tai ngoài bị dị dạng vành tai, ống tai, tổn thương do ngoại vật tác động (nút ráy tai); tai giữa thường có các hiện tượng tắc vòi nhĩ, viêm tai giữa; viêm mê nhĩ ở tai trong.
Khi tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn, tai bạn cũng có thể bị tổn thương dẫn tới giảm thính. Một số người thường xuyên làm việc trong điều kiện áp lực quá cao hoặc có sự thay đổi đột ngột thường xuyên của áp suất môi trường (như phi công, thợ lặn, nhà leo núi…) cũng đối mặt với hiện tượng giảm thính. Ngoài ra, một số bệnh cũng gây nên biến chứng loạn dưỡng mê nhĩ, làm rối loạn cấu trúc xương của mê nhĩ, gây ra hiện tượng giảm thính hoặc mất hẳn thính lực.
Làm sao biết mình điếc ?
Có một câu hỏi được đặt ra ở đây, đó là làm sao để nhận thức được rằng bản thân hoặc một người nào đó đang mắc chứng giảm thính hoặc điếc. Câu trả lời tưởng chừng như đơn giản: khi không nghe rõ các âm thanh bình thường thì đó là lúc bị chứng nghễnh ngãng hành hạ chứ còn gì nữa!
Thực ra, theo bác sĩ Hoàng Oanh, có một số biểu hiện đặc trưng ở những người bị giảm thính. Các biểu hiện gồm: hay phàn nàn mọi người nói chuyện nhỏ, nghe chỉ được một phần cuộc nói chuyện; thường xuyên yêu cầu nhắc lại; người thân bảo bạn nghe không tốt; mở ti vi, tiếng reo điện thoại to mà vẫn không nghe rõ; không nghe tiếng mở cửa, hoặc tiếng reo điện thoại; thường nói to ở chỗ đông người; không cười trong các câu chuyện đùa vì bạn không nghe hết, không hiểu hết ý nghĩa câu đùa.
Khi thấy bản thân hoặc người khác có một vài biểu hiện như trên, thì cách tốt nhất là nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa.
Bị điếc phải làm sao ?
Điếc có nhiều mức độ khác nhau như: điếc nhẹ, điếc trung bình, điếc nặng và điếc sâu. Một số bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện thính lực nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nếu chia theo cấu tạo giải phẫu và chức năng tai, điếc phân làm 3 loại: điếc dẫn truyền, điếc tiếp nhận, điếc hỗn hợp.
Điếc dẫn truyền thường do hậu quả của viêm tai ngoài và tai giữa. Khi đó, hệ thống dẫn truyền âm thanh (vành tai, ống tai, màng nhĩ và các xương con) bị tổn thương nên không làm tròn chức năng dẫn truyền âm thanh từ ngoài vào.
Thể điếc này thường xảy ra tạm thời ở mức độ điếc nhẹ hoặc vừa. Điếc tiếp nhận (hay điếc thần kinh) là tình trạng các bộ phận dẫn truyền hoạt động bình thường nhưng tai trong bị tổn thương, dẫn đến âm thanh truyền đến tai không được tiếp nhận và truyền tín hiệu lên não. Ở thể điếc này, người bệnh bị điếc nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể bị điếc hoàn toàn. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, những người phải làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn. Điếc tiếp nhận còn xuất hiện do các loại vi khuẩn, vi rút gây nên hoặc người bệnh lạm dụng một số thuốc. Điếc hỗn hợp mang đặc điểm của cả hai thể trên, bao gồm tổn thương ở tai ngoài, tai giữa và tai trong. Khởi đầu của điếc thường xuất hiện ù tai, tiếng kêu giống như tiếng dế, còi rít hoặc chuông ngân. Người bệnh có thể gặp hiện tượng chóng mặt.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng thể bệnh để có cách xử trí phù hợp, theo bác sĩ Hoàng Oanh. Với những người bị điếc dẫn truyền do viêm tai, phương pháp chỉ định phổ biến là dùng thuốc, làm sạch tai để tránh viêm nhiễm. Cũng có thể phẫu thuật để thay thế bằng thiết bị nhân tạo có khả năng dẫn truyền âm thanh. Với người bị điếc tiếp nhận, việc sử dụng máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh rất phổ biến. Trong trường hợp người bệnh không thích nghi được với loại máy này, bác sĩ có thể thực hiện cấy ghép ốc tai điện tử nhưng chi phí khá cao.
Nói tóm lại, mỗi phương pháp điều trị đều có ưu và nhược điểm riêng. Việc dùng thuốc thường có chi phí thấp, không can thiệp nhiều vào hoạt động hằng ngày của bệnh nhân, và thường giúp cải thiện tình trạng bệnh đối với trường hợp điếc nhẹ. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, tác dụng phụ luôn tiềm ẩn. Phẫu thuật thường mang lại hiệu quả cao hơn, nhưng chi phí cao.
Lão hóa chức năng thính giác rất phổ biến ở người già, các phương pháp xử trí thông thường chỉ nhằm cải thiện khả năng nghe chứ khó mà khôi phục hoàn toàn. Đối với người trẻ, để tránh “bị điếc trước tuổi”, cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tránh nơi ồn ào, tránh áp lực căng thẳng, tránh các hoạt động ở nơi có áp suất lớn là những khuyến cáo của bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.