Khi nào cự cãi bị coi là chống người thi hành công vụ?

11/05/2021 08:16 GMT+7

Hôm qua, mạng xã hội “dậy sóng” bởi clip CSGT TP.HCM còng tay tài xế chạy siêu xe Ferrari vì người này có nhiều lời lẽ lăng mạ, xúc phạm CSGT khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ.

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), khuya 9.5, tổ công tác 363 do đại úy Hoàng Thành Luân, Phó trưởng trạm CSGT Đa Phước (thuộc PC08), làm tổ trưởng phát hiện siêu xe Ferrari không gắn biển số trước ở đường Dương Bá Trạc (Q.8) nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. PC08 thông tin sau khi CSGT báo lỗi vi phạm, tài xế không xuất trình giấy tờ mà còn có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm CSGT. Do đó, CSGT đã khống chế tài xế, báo cho Công an P.1, Q.8 hỗ trợ, lập biên bản các lỗi: “Điều khiển xe không gắn biển số”, “Không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” theo NĐ100/2019.

Xôn xao video tài xế lái siêu xe Ferrari bị CSGT còng tay khống chế ở Sài Gòn

Bài học cho những người tham gia giao thông

Cuối tháng 8.2020, CSGT Bến Thành đã dừng ô tô báo lỗi vi phạm trên đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng 2 người đi trên xe liên tục chửi bới, văng tục, hất bụng, chạm tay vào người CSGT với vẻ thách thức, dù có người dân can ngăn. Sau đó, Công an Q.1 phạt mỗi người 2,5 triệu đồng vì hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Người dân hiếu kỳ theo dõi sự việc

Người dân hiếu kỳ theo dõi sự việc

Theo luật sư Phan Hòa Nhựt (Hãng luật Lê Trung Phát), cả 2 trường hợp trên, người vi phạm đều có biểu hiện không bình tĩnh, dùng những lời lẽ thô tục và có thái độ cản trở, không hợp tác với CSGT đang làm nhiệm vụ. Luật sư Nhựt phân tích cự cãi với CSGT và chống người thi hành công vụ có ranh giới rất mong manh. Khi không đồng ý với ý kiến của CSGT, người dân nên bình tĩnh trình bày quan điểm của mình, không dùng lời lẽ thô tục, xúc phạm đến lực lượng đang làm nhiệm vụ…
Hành vi này có thể bị phạt lỗi: không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc cản trở người thi hành công vụ (tùy mức độ). Trường hợp cự cãi không giữ được bình tĩnh, có thêm những hành vi như: sử dụng vũ lực để chống đối, đánh, đá gây tổn hại đến sức khỏe, xé quần áo hoặc ngồi cản trước đầu xe vi phạm khi xe bị cẩu về, thì người dân có thể bị khởi tố vụ án hình sự vì “chống người thi hành công vụ”.
“Đây cũng là bài học cho những người tham gia giao thông khác. Chúng ta thật bình tĩnh để giải quyết sự việc, tránh manh động bằng bạo lực, bằng hành vi gây cản trở, để không tự biến mình vào các vi phạm khác. Nếu không đồng tình với biên bản xử phạt của CSGT người dân vẫn còn quyền khiếu nại hoặc khởi kiện”, luật sư Nhựt nêu ý kiến.

Khi nào CSGT được còng tay người vi phạm?

Theo luật sư Nhựt, điều 8, Thông tư 65/2020 của Bộ Công an về “quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ” quy định quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát nêu: “CSGT được dừng các phương tiện, kiểm soát người và các phương tiện tham gia giao thông… được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi khác; được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ”. Điều 11 của thông tư này cũng quy định rõ trang phục, vũ khí, công cụ hỗ trợ mà lực lượng CSGT được trang bị là: khóa số 8, súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện…
Lãnh đạo PC08 cũng cho biết còng tay (khóa số 8) là một trong các công cụ hỗ trợ mà CSGT được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy…
“Theo điều 61 của luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, người được giao công cụ hỗ trợ được sử dụng trong 4 trường hợp trong đó có: ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ… và phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo PC08 chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.