Khi đàn ông 'vượt cạn'

30/12/2017 09:32 GMT+7

Một chút hồi hộp, sợ sệt, lẫn rưng rưng khi tận mắt nhìn con chui ra từ bụng vợ, tận tai nghe con khóc tiếng đầu tiên khi chào đời là cảm giác của nhiều ông bố khi quyết định theo vợ vào phòng sinh.

Như sắp vào...trận chiến
Chứng kiến từng cơn đau, từng hơi rặn khó nhọc của vợ, tôi thấy mình biết ơn em và tự hứa sẽ “ngoan” hơn
Anh Nguyễn Thế Tài
20 giờ 30 ngày 22.12, tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ (Q.1, TP.HCM), một sản phụ đăng ký dịch vụ sinh gia đình (SGĐ), tử cung đã mở được 4 phân, đủ điều kiện để chuyển vào phòng sinh.
Lúc này, anh V. đã ngồi cạnh nắm chặt tay vợ, mắt nhìn vợ cố tỏ ra bình thản. Tuy nhiên, tôi biết anh đang run vì trước đó anh có tâm sự: “Từ lúc vợ đau đẻ, chân tay tôi cứ lạnh đi vì sợ. Lâu lâu lại phải xoa tay để lỡ cầm tay, vợ không biết mình run mà mất tinh thần”.
Một mình anh đưa vợ đi đẻ vì ba mẹ đều ở quê. Thương vợ có bầu lần đầu, tính lại nhát nên anh đăng ký SGĐ để vào phòng sinh động viên chị.
Trong khi chị vợ vừa khóc vừa la, còn các nữ hộ sinh liên tục hướng dẫn: “Hít thở sâu, rặn đúng 3 hơi. Ráng lên...”, anh chồng vẫn không nói lời nào nhưng đôi tay không còn đặt hờ lên vai vợ như lúc đầu mà lực ghì đã mạnh hơn. Một chiếc dép đã văng khỏi chân từ lúc nào mà anh không biết.
Chị vợ mệt mỏi nhìn chồng, chảy nước mắt và... lắc đầu. Như hiểu ý, anh bặm môi gật đầu một cái, đưa tay vuốt má vợ rồi thì thầm vài câu vào tai chị. Không biết anh nói gì nhưng chị có vẻ khá hơn, hơi rặn dài và đều. Hơn một giờ sau, không khí căng thẳng của phòng sinh được phá tan bằng tiếng khóc oe oe của trẻ. Nghe bác sĩ thông báo em bé nặng 3,8 kg và hoàn toàn khỏe mạnh, nét thanh thản hiện rõ trên khuôn mặt hai vợ chồng. Anh và vợ cùng nhìn con, nở nụ cười hạnh phúc.
Không chỉ những ông chồng lần đầu theo vợ vào phòng sinh mới lo lắng mà cả những người “có kinh nghiệm” vẫn sốt ruột như thường. Nguyễn Duy Bính (34 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), người có “thâm niên” ba lần theo vợ vượt cạn, bồi hồi kể lại lần chuyển dạ thứ nhất kéo dài hơn 20 giờ của vợ anh. Dù phòng có máy lạnh nhưng chị vã mồ hôi, gồng mình chịu đau, thỉnh thoảng lại ré lên: “Chồng ơi, em muốn đẻ”, “Lần này thôi, lần sau không đẻ nữa đâu!”. Anh Bính chỉ biết đứng nhìn, nắm tay vợ, thỉnh thoảng lại hôn vợ trấn an. Những cơn gò tử cung đã làm chị gần như kiệt sức, vật vã.
Anh Bính kể, lúc đó bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi (hiện là Phó giám đốc BV Từ Dũ) thấy bất thường vì đứa trẻ cứ “thụt thò”, bà kêu chị lấy sức rặn một hơi dài. Khi đầu bé trồi ra, bà nhanh tay tháo dây rốn đang quấn quanh cổ bé. Hai mẹ con vượt cạn thành công. Chị kiệt sức thừ ra, chân duỗi thẳng, vết thương bên dưới vẫn đang rỉ máu. Dồn hết năng lượng còn lại, chị ngẩng đầu lên nhìn đứa con rồi nhìn chồng bảo: “Con giống anh!”. Anh hôn và khen: “Vợ giỏi quá”.
“Ba lần vào phòng sinh với vợ, lần nào tôi cũng có cảm giác hồi hộp như sắp vào trận chiến”, anh Bính chia sẻ.
“Ngoan” hơn sau khi theo vợ đẻ
Tại phòng hậu sản, dù còn yếu, chị Phạm Trần Minh Trang (30 tuổi, TP.HCM) vẫn gắng tựa vai chồng là anh Nguyễn Thế Tài (30 tuổi, TP.HCM), kể lại cảm giác vừa trải qua. Lần đầu sinh con nên chị rất sợ, vào phòng sinh cứ bấu chặt tay chồng. Trong những cơn đau cuồn cuộn, bác sĩ bảo rặn 3 hơi nhưng cứ tới hơi thứ 2 là chị thấy đuối và muốn bỏ cuộc. Cho tới khi nghe chồng bảo: “Vợ ơi, anh đã thấy đầu con. Sắp ra rồi, ráng lên vợ ơi!”, tự nhiên chị thấy sức lực tăng lên, cố hít hơi thật sâu để rặn tiếp. Nhờ vậy mà xong, em bé ra đời an toàn.
Trong lúc chồng hỏi han bác sĩ về tình trạng đứa bé, chị Trang nhìn anh âu yếm rồi kể: “Vừa rời phòng sinh, anh ghé tai tôi bảo: Lúc thấy đầu con mà em đuối sức không rặn được, anh suýt khóc mà ráng kìm lại. Tôi hỏi anh tại sao, anh trả lời: Anh mà khóc thì ai cổ vũ em. Trong lúc em đau đớn, yếu đuối nhất mà anh không mạnh mẽ thì không ổn. Thế nên anh cố nén để em an tâm đẻ”.
Chị Trang cho biết, trước khi sinh, nhiều bạn bè khuyên chị đừng đăng ký SGĐ vì khi nhìn vợ sinh, chồng sẽ bị ám ảnh và sợ không dám gần vợ. Chưa kể theo phong thủy, đàn ông chứng kiến chuyện sinh đẻ sẽ gặp xui xẻo, sự nghiệp không thuận lợi (?). “Tuy nhiên, tôi vẫn để chồng vào cùng và kết quả là tôi thấy mình không đơn độc. Tôi thấy hạnh phúc khi vừa đón một thiên thần chào đời và nhận ra mình có một ông chồng cực kỳ... cưng vợ”, chị Trang cười sung sướng.
Về phần mình, sau cuộc vượt cạn cùng vợ, anh Tài thay đổi hẳn. Nếu trước đây dù đặt ba cái đồng hồ báo thức anh cũng không chịu dậy thì đêm qua anh thức trắng. Cứ hai tiếng anh lại cho con bú sữa bình một lần, bú xong lại cho con “ị”. Lúc con sặc sữa, anh kiên nhẫn bế cho tới khi “trớ” sữa xong mới đặt bé xuống giường. Khi cô hộ lý rửa phần dưới cho vợ, dù họ đã giải thích là không đau nhưng chốc chốc anh lại nghía qua để xem vợ có nhăn nhó không...
“Chứng kiến từng cơn đau, từng hơi rặn khó nhọc của vợ, tôi thấy mình biết ơn em và tự hứa sẽ “ngoan” hơn”, anh Tài chia sẻ.
Bà đẻ ít chửi hơn khi có chồng bên cạnh
Chứng kiến hàng trăm ca vượt cạn mỗi ngày, bà Phạm Diễm Kiều, nữ hộ sinh BV Từ Dũ, TP.HCM, cho biết có ông chồng thấy vợ đau quá không chịu được nhất quyết đòi đưa vợ đi mổ. Có ông từ khi bước vào phòng đã ngoảnh mặt vào tường không dám nhìn vợ cho đến lúc con họ chào đời. Có ông vì sợ máu, yếu tim nên tham gia được nửa ca sinh đã tái mét mặt mày và phải đưa mẹ vào thay.
“Ở phòng sinh thường, điều chúng tôi nghe nhiều nhất là sản phụ… chửi chồng. Tuy nhiên ở phòng SGĐ điều đó hầu như rất ít bởi có chồng bên cạnh, sản phụ cảm thấy được chia sẻ nên “hiền” hơn”, chị kể.
Không khác so với sinh thường
Dịch vụ SGĐ khá phát triển ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở VN chuyện này chưa phổ biến. Tại BV Từ Dũ, mỗi ngày chỉ khoảng 10 ca tham gia dịch vụ này trên tổng số hơn 200 ca sinh. Theo bác sĩ Điền Đức Thiện Minh (Trưởng khoa Sản, BV Từ Dũ), về mặt kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho sản phụ thì sinh thường và sinh tại phòng SGĐ hoàn toàn không khác nhau. Có khác chăng là cảm giác của sản phụ an tâm hơn khi chồng, người thân vào cùng. Ngoài ra, cơ sở vật chất và dịch vụ như máy lạnh, phòng riêng tư cũng thuận tiện hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.