Khẩn trương cứu nguy vịnh đẹp Lăng Cô

11/11/2016 13:32 GMT+7

Vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) một trong những vịnh đẹp của thế giới đang bị nạn bồi lắng, sạt lở đe dọa.

Trong những ngày qua (7 – 10.11), hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ thuộc Đại đội cơ động (C1) và Đồn biên phòng Lăng Cô thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng dân quân TT.Lăng Cô, H. Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khẩn trương gia cố, chống sạt lở một phần của Vịnh Lăng Cô.

tin liên quan

Sạt lở đất chôn vùi trại nuôi heo
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Hàng trăm mét khối đất vùi lấp toàn bộ trại nuôi heo của gia đình bà Phạm Thị Thanh Bình (ngụ tổ 19, P.4, Đà Lạt).

Đã có gần 200m bờ biển đoạn cửa biển Lăng Cô bị sạt lở. Đây cũng là một phần eo vịnh thường thấy ở góc máy của các nhà nhiếp ảnh đứng ở lưng chừng bắc chân đèo Hải Vân “phóng” về.

Điểm sạt lở vào sát một số công trình nhà ở, trụ sở bộ đội biên phòng – Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Không chỉ đe dọa cảnh quan, nguy nan hơn nạn sạt lở đã và đang đe dọa đến hàng chục hộ dân ở tổ dân phố An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô và Trạm kiểm soát biên phòng Lăng Cô khi vùng sạt lở chỉ còn cách nhà dân và trạm chừng 10 - 20m.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra, chỉ đạo xử lý nạn bồi lắng, sạt lở vùng cửa biển Lăng Cô – Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hùng cho biết, đây là giải pháp khẩn cấp và UBND tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng thực hiện. Giải pháp trước mắt là dùng rọ đá, bao cát đất, vải lọc… gia cố bờ biển bị sạt lở.

Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân được huy động gia cố bờ biển bị sạt lở trong 3 ngày qua – Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Người dân ở tổ dân phố An Cư Đông 2 cho hay, tình trạng sạt lở bờ biển bắt đầu diễn biến xấu sau những đợt mưa lũ trong thời gian gần đây. Cùng với nạn sạt lở là tình trạng bồi lắng làm hẹp dòng chảy ở cửa biển cũng đã xảy ra. 

Sạt lở uy hiếp nhà dân ở An Cư Đông 2, Lăng Cô – Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Theo ông Lê Văn Thọ, ngư dân ở An Cư Đông 2 đoạn gần cầu Lăng Cô, tình trạng bồi lấp khu vực cửa biển và sạt lở mỗi năm một nặng nề khi cách nay nhiều năm đơn vị thi công xây dựng cầu mới Lăng Cô (dẫn từ hầm đường bộ Lăng Cô ra QL1) đổ một lượng đất, đá khổng lồ lên vùng cửa biển nhưng hoàn trả mặt bằng không hợp lý khiến dòng chảy bị thay đổi.

Cụ thể, vùng bị sạt lở và bồi lắng hiện nay nằm ở cửa biển – nơi nguồn nước từ đầm Lăng Cô (còn gọi là Lập An) đổ ra biển. Khi thủy triều dâng hay hạ một khi dòng nước bị chặn thì nó sẽ tự tìm hướng để thoát. 

Một phần vịnh đẹp Lăng Cô đang biến dạng vì bồi lắng - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

“Nhiều năm trước Công ty cầu Thăng Long thi công cầu mới Lăng Cô đã đổ một lượng đất và đá khổng lồ từ hầm ra để các phương tiện vận chuyển vật liệu, thiết bị làm cầu. Sau khi hoàn thành cầu, để trả lại mặt bằng thay vì múc khối lượng lớn đất đá đó đi thì đơn vị thi công lại san khỏa xuống đầm khiến lượng đất đá bị ứ lại, bồi lắng. Khi dòng chảy qua khu vực này bị cản thì nó phải phá hướng đối diện để chảy. Đây là nguyên nhân làm cho khu vực bờ biển ở An Cư Đông bị bồi lắng và sạt lở ngày càng nặng” – ông Thọ nói. 

Anh Trần Đình Hùng, Tổ dân phố An Cư Đông 2 mô phỏng bức tường thành của Đồn biên phòng Lăng Cô bị sóng biển đánh sập nay rào lại bằng thép – Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Được Câu lạc bộ Vinh đẹp thế giới (Worldbays Club) công nhận vào năm 2009, vịnh đẹp Lăng Cô ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước về vẻ quyến rũ của mình.

Bên cạnh vấn đề dân sinh, chính quyền thị trấn Lăng Cô cũng đang lo lắng tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến cảnh quang nơi đây, khi mà vùng cửa biển đang bị biến dạng, thay đổi dòng chảy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.