Khai sinh trực tuyến, cấp mã số định danh cho trẻ em

10/11/2016 10:10 GMT+7

TP.HCM đang triển khai nhiều đề án cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo quy định mới của luật Hộ tịch có hiệu lực năm 2016, nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đơn giản cho người dân.

Từ cuối năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và H.Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Đến nay, hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 trường hợp và cấp số định danh cho cá nhân 130.487 trường hợp đăng ký khai sinh mới.
Riêng tại TP.HCM, tất cả 322 xã, phường, thị trấn đã đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cho hơn 77.000 trường hợp. Theo bà Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP, luật Hộ tịch mới yêu cầu việc đăng ký khai sinh phải được cập nhật dữ liệu trên toàn quốc.
“Sau này, người dân có thể đến bất cứ địa phương nào trên cả nước trích lục khai sinh và làm các loại giấy tờ chứ không cần phải về nơi cư trú nữa”, bà Minh nói.
Từ tháng 11.2016, TP.HCM và một số địa phương triển khai đăng ký cấp khai sinh và cấp luôn mã số công dân (số định danh). Theo đó, khi đăng ký khai sinh, cơ quan công an sẽ cấp số định danh và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Mỗi trẻ sẽ được cấp một mã số riêng và chỉ với mã số này, công dân sẽ sử dụng để mua bảo hiểm y tế, khi đủ tuổi thì cũng sử dụng mã số này để làm thẻ căn cước, thậm chí sử dụng để làm mã số thuế cá nhân...
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đang triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trong phạm vi toàn quốc trên cơ sở ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước. Cơ sở này có khả năng kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cho các ngành.
Từ đó, nhà nước sẽ thực hiện quản lý trực tuyến đối với cư dân như tạm trú, tạm vắng, thậm chí có thể tiến tới xóa bỏ hộ khẩu. “Tất cả các ngành về hộ tịch, dân số, thống kê, thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... đều có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu này để thực hiện công việc của mình chứ không phải yêu cầu người dân phải tự xác thực và cung cấp thông tin như trước nay đã làm”, bà Minh cho biết.
Kết hôn với người nước ngoài: Không lo phỏng vấn
Việc chuyển giao thẩm quyền cấp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài về cấp quận, huyện là một bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính tư pháp.
Theo quy định trước đây, khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài thì người dân phải đến Sở Tư pháp làm thủ tục đăng ký, thời gian giải quyết thủ tục là 25 ngày. Trong đó, các đôi đăng ký kết hôn phải trải qua thủ tục nhiêu khê là phỏng vấn. Tuy nhiên, thủ tục này hiện nay rất đơn giản, các bên chỉ cần nộp đầy đủ hồ sơ như: CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của hai bên (hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn đối với người nước ngoài); Giấy khám sức khỏe... đến Phòng Tư pháp cấp quận, huyện và làm tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu).
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp quận, huyện sẽ mời hai bên lên và một lần nữa hỏi các bên có thuận tình kết hôn hay không. Nếu các bên đồng thuận thì chủ tịch UBND sẽ trao giấy chứng nhận kết hôn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.