[VIDEO] Nữ phượt thủ bị nước cuốn trôi ở Tà Năng: 'Ngủ ngon nhé chị Quân ơi!'

10/10/2017 09:08 GMT+7

** VIDEO có nội dung nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem Đó là chuyến đi cuối cùng của Nguyễn Việt Tuyết Quân, cô gái 8X quê Đồng Nai. Đây là chuyến đi mà Quân chờ đợi và chuẩn bị suốt 1 năm với đầy sự háo hức để rồi cũng đẫm nước mắt khi Quân bị dòng nước dữ tợn cuốn đi.

Chúng tôi khởi hành vào tối ngày 5.10 tại TP.HCM để đến với Tà Năng bằng tất cả sự háo hức, mong chờ bởi những hình ảnh và bài viết trên mạng về "cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam".
Video: Cô gái bị lũ cuốn trôi trên đường phượt Tà Năng

tin liên quan

Cô giáo xinh đẹp mất tích bí ẩn khi đi phượt

Cô giáo trẻ người Trung Quốc Ngụy Thu Nguyệt đã mất tích bí ẩn khi đi phượt một mình đến Nhật Bản. Một tuần trôi qua nhưng vẫn chưa thấy tung tích gì. Cảnh sát Nhật đã mở cuộc điều tra về vụ mất tích này.

Háo hức
Đoàn có tất cả 15 người, đa phần là người trẻ sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Hành trình của chúng tôi kéo dài 3 ngày 2 đêm với độ dài quãng đường phải đi bộ lên đến 55 km. Quãng đường dài đồng nghĩa với việc thử thách sẽ cao hơn, số lượng dốc và suối nhiều hơn.

Theo kế hoạch, ngày đầu tiên chúng tôi sẽ vượt cung đường khoảng 15 km, địa hình chủ yếu là đồi núi. Điểm đến ấn tượng nhất trong ngày là ngã ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận, nơi đặt cột mốc đánh dấu độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển, mỗi khi ánh mặt trời chiếu qua, mũi chóp kim loại rực sáng, lấp lánh như một ngôi sao mà bất kỳ ai cũng muốn chạm tới.
Ai cũng mong muốn 1 lần được chạm vào cột mốc 3 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận cao hơn 1.700 mét khi trekking qua cung đường Tà Năng - Phan Dũng

Đêm đầu tiên cắm trại trên đỉnh đồi Tà Năng thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Nơi chúng tôi dựng trại là một mảnh đất khá bằng phẳng, cách mũi chóp ngã ba tỉnh không xa. Tại đây, toàn bộ khung cảnh núi non hùng vĩ hiện lên trước mắt, mây bay tà tà đỉnh núi, ánh mặt trời chen ngang rót xuống quả đồi những vệt nắng vàng đượm. Đứng giữa lòng đất trời, chúng tôi quên hẳn đi xô bồ, bụi bặm của thành phố, lòng ai nấy cũng nhẹ nhàng, an nhiên. 
Hình ảnh trước khi sự cố xảy ra...

Khởi đầu của hành trình chinh phục Tà Năng - Phan Dũng thật sự rất vui vẻ, tôi đã hình dung mình sẽ có một bài viết sinh động và ấn tượng về cung đường phượt đẹp nhất Việt Nam này để gửi về tòa soạn. Facebook cá nhân chắc hẳn sẽ ngập tràn hình ảnh về chuyến đi không thể tuyệt hơn, cho đến khi sự cố xảy ra vào ngày thứ 2 của hành trình, khi mọi thứ đều không hề đơn giản như những gì chúng tôi nghĩ...

Trước lúc lên đường, Nô - một porter (người vác đồ kiêm dẫn đường) cảnh báo: quãng đường hôm nay có mức độ khó nhất trong ba ngày. Nếu chúng tôi không đảm bảo thời gian di chuyển, nước suối sẽ lên cao vào khoảng 3 giờ chiều và cả đoàn sẽ không thể đến điểm tập kết thứ 2 theo kế hoạch. Nghĩ đến cuộc vui của đêm đầu tiên, ai nấy háo hức lấy tinh thần mong chờ những điều thú vị hơn, hứa hẹn sẽ có trong buổi cắm trại cuối ngày.
Cô gái nhỏ với ước mơ xa...

11 giờ, chúng tôi đến con suối đầu tiên để nghỉ chân ăn trưa, vẫn còn vài người chưa thể đến điểm tập kết. 12 giờ, khi mọi người vừa kết thúc bữa ăn, chúng tôi lập tức nhận được hiệu lệnh lên đường mặc dù cơm còn chưa xuống bụng và cả buổi sáng phải đi đến phồng rộp cả chân.
Trời bắt đầu mưa, đường dốc cao nay thêm phần lầy lội. Các porter nói rằng: "Chúng tôi còn phải vượt qua 7 con suối mới tới điểm tập kết" sau khi đã đi thêm một con suối nữa.

Lũ về và cuốn Quân đi mất
Trước mặt cả đoàn tiếp tục là một con suối khác rộng khoảng 10 mét, nước ngang đầu gối. 5 người đầu tiên đã đi được sang phía bên kia, gần lên được bờ. Khi nhóm chúng tôi vừa bước xuống suối vài bước chân, nước đột ngột chuyển màu đục, một porter liền hô tô: "Cả nhóm khẩn trương lên bờ, lũ về".
Chúng tôi vẫn ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì, vội vàng quay trở lại. Phía bên kia, bốn người vẫn đang dưới dòng nước, những tưởng chỉ cần cố gắng bước thêm vài bước là lên được bờ, lúc ấy tôi rút điện thoại nhằm ghi lại hình ảnh các thành viên vượt suối khó khăn thế nào để thêm vào phóng sự "Hành trình chinh phục Tà Năng, những điều chưa kể", mục đích đầu tiên khi tham gia chuyến đi.
"Không một ai biết rằng những con suối bề ngang chưa đầy 10m, nước chảy nhẹ nhàng trong tích tắc vài giây trở thành một dòng lũ hung tàn...", Phước, một người bạn của tôi viết trên Facebook.
Trong nháy mắt, nước ở thượng nguồn ào ạt đổ về, con suối chỉ ít giây trước đó vẫn còn trong trẻo giờ đục ngầu, sủi bọt trắng xóa. Thoáng chốc, tôi nhận ra bóng người ở phía xa bên phải góc máy, tách biệt hẳn với nhóm 4 người còn lại. Đó là Quân "lớn" (phân biệt với Quân "nhỏ", là bạn nam ít tuổi hơn). "Đi nhanh lên, lên bờ đi"... phía đầu bên này, chúng tôi hô to.
Quân loay hoay nữa dòng nước, khi chị vừa xoay người ném cây gậy lên bờ cũng là khoảnh khắc mà chị loạng choạng, mất đà rồi ngã nhào xuống dòng nước xoáy... Quân chới với níu kéo lại, nhưng dòng nước ngày một xiết, kéo tuột chị đi xa... Porter vội vàng đuổi theo chị trên bờ. Phía bên trên, Quân "nhỏ" ngồi thụp xuống, gào thét gọi Quân "lớn". Không thể ngờ rằng, đó là khoảnh khắc cuối cùng mà chúng tôi nhìn thấy chị, một người bạn mới quen.
Cả đêm hôm đó, nhóm tìm kiếm địa phương chia nhau đi khắp các ngả rừng, con suối để tìm Quân nhưng đều bặt tin, nước suối vẫn cứ ào ào cuộn chảy, bóp nghẹt tim gan người trên bờ. Thác Yavly cách đó không xa, chúng tôi không dám nghĩ những gì sẽ xảy đến...
Quân "nhỏ" cả đêm khóc đến kiệt quệ, đến khi chúng tôi gặp lại, cậu vẫn không kìm nén được cảm xúc. "Ám ảnh quá anh ơi, tất cả hiện ra trước mắt em", cậu nói khi ngồi cạnh những thành viên khác. "Em làm sao sống nổi đây, Quân sợ nước lắm, Quân không biết bơi..."

Lúc đó, chúng tôi vẫn chưa hoàn thành 7 con suối để sang được phía bên kia bờ để kết thúc hành trình băng rừng, đã hơn 10 giờ, nếu không di chuyển nhanh, rất có thể chúng tôi sẽ tiếp tục bị mắc kẹt một ngày nữa ở trong rừng...
Chiều ngày chủ nhật, 8.10, chúng tôi nhận được tin đã tìm thấy thi thể của Quân ở dưới chân thác cùng đồ đạc cá nhân. Ngồi trên bờ, Quân "nhỏ" một lần nữa khóc nghẹn, toàn bộ hy vọng còn sót lại nay tan thành mây khói. 
"Quân ơi, ngủ ngon nhé!"

Đây không phải là lần đầu tiên Quân tham gia một chuyến đi mạo hiểm, trước đó chị từng thử thách bản thân qua nhiều cung đường khác trên cả nước như Fansipan, Nam Cát Tiên hay Núi Bà Đen... nhưng đây là chuyến đi mà chị mong đợi và chuẩn bị lâu nhất.

"Quân nói với mình muốn đi từ tháng 9, nhưng do công việc nên bây giờ mới sắp xếp đi được", Quang Huy, trưởng nhóm chia sẻ.
Quân "nhỏ" (áo trắng) chết lặng trên bờ suối trước khi trở về thành phố Ảnh Lê Nam
Chuyến đi ấp ủ cả năm trời, chuyến đi của tuổi trẻ lại là chuyến đi cuối cùng. Dù sao, chị đã vẽ nên một thanh xuân thật đẹp của riêng mình, chúc chị ngủ ngon...
Anh Trần Xuân Quang, 27 tuổi, người có nhiều năm kinh nghiệm đi rừng cho biết: "Vào mùa lũ, rất khó để người ít đi rừng phát hiện ra khi nào nước suối lên cao bởi mưa lớn thường ở đầu nguồn. Kinh nghiệm cho thấy, mùa mưa ở Tà Năng, nước suối sẽ lên khoảng 15 giờ chiều với dấu hiệu nhận biết là nước chuyển sau màu đục. Nếu thấy hiện tượng này phải lập tức di chuyển lên bờ, không thể chậm trễ".
Hàng chục con suối và dốc dựng đứng trong hành trình chinh phục Tà Năng - Phan Dũng  Ảnh Lê Nam

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng vài năm trở lại đây được nhiều trang mạng du lịch bình chọn là "Cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam" với những hình ảnh đẹp lung linh và choáng ngợp, vì vậy thu hút rất đông sự hiếu kỳ của các bạn trẻ. Anh Quang nói thêm rằng: "Khi đưa lên mạng, hầu hết mọi người đều chọn những hình ảnh đẹp đẽ, còn những thứ khó khăn ít khi mọi người đưa ra. Nếu muốn đi cung đường này, các bạn phải luyện tập thật kỹ, đầu tiên là thể lực, vì có thể lực các bạn mới vác được đồ đạc của mình. Sau đó là kỹ năng sinh tồn, kỹ năng đi rừng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.