Hương vị quê hương: Ngồi buồn nhớ cá chuồn khô

22/05/2021 20:13 GMT+7

Không phải cái buồn nào cũng “bi”. Như chiều nay không dưng ngồi buồn nhớ cá chuồn khô. Đó là cái buồn rất vui khi nhớ về món cá khô đ ậm đà hương vị biển.

Thuyền về bến. Những giỏ cần xé cá chuồn được khiêng lên bãi. Nắng nồng nàn. Gió nồm càng săn. Mùa cá chuồn càng rộ. Bán tươi không hết thì đã có nắng trời “giải cứu”. Hàng trăm, hàng nghìn con cá chuồn được làm sạch ruột rồi căng ra phơi giữa cái nắng đầu hạ chói chang.
Cá chuồn tuy thịt dày nhưng chỉ cần phơi trở vài nắng là cá khô thôi. Bó thành ký để bán cho du khách. Phần còn lại được xếp vào túi ni lông, để tủ lạnh hoặc bỏ vô lu sành đậy kín là có thể “lưu hương” mà sử dụng quanh năm. Người quê sinh sống trên phố về làng bất kể tháng nào cũng “gặp” cá chuồn khô. Có người ví von, cá chuồn khô là món “gọi tên bốn mùa” bởi mùa nào cũng có.
Những ngư dân trẻ chiều chiều muốn bù khú bên nhau thường nói “ngồi buồn nghe nhớ cá chuồn”. Thật ra có xa cách chi đâu mà buồn với nhớ. Họ mở tủ lạnh hoặc lu sành ra “làm” ngay và luôn. Mùi cá chuồn khô được đánh thức. Ban đầu chỉ là thơm “thô” thôi, nhẹ nhàng nhưng cũng rất gợi. Tới chừng dàn cá lên vỉ, đặt trên bếp than hồng đượm thì ôi thôi khỏi nói, cá dậy mùi thơm ngọt ngào, vừa vấn vít vừa lan xa. Vậy mới thành câu: “Ai ơi đầu xóm đang buồn/Nhắn ai cuối xóm nướng cá chuồn cho vui”.
Bạn vừa trở cá cho chín đều, vừa mở máy hú chiến hữu: “A lô! Cá chuồn khô gọi”. Gọn lỏn vậy rồi tắt máy ngay lập tức. Cái kiểu điện thoại ít lời, khá “rị mọ” (có lẽ để khỏi tốn tiền nhiều) như vậy là phổ biến ở làng chài này.
Ban đầu anh em ý kiến: Đã gọi là phải đủ thông tin, vắn tắt vậy biết... chừ mô răng rứa? Bạn cười khì nói đây nè, nghe giọng ai a lô là biết “tổ chức” nhà người đó. Được chưa? Còn lúc nào hả? Tao nướng cá chuồn hoài tao biết, vài phút là xong. Vậy thời gian là ngay tức khắc. Được chưa? Riêng đứa nào gần, nghe thơm thì có “nghĩa vụ” chạy tới. Điện chi cho hao tài tốn của? Còn trước khi đi phải năn nỉ xin vợ ít “đạn” để... tác chiến với anh em thì không cần dặn vì đó là “bổn phận”. Mà kiểu gọi điện đanh gọn như “hải tặc” của tao có thằng nào không hiểu đâu? Tụi nó tới cả nhà. Để bay coi!
Mà đúng vậy. Bạn vừa dứt tiếng “coi” đã thấy ba bốn thằng dựng xe đầu ngõ. Được thể, bạn cười: “Thấy tao có uy chưa? Giỡn chơi chớ uy tao đâu bằng uy cá chuồn! Tụi nó tới là nhờ “quyền năng” của cá chuồn khô đó.
Làng cá thì “bao la” cá khô nhưng theo nhiều người sành ăn đồ khô, cá chuồn khô là “đọng” nhất. Phơi đúng nắng, bảo quản đúng cách, nướng đúng lửa, chín đúng độ thì miếng cá chuồn khô cho hương vị tuyệt vời. Ở nhiều làng chài Quảng Ngãi, trong các mâm giỗ lớn, đĩa cá chuồn khô được ghi nhận là một sự “phản biện” có trọng lượng so với thịt cá nem chả.
Mùa này, xóm biển khi chiều xuống, hương cá chuồn khô đâu đó cũng bay lên. Đi trong làng chài lúc chiều tà, dễ bắt gặp hình ảnh những con cá chuồn khô nằm trên trả than rực đỏ một góc sân. Nướng nguyên con, chờ chín đều hai mặt thì xé nhỏ rồi nặn một ít chanh, chấm với mắm ớt tỏi. Nhai miếng cá đã ngấm chút chanh, đã lướt qua chén mắm tỏi thì... mệt mỏi tiêu tan. Từng thớ cá ngọt lừ, đậm đà vị biển và thiết thao mùi nắng xôn xao mặt lưỡi.
Mình có ông bạn quê làm ăn ở Sài Gòn. Gặp nhau trên đất khách, bạn vẫn “thủ” sẵn cá chuồn khô trong cốp xe để hòa điệu với các món của quán. Về quê, ghé thăm anh em, chào nhau tiếng trước, tiếng sau bạn đã giục: “Tiến hành nướng cá chuồn khô đi chớ! Món ruột ai lại đợi nhắc mới thuộc là sao?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.