Huế thiếu chỗ cho chợ đêm?

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
26/09/2018 13:10 GMT+7

Nhu cầu chợ đêm ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) là có thực, cho cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, đến nay thành phố du lịch này vẫn chưa có một khu chợ đêm đúng nghĩa và hoàn chỉnh.

Chợ của người nghèo
169 hộ kinh doanh nghèo tại “chợ đêm” hình thành tự phát trên khu đất trống của Công ty CP Espace Business Huế (chủ sở hữu Big C Huế) vừa có đơn “cầu cứu” gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành chức năng, xin được tạo điều kiện để tiếp tục được mua bán, kinh doanh.
Khu chợ tự phát này hình thành trên khu đất rộng 580m2, là một phần trong diện tích hơn 10.000m2 đất (có siêu thị Big C hiện tại) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép Công ty CP Espace Business Huế (chủ sở hữu Big C Huế) thuê để làm trung tâm thương mại dịch vụ giải trí. Sau đó, CP Espace Business Huế cho Công ty CP Sông Đà Thăng Long M thuê lại; đến lượt Công ty CP Sông Đà Thăng Long M "chuyển nhượng" cho Công ty TNHH Quang Rọm.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty TNHH Quang Rọm cho Công ty TNHH MTV Trương Thụy Trí và Công ty TNHH Dịch vụ Hoàng Thiên Bảo Long thuê để kinh doanh. Tuy nhiên, do 2 đơn vị này không có khả năng kinh doanh, nên cuối cùng khu đất cho Công ty TNHH MTV Huế Him thuê lại.
Khi khu đất chuyển nhượng qua nhiều chủ, thì “chợ đêm” gần Siêu thị Big C Huế cũng hình thành một cách tự phát và đó là câu chuyện dài của những người buôn bán nghèo.
Trước đó, khi siêu thị Big C Huế đi vào hoạt động, những người buôn bán rong khắp TP.Huế (đa số là hộ nghèo) đã tụ tập buôn bán trên các vỉa hè, lề đường xung quanh siêu thị. Tình trạng buôn bán rong này diễn ra làm ảnh hưởng trật tự đô thị, mất an toàn giao thông và nhếch nhác, lộn xộn suốt thời gian dài quanh khu vực siêu thị.
Khi liên tiếp bị lực lượng chức năng truy đuổi, các hộ bán rong đã dạt về bãi đất trống gần khu nhà 7 tầng của siêu thị Bic C Huế trải bạt, dựng sạp và dần dần hình thành khu chợ đêm tự phát.
Huế thiếu chỗ cho chợ đêm?1
Khoảng trống quy hoạch
Ông Lê Đăng Cường, đại diện Công ty TNHH MTV Huế Him, cho biết sau khi thuê lại khu đất, trước nhu cầu kinh doanh của các hộ dân, đơn vị này đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng để đầu tư, tổ chức lại trật tự cho các hộ buôn bán. Doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống giàn mái che tạm bằng bạt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, sắp xếp lại các gian hàng, thuê lực lượng bảo vệ để đảm bảo trật tự, hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải và vệ sinh môi trường với Công ty CP môi trường và công trình đô thị Huế...
Đến ngày 31.8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông báo thu hồi đất khu đất này vì sử dụng đất sai mục đích quy hoạch. Trước chủ trương này, ông Cường cho biết sẵn sàng chấp hành nhưng mong muốn được giới thiệu, bố trí địa điểm phù hợp để đầu tư, phục vụ nhu cầu của các hộ kinh doanh. Trong khi đó, các hộ buôn bán thì lo lắng vì kế sinh nhai đang bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi thuộc diện dân nghèo của thành phố, trước đây buôn bán vỉa hè, bị đuổi lên đuổi xuống. Không bán thì đói, mà bán thì bị đuổi. Giờ có được Công ty Huế Him này đầu tư, cho bán, chúng tôi rất mừng. Nhưng nghe tin ông chủ tịch tỉnh ra lệnh “dẹp”, chúng tôi rất hoang mang”, bà Trần Thị Liên (62 tuổi, trú tại P. An Đông, TP.Huế) giãi bày.
Theo Quy hoạch phát triển chợ - siêu thị - trung tâm thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1974/2016/QĐ-UBND), địa phương định hướng hình thành và phát triển các khu phố đêm, phố chuyên doanh, phố du lịch, cụm dịch vụ thương mại - du lịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm... tại các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp, TP.Huế.
Tuy nhiên, khái niệm “chợ đêm” hoàn toàn không có. Chính vì không có nơi dành cho “chợ đêm”, nên hoạt động chợ đêm vẫn phát triển tự phát, dẹp nơi này thì lại xuất hiện nơi khác khiến công tác quản lý luôn gặp khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.