Hục hặc chuyện... lặt lá mai

06/01/2014 03:15 GMT+7

Giới chơi mai đang rối rít hỏi nhau thời điểm lặt lá mai để có những nụ hoa vàng đúng tết. Quanh chuyện này đã xảy ra lắm giai thoại khôi hài.

Hục hặc chuyện... lặt lá mai

Minh họa: Dad

Hỏi cà chớn nên trả lời cà rỡn

Hoành đi biển vể, rủng rẻng mấy đồng nên rủ bạn đi nhậu. Biết cây mai nhà Hoành năm nào hoa cũng bung cánh đúng tết, ai cũng hỏi đã lặt lá chưa. Hoành nói rồi, “Tui đi biển xa, sáu bảy tháng mới về ăn tết, việc trước hết là “lặt lá mai”. Không lặt, vợ nó nói mình khô cạn tình xuân nên không rạo rực trước nàng xuân”.

Đám bạn khen Hoành nói hay rồi về đè đầu cây mai nhà mình vặt hết lá. Vợ can, con cản vì quá sớm nhưng các chàng vẫn tay lặt miệng nói đàn bà con nít biết gì bông hoa mà xía vô.

Tết năm đó, mai nhà Hoành bung cánh vàng tươi, còn mai của mấy người bạn thành “hoa mai năm ngoái” vì lặt lá quá sớm. Rượu tết lâng lâng, cả nhóm nói Hoành chơi xỏ rồi kéo đến nhà anh này đòi… trả lại mùa xuân. Hoành nhăn răng cười, nói năm nào ông già vợ tui cũng lặt lá giùm chớ tui biết gì mai mốt mà lặt với lẹo. Một ông bạn truy: “Vậy sao ông nói đi biển vô là ông lặt liền?”. Hoành cười hề hề, nói mấy ông chọc tui, hỏi kiểu cà chớn, ẩn ý tùm lum, buộc tui phải trả lời nửa thiệt nửa giỡn, nữa cà rỡn cho… hợp thời trang chớ. Đám bạn chưng hửng.

Thì ra là vầy: Vợ Hoành tên Mai. Cưới được ít hôm thì Hoành “hải hành” biền biệt. Anh em hỏi chuyện “lặt lá mai” một cách nghiêm túc nhưng Hoành nghĩ méo mó, tưởng đám bạn quỷ sứ lục vấn về “chuyện ấy” nên mới ra cớ sự.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại… bông

Dư chơi mai chưa được bao lâu nhưng đi đâu cũng “nổ”, nói uống trà có trà đạo thì chơi mai cũng có “mai đạo”, tức là cho mai nở vào thời khắc thiêng liêng để tài lộc dồi dào, cả năm hanh thông, thịnh vượng. Muốn vậy phải lặt lá mai một cách khoa học, chia thành nhiều đợt để mai nở dần từng ngày. Nhờ vậy, tết nào mai của tui cũng hé nở một bông vào đúng giao thừa. Sau đó mai lai rai nở cho đến hết tết. Nở vậy gọi là chầm chậm dìu bước nàng xuân. Còn nở ào ạt kiểu “lấy hoa đè cây” rồi bữa sau rủ nhau rụng tá lả, hổng biết để dành cho tới “mùng bảy gãy nêu” thì đó là mai rừng hoang dại, hổng phải “mai đạo”.

Năm đó Dư mời mấy ông hàng xóm, cũng là bạn chơi mai đến xông đất nhà mình vào đúng giao thừa để “mục sở thị” bông mai đầu tiên nở trên cành chủ. Biết chuyện, con gái Dư, sinh viên, khuyên ba đừng chủ quan, rằng hoa lá thuộc thiên nhiên, có quyền năng và bí mật riêng, ba coi chừng “bể”. Dư nói ba với mai là một, không sao đâu con.

Giờ G đến. Ngắm cái búp múp rụp, Dư xoa tay mỉm cười. Nhưng, màn bắn pháo hoa mừng năm mới trên ti vi qua gần nửa tiếng mà búp vẫn hoàn búp. Dư ngồi chết trân. Mấy ông bạn cười cười, nói chương trình “coi thơ Quỳnh” đã xong, giờ xin cáo từ gia chủ. Dư vừa buồn vừa tức. Ác một cái, các chiến hữu “bấm nhau” chúc tết nhà Dư lâu lắc, lại cứ nói về… học thuyết “mai đạo” khiến anh… tan nát cõi lòng. Thấy ba cứ quanh quẩn bên chậu mai trụi lũi, con gái an ủi, nói ba đừng buồn, mưu sự tại nhân, thành sự tại… bông. Sang năm, ba học bạn của ba đi, mấy ổng lặt thì ba cũng lặt, cứ “khinh địch” thì hổng có cái bông mà chơi tết.

Chậu mai “điếc” bị đưa ra giấu sau vườn. Sáng mùng 3 tết, con gái reo lên: “Ba ơi, mai nở rồi, bông nào bông nấy sáng trưng”. Dư hớn hở, cùng vợ con “nâng” chậu mai vào nhà. Vợ Dư cười toe, nói muộn còn hơn không. Bố Dư nói hoa khai có lúc, ép sao được. Dư vui như... tết, choàng vai vợ, hát: Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở…

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.