Hốt hoảng vì tiền nước tăng gần 50 lần

Thanh Đông
Thanh Đông
16/11/2019 11:08 GMT+7

Một bạn đọc vừa có đơn kêu cứu về việc hóa đơn tiền nước của gia đình tăng gần 50 lần với số tiền phải đóng hơn 18 triệu đồng/tháng, trong khi bình thường chỉ đóng chưa đến 200.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tuấn Sĩ (536/11/9 Âu Cơ, Q.Tân Bình, TP.HCM) phản ánh: Gia đình ông có 4 người sử dụng nước của Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa, người đứng tên hợp đồng nước là Kim Ngọc Lan. Từ trước đến nay, mỗi tháng gia đình ông xài khoảng 20 m3/tháng, đóng chưa đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, trong kỳ tháng 10.2019 gia đình ông nhận thông báo tiền nước phải đóng là 18.269.245 đồng với lượng nước tiêu thụ là 951 m3, gấp gần 50 lần các tháng trước.
“Đấy là điều quá sức vô lý. Đường nước, van nước trong gia đình tôi qua kiểm tra hoàn toàn không rò rỉ. Từ đồng hồ nước, tôi đưa nước vào bồn âm, từ đó mới đưa vào sử dụng, và bồn không rò rỉ, không tràn. Trong trường hợp nếu rò rỉ thì với lượng nước thất thoát khổng lồ như vậy chắc nhà tôi bị sập rồi. Do đó, chắc chắn do đồng hồ nước có vấn đề”, ông Sĩ bức xúc.
Sau khi nhận được hóa đơn tiền nước với số tiền “khủng”, ngày 6.11, ông Sĩ đã đến Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa để khiếu nại và đơn vị này đã ghi nhận. Ngày 12.11, Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa cho nhân viên xuống nhà ông Sĩ kiểm tra đường ống và không ghi nhận bất thường.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa, cho rằng về nguyên tắc, mọi vấn đề phát sinh từ đường ống đến đồng hồ nước là thuộc trách nhiệm của công ty cấp nước, từ đồng hồ nước trở vào nhà của khách hàng thì khách hàng phải chịu trách nhiệm.
“Với trường hợp chỉ số nước tăng đột biến như trường hợp của ông Sĩ thì trách nhiệm đóng tiền nước vẫn thuộc về khách hàng. Nếu khách hàng có khó khăn về kinh tế thì có thể làm đơn yêu cầu công ty xem xét giảm hoặc giãn thời gian đóng tiền nước”, ông Đảm nói.
Ngày 12.11, sau khi kiểm tra đường ống tại nhà ông Sĩ, phía Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa đưa ra phương án tiến hành kiểm định đồng hồ thì ông Nguyễn Tuấn Sĩ không chịu thực hiện. Ông Sĩ bức xúc nói: “Theo tôi biết, hầu hết những ai rơi vào trường hợp như tôi mà đồng ý phương án kiểm định đồng hồ nước thì kết quả luôn là đồng hồ đúng và phần thiệt luôn thuộc về khách hàng...”.
Thiết nghĩ, nếu chỉ căn cứ vào đồng hồ nước rồi buộc khách hàng phải đóng số tiền quá lớn, quá bất thường như trường hợp của ông Sĩ trong khi phía ông Sĩ và công ty cấp nước không tìm thấy dấu hiệu của sự rò rỉ nước là thiệt thòi cho khách hàng. Nên chăng, Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa cần có phương án tối ưu như tính bình quân chỉ số nước trong tháng tăng đột biến căn cứ số nước mà gia đình ông Sĩ đã sử dụng các tháng trước đó và các tháng sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.