Hơn trăm cụ bà 'một thân, một mình' nương nhờ cửa chùa ở TP.HCM

'Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi', câu hát về mẹ vẫn cứ da diết. Vậy mà có những người phụ nữ phải một mình. Không chồng, con, cô độc tuổi xế chiều, những cụ bà đủ nghề như bán vé số, nhặt ve chai,… xin vào nương nhờ cửa chùa.

“Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”, những câu hát về mẹ vẫn cứ da diết và vang vọng trong lòng người như thế. Vậy mà có những người một mình lẻ loi mưu sinh, khi tuổi đã xế chiều phải nương nhờ cửa chùa.
VIDEO: Hơn một trăm cụ bà sớm hôm quây quần cùng nhau, tuổi về già
Chùa Lâm Quang (quận 8, TP.HCM) được nhiều nhóm thiện nguyện biết đến với tên gọi “viện dưỡng lão của những người già cô đơn”. Thật vậy, tất cả những cụ bà ở đây dù mỗi người một quá khứ, mỗi người một cảnh nhưng đều có điểm chung là đến đây ở cùng nhau tuổi xế chiều; nhiều người không chồng và không con
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Bến Bình Đông, chùa Lâm Quang có diện tích khá khiêm tốn nhưng dành riêng 4 phòng để kê giường ngủ và chứa đồ đạc cho 137 cụ già neo đơn. Mỗi cụ bà ở đây đều có riêng một chiếc giường đơn và ba hộc tủ để cất đồ đạc.
Khi tôi đến, dù đang ăn cơm trưa trên giường nhưng cụ nào cũng hiền hậu cười rồi chắp tay nói: “Cảm ơn cô đã đến thăm, nam mô a di đà phật”. Tôi dừng lại bên chiếc giường của cụ bà có mái tóc hoa râm ở phía cuối dãy: “Ở đây ai tới thăm mấy bà già tụi tui cũng quý hết nên thường chắp tay nói cảm ơn”.
Cuộc sống trong chùa đầy đủ nhưng ánh mắt mỗi cụ vẫn đượm buồn về ngày trẻ, khi còn có gia đình và hạnh phúc. Từng qua một đời lam lũ để nuôi nấng con cái mà giờ đây, họ phải nương nhờ ở cửa chùa
Từ khi vào chùa, được sư cô chăm sóc và các tình nguyện viên lui tới hỏi han nên giờ các cụ cũng khá lạc quan và sống vui. Đa phần các cụ trước khi vào chùa ở đều đưa cho sư cô giấy xác nhận của địa phương là không còn sức lao động và không có người thân.
Người bị liệt hay gặp khó khăn trong việc di chuyển sẽ có sư cô hoặc tình nguyện viên hỗ trợ tất cả các sinh hoạt cá nhân như: tắm rửa, giặt giũ, thay tã,...
Cũng có những cụ dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn thì thường xuyên theo dõi báo để cập nhật thông tin rồi kể cho những người bạn già khác cùng biết
Có một cụ bà tâm thần đang ở riêng một phòng. Cụ hay nói chuyện một mình và nhìn ngắm xung quanh. Việc ăn uống và sinh hoạt của cụ cũng phụ thuộc hết vào tình nguyện viên
Cụ Thạch Thị Sâm (89 tuổi, quê Hà Nội) không có con, chồng mất sớm vì bệnh tim nên vào TP.HCM ở cùng các cháu họ hàng. Nhưng vì các cháu đi làm suốt ngày nên đã đưa cụ vào đây để cụ có bạn già nói chuyện. Cụ Sâm chia sẻ: "Tôi già rồi, ở đâu thì cũng vậy thôi. Ở trong chùa thì vui lắm, cái gì cũng có, tinh thần cũng thoải mái"
Chị X. cùng mẹ ở Nghệ An đã xin nương nhờ cửa Phật vì không còn người thân. Tại chùa, chị X. ngoài việc chăm sóc mẹ còn thường xuyên giúp đỡ các cụ già khó khăn trong việc di chuyển, ăn uống làm một số sinh hoạt cá nhân.

Nhóm thiện nguyện từ Đồng Nai dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị thức ăn mang vào chùa. Đều đặn 1 tháng 2 lần, các bạn trẻ sẽ vào chùa thay sư cô nấu ăn sáng và trưa
Những cụ còn khỏe mạnh buổi chiều thường xuống sân chùa hàn thuyên, phụ sư cô đưa nhang cho phật tử lễ chùa. Cụ bà 78 tuổi quê Bến Tre (trái) chia sẻ: "Ở đây cái gì cũng có, bác sĩ đều đặn khám bệnh 1 tháng 1 lần, mấy người mất thì chùa lo hậu sự rồi những người ở đây đi thắp nhang như một gia đình nên phần nào nỗi buồn trong ký ức cũng được xoa dịu".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.