Hơn 40 năm chữa miễn phí, cứu nhiều người bị rắn độc cắn sống lại

14/03/2018 10:04 GMT+7

Hàng chục năm chữa trị rắn độc cắn, cụ có thể nhận biết chính xác các loại rắn chỉ bằng cách nhìn dấu răng của rắn trên cơ thể người bị nạn.

Cụ Nguyễn Văn Long (81 tuổi, ngụ KV.Thới Bình, P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) suốt hơn 40 năm qua đã chữa trị miễn phí người bị rắn độc cắn bằng những bài thuốc dân gian, giành giật lại mạng sống của nhiều người từ tay tử thần...
Được biết, cụ Long là đời thứ 5 nối nghiệp gia truyền trị rắn độc cắn. Bà ngoại của cụ là Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Mót, lúc sinh thời cũng đã từng chữa người bị rắn cắn.
“Lúc nhỏ, tôi hay phụ bà ngoại đi hái thuốc, giã thuốc cứu người, học được phương pháp và các bước chữa trị. Đến năm 37 tuổi, tôi thường xuyên theo bà phụ giúp, thấy nhiều người trong cơn thập tử nhất sinh được cứu sống, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc như một thành viên trong gia đình mình vừa được cứu. Sau này, sức khỏe bà tôi yếu dần do tuổi tác nên tôi thay bà duy trì công việc thiện nguyện này”.
Dù khi 8 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng, nhưng cụ Long vẫn tiếp tục công việc. Sau này, khi các con đã lớn, có công việc ổn định, vợ cụ Long là cụ Nguyễn Thị Chanh (76 tuổi) cũng theo phụ giúp chữa trị.
Hàng chục năm chữa trị rắn độc cắn, cụ có thể nhận biết chính xác các loại rắn chỉ bằng cách nhìn dấu răng của rắn trên cơ thể người bị nạn, để có biện pháp chữa trị hữu hiệu. Nếu bị rắn hổ cắn thì 2 dấu răng khít, sâu và đen thẫm; rắn lục cắn thì 2 dấu răng thưa; rắn chàm quạp thì để lại 7 - 8 dấu răng; rắn hổ tre vết cắn hở xanh đen...
Khi xác định loại rắn, cụ bôi cồn sát khuẩn lên vết thương, rồi dùng kim để lấy răng của con rắn ra. Sau đó đi hái các loại thuốc có sẵn trong vườn nhà giã nhuyễn, cho bệnh nhân uống, rạch nhẹ nơi bị cắn để nặn nọc, đắp thuốc khoảng 2 - 3 lần trong ngày để giảm sưng, nếu vết cắn không sưng thì dùng biện pháp xông thảo dược.
Các loại cây thuốc dùng để chữa rắn cắn đa phần cụ đi tìm ở nhiều nơi rồi đem về trồng trong vườn nhà. Thông thường, để chữa trị các loại nọc rắn, cụ sử dụng cỏ ống, đỗ trọng, đọt cứt quạ, đọt trầu lương; riêng với nọc rắn hổ phải sử dụng thêm cây ráng đồng tiền.
Cụ Nguyễn Văn Khánh (phải) được cụ Long (trái) cứu chữa thoát chết trong gang tấc
Số lượng người bị rắn độc cắn được cụ Long cứu sống rất nhiều, đa phần là người dân sống tại địa phương và các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Vĩnh Long... Có nhiều trường hợp được cụ Long cứu sống trong gang tấc và vô cùng hy hữu như cụ Nguyễn Văn Khánh (ngụ KV.Thới Bình A).
Cụ Khánh kể lại: “Một buổi sáng năm 1994, tôi bước xuống mé cỏ khô gần sông lội qua bờ bên kia để sang ruộng, vừa bước lên mé cỏ tôi bị một con rắn có màu da tiệp với màu cỏ khô cắn vào chân trái, khi con rắn trườn ra ngoài phùng mang lên thì tôi mới biết là rắn hổ. Lúc đó tôi giật mình, cố bơi vào bờ. Mới bước được vài bước tôi thấy chân nhức nhối, cố dùng sức la lên thật lớn để người em trong nhà chạy ra kéo lên, để lên võng khiêng chạy bộ đến nhà ông Long. Được vợ chồng ông Long cứu chữa kịp thời, tôi bắt đầu thở được và được cứu sống...”.
Dù cứu sống rất nhiều người nhưng suốt hơn 40 năm cụ Long chưa từng nhận đồng tiền công nào. Thậm chí cụ còn bỏ tiền túi để lo đồ ăn, thức uống cho một số người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhờ cụ chữa trị. “Từ lúc theo bà ngoại học nghề, bà tôi có dạy rằng không được lấy tiền của bất cứ người nào mà mình cứu sống. Hành nghề này không chỉ nhanh tay, nhanh mắt để giành lại mạng sống cho bệnh nhân mà cần phải có cái tâm nữa”, cụ Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.