Hối lỗi

Vừa qua, Trại cải tạo Xuyên Mộc thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cho anh chị em phạm nhân đang thụ án viết thư xin hối lỗi với những người thân yêu trong gia đình mình và gia đình của người bị hại.

Vừa qua, Trại cải tạo Xuyên Mộc thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cho anh chị em phạm nhân đang thụ án viết thư xin hối lỗi với những người thân yêu trong gia đình mình và gia đình của người bị hại.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Buổi sinh hoạt đầy tính nhân văn này có sự hiện diện của những người thân trong gia đình phạm nhân và gia đình người bị hại. Trong khi gây án, phạm nhân thường không nghĩ đến những người ấy. Thế nhưng khi đã thụ án một thời gian, tâm hồn phạm nhân đã bình lặng lại, việc động viên họ viết thư hối lỗi là một cách giúp họ tìm lại phẩm giá làm người.
Không chỉ ở Trại Xuyên Mộc, nhiều trại khác như Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận), Huy Khiêm (Tánh Linh, Bình Thuận), Thủ Đức (TP.HCM), Phước Hòa (Tiền Giang)… cũng đã tổ chức cho hàng ngàn anh chị em phạm nhân viết thư hối lỗi như vậy. Kèm theo những bức thư, những lời đọc thư là những dòng nước mắt chân thành và những nụ cười hạnh phúc của anh chị em. Họ khóc hay họ cười đều là biểu hiện của hạnh phúc - hạnh phúc vì được giải tỏa tâm hồn mình. Có thể họ còn phải thụ án, cũng có thể họ sắp được giảm án để trở về đoàn viên với gia đình nhưng việc họ biết khóc, biết cười hồn nhiên như trẻ thơ là một minh chứng hùng hồn cho thấy họ đã tìm lại được lương tâm làm người.
Lương tâm hay ý thức đạo đức là một khái niệm triết lý. Nó giúp cá nhân nhận thức được điều thiện, điều ác và giúp cá nhân phán đoán để hành động hợp với điều thiện, từ bỏ điều ác. Lương tâm được cấu tạo trên ba yếu tố căn bản. Về mặt tình cảm, người có lương tâm là người biết yêu mến điều thiện, ân hận vì một hành động xấu đã lỡ gây ra, sung sướng vì một hành động tốt, công phẫn trước những hành vi chà đạp nhân phẩm. Về mặt tri thức, người có lương tâm là người nhận thức được giá trị các hành vi, phán đoán được hành vi nào nên làm, hành vi nào nên tránh. Về mặt hành động, người có lương tâm là người biết hy sinh cho người khác, cương quyết làm tròn bổn phận con người. Những việc làm này đều mang ý thức tự nguyện.
Anh chị em trong các trại cải tạo, với sự giúp đỡ của các giám thị và thông qua công việc lao động thực tế, đã tự hình thành và tìm lại được lương tâm làm người như vậy. Vấn đề là toàn xã hội chúng ta giúp họ tìm lại và khẳng định được lương tâm mà họ đã từng có. Đạo Nho quan niệm bản chất của con người là lương thiện“Người chân xưa tính vốn lành” - Nhân chi sơ tính bản thiện. Hành động tội phạm chỉ là những khoảnh khắc bộc phát nhất thời làm con người bị lu mờ lý trí và đánh mất tính lương thiện đi. Chính con người phải giúp họ tìm lại lương tâm làm người. Bộ môn tâm lý học tội phạm (Psychologie criminelle) và tội phạm học (Criminologie) chuyên nghiên cứu về người phạm tội cho rằng những người có lương tâm thường trải qua ba bước cụ thể sau đây.
Bước 1 - họ biết tiếc. Tiếc là một sự đau khổ rất tự nhiên, dành cho một hành động sai lầm đã lỡ làm trong quá khứ. Người phạm tội nào ra tòa mà có thể nói được câu “Tôi rất tiếc” hoặc biết xin lỗi người bị hại và gia đình người bị hại đã là có dấu hiệu tích cực rồi. Bước 2 - họ biết cắn rứt. Cắn rứt (hay ân hận) là trạng thái tình cảm mãnh liệt hơn tiếc nhiều. Khi một cá nhân biết cắn rứt là cá nhân ấy thấy được tội lỗi của mình đã quá rõ ràng, mong ước có hội để chuộc tội. Cắn rứt dằn vặt con người, bắt buộc con người phải sầu khổ, ưu tư. Bước 3 - họ biết hối hận. Hối hận là giai đoạn chấm dứt tình trạng đau khổ của cắn rứt. Trạng thái hối hận hàm chứa ý thức xin được tha thứ, sửa đổi lỗi lầm, hướng đến tương lai để làm những việc tích cực chuộc lại tội lỗi ngày xưa. Hối hận có giá trị tích cực như vậy nên Lavelle nói: “Hối hận là hồi sinh”.
Ba bước ấy là diễn biến tâm lý và cũng là diễn biến đạo đức trong một con người đã lỡ phạm tội. Tùy theo ý thức đạo đức tiềm ẩn trong từng cá nhân, ba bước ấy diễn biến nhanh hay chậm, tích cực hay chưa tích cực. Các tôn giáo cũng đã góp phần tạo điều kiện cho con người tìm lại lương tâm hoặc giúp cho ý thức đạo đức trong cá nhân ấy phát triển. Đạo Phật nói “Biển khổ mênh mông, quay đầu là thấy bến” và “Buông lưỡi dao đồ tể xuống thì ngươi sẽ thành Phật”. Đạo Thiên Chúa thì có xưng tội. Cá nhân gây ra tội lỗi sẽ đến xưng tội cho vị linh mục - thừa sai của Chúa, để được linh mục thay mặt Chúa tha thứ tội lỗi. Cả hai tôn giáo đều hướng đến việc tha thứ phần hồn, không can thiệp vào hoạt động luật pháp của quốc gia vốn chỉ chế tài phần phạm pháp hình sự.
Hằng năm, nhà nước và các cơ quan pháp luật thường tổ chức những cuộc bình xét để giảm án, tha tù trước thời hạn cho những anh chị em đang thi hành án được trở về sớm với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. Việc làm ấy mang đầy tính nhân văn, vừa thể hiện được tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với thông lệ nhân quyền quốc tế. Trong chế độ thực thi pháp luật ở ta, anh chị em nào đã qua giai đoạn tuyên án phúc thẩm cơ bản đều được đưa ra các trại cải tạo để lao động. Trừ khi ngủ, thời gian còn lại họ được làm việc, vui chơi, giải trí giữa không gian rộng rãi thoáng mát nên tâm hồn khá thảnh thơi. Đó chính là điều kiện khách quan giúp họ nhìn lại chính mình để cải tạo tốt, tìm lại phẩm giá làm người và ước mơ trở lại với gia đình để tái hòa nhập cộng đồng.
Trong ba chục năm đổi mới, anh chị em phạm nhân cũng được hưởng những hạnh phúc đơn sơ, giản dị mà một công dân bình thường được hưởng. Trừ những ngày được thăm nuôi có thực phẩm hay tiền bạc của gia đình tiếp tế, ngày lễ tết các trại cũng tổ chức cho anh chị em được ăn ngon, mặc đẹp và tham dự các hoạt động giải trí. Các anh chị em nuôi được heo, bò, gà, cá; trồng được các loại rau quả nên những bữa liên hoan lễ tết khá đầy đủ. Họ cũng được tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và thường xuyên xem các chương trình truyền hình nên đời sống tinh thần cũng có thể gọi là thoải mái. Nhiều trại còn tổ chức được “căn nhà hạnh phúc”; cho vợ chồng, con cái các anh chị em phạm nhân được vào thăm và ở lại qua đêm. Những việc làm nhân văn, nhân hậu như vậy giúp anh chị em phạm nhân thêm tin tưởng vào cuộc sống, đồng thời là động cơ giúp họ cải tạo tốt để sớm được trở về.
Thật không có gì hay hơn một người khi phạm tội hoàn toàn không biết chữ mà đi cải tạo vài ba năm đã có thể viết được thư về thăm hỏi vợ con, gia đình. Chính các vị giám thị các trại là thầy dạy chữ cho họ. Cũng thật không có gì hay hơn khi một người phạm tội biết dành những lúc rảnh rỗi để làm thơ, viết nhật ký, sáng tác văn xuôi. Nếu họ biết thể hiện tinh thần hối lỗi qua những dòng chữ viết ấy hoặc họ biết phát huy trí tưởng tượng để có những bài thơ hay, những truyện ngắn hay thì quá tốt.
Tôi xem tin tức quốc tế và rất thú vị với một số thông tin phản ánh về đời sống các tù nhân trong một số trại giam ở các nước bạn. Ở Bolivia, anh chị em tù nhân được học nghề làm bánh mì. Những sản phẩm do họ làm ra chất lượng không thua kém bánh mì ngoài thị trường, chẳng những dư dùng trong nhà tù mà còn bán ra ngoài dân chúng để gây quỹ tái sản xuất. Ở Mỹ, nhiều nhà tù tổ chức được các trận đấu bóng chày giữa giám thị và trại viên. Ở một trại tù tại Na Uy trước lễ Giáng sinh năm vừa qua, các anh chị em tù nhân đã thực hiện một tác phẩm video ca nhạc, hát những bài ca Giáng sinh và được copy vào đĩa để gửi về tặng gia đình.
Xã hội chúng ta đang nỗ lực giúp anh chị em phạm nhân biết hối lỗi để lương tâm làm người nhanh chóng trở lại với họ. Mùa xuân này, sẽ có nhiều anh chị em được đặc xá, tha tù trước thời hạn để trở về với gia đình, cộng đồng. Chúc họ có những ngày hạnh phúc, vui tươi, quên đi những ám tượng tội lỗi ngày xưa, sống và làm việc hữu ích cho gia đình và xã hội. Quá khứ sai lầm nào cũng có thể khép lại nếu con người biết chân thành hối lỗi để sống tốt đẹp với tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.