'Hôi của' hàng hóa xe bị nạn: Người Việt nên giúp nhau trong hoạn nạn

04/11/2016 09:12 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Vận động người dân “hôi của” trả lại hàng đăng trên Thanh Niên ngày 3.11.

Phải giúp người!
Hành động của một số người dân “hôi của” xe bị cháy thật đáng lên án. Đúng ra là cần giúp lái xe dập lửa, gom hàng hóa lại, đằng này lại lấy đem về nhà, mặc cho lái xe van xin. Tôi cho rằng khi người khác không may gặp hoạn nạn, mình phải chìa tay giúp đỡ là một nghĩa cử truyền thống của người Việt.
Xuân Ân (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Làm rõ và xử phạt
Những kẻ tham lam trong vụ “hôi của” phải được làm rõ và xử phạt nghiêm minh. Đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện này. Vụ xe bia bị đổ ở Đồng Nai và có người “hôi bia” bị khởi tố vẫn còn rành rành ra đó. Việc làm của một số người dân khu vực này đã làm xấu lây cho nhiều người sống ở đây. Vì vậy, theo tôi, không chỉ vận động trả lại mà phải xử phạt, ít nhất là gấp đôi giá trị hàng hóa mà họ gom về. Tài xế và phụ xe cũng chỉ là người đi làm thuê, sao lại nỡ đối xử với nhau như vậy?
Ngọc Thiên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Tương phản
Trong khi rất nhiều người đang chắt chiu từng đồng, gom từng cái áo, gói mì để chia sẻ với nỗi đau của đồng bào vùng lũ thì hình ảnh nhiều người “hôi của” chiếc xe bị cháy trở nên rất phản cảm. Khi người tài xế gặp nạn, lẽ ra người dân phải tìm cách giúp đỡ để khắc phục hậu quả, đằng này lại tham lam lấy hàng. Hành vi này đáng bị lên án giống như hành vi “hôi bia” dạo nào và chính quyền địa phương phải xử lý đến nơi đến chốn.
Phạm Thị Thúy Hồng (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Xử lý hành chính
Lý do người dân “hôi của” xe tải bị cháy khá đơn giản, có lẽ họ cho rằng hàng hóa như nước xả, bột giặt, dầu ăn, nước mắm... bao bì bên ngoài đã bị biến dạng do nhiệt nên lấy về dùng, chắc chủ hàng lấy về cũng không bán được cho ai... Trong xã hội, người dân có quan niệm đơn giản như thế không thiếu để rồi dẫn đến vi phạm pháp luật mà không hay biết. Hành vi này xuất phát từ lòng tham, vì vậy, sau khi vận động trả lại hàng (một tình tiết được xem là khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm), cần xử lý hành chính để răn đe, giáo dục.
Nguyễn Quang Thảo (TP.Nha Trang, Khánh Hòa)
Tại sao chính quyền phải vận động người dân trả lại tài sản mà không phải bắt buộc, yêu cầu phải trả lại. Hành vi tự ý lấy đi tài sản của người khác chẳng khác gì hành vi cướp của. Do đó, những người tham gia “hôi của” phải bị buộc trả lại hàng và xử lý theo quy định pháp luật.
Nguyễn Văn Liêm (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Hiện nay khi mà chiếc điện thoại thông minh cùng với mạng internet hiện diện khắp nơi thì chúng ta hãy thật cẩn thận với hành vi của mình. Từ những gì mà người dân quay được cảnh “hôi của”, Công an TP.Quy Nhơn nên sớm điều tra, truy tìm những ai tham gia và tiến hành xử lý đến nơi đến chốn.
Võ Thị Phương Ánh (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.