Học làm kỵ sĩ

20/02/2016 09:09 GMT+7

Từ 5 tuổi trở lên cho đến độ tuổi còn khả năng cầm được dây cương là bạn có thể tham gia lớp học cưỡi ngựa của thầy Amanury Le Blan.

Từ 5 tuổi trở lên cho đến độ tuổi còn khả năng cầm được dây cương là bạn có thể tham gia lớp học cưỡi ngựa của thầy Amanury Le Blan. 

Môn học nghe khá xa vời đã dần tiếp cận cuộc sống thị thành và lớp học này đã bám rễ được gần 10 năm qua ở Sài Gòn.
Mỗi tuần, thầy Amanury dạy 25 lớp cho các em nhỏ từ 5 tuổi đến làm quen, tiếp xúc với những chú ngựa con rồi kết bạn… để từ đó mới có thể cưỡi những bước nhỏ trên sân cùng người bạn mới quen. Sau nhiều năm giảng dạy, ông cho rằng nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh cho con tới học môn này là bởi cưỡi ngựa không chỉ luyện cho bé lòng can đảm, không sợ khi bị ngã mà còn được cách kết bạn và học cách yêu thương.
Sinh ra đã gắn bó trong câu lạc bộ nuôi ngựa nổi tiếng ở Pháp, là nghệ sĩ trình diễn với các chú ngựa, là một vận động viên đua ngựa, rồi đi lãng du khắp nơi với nhiều nghề khác nhau, ông Amanury Le Blan đã dừng chân tại Sài Gòn khi sở hữu câu lạc bộ nuôi ngựa Saigonponyclub (Q.2, TP.HCM) để dạy mọi người cách cưỡi ngựa như cách ba mẹ ông ngày xưa đã dạy ông môn thể thao này. Nhờ có ông mà những ai mê môn này có thể tiếp xúc thường xuyên, học tập một cách bài bản, thực hiện những pha nhảy ngựa, hay chạy bước đại, chạy vượt rào hoàn hảo, điệu nghệ.
Học làm kỵ sĩ 2

 
Nếu học riêng theo kiểu một thầy giáo kèm một học viên thì học phí là 800.000 đồng/tiếng đồng hồ. Nếu học chung với khoảng 3 - 4 học viên thì phí mỗi giờ học là 600.000 đồng. Các lớp học diễn ra quanh năm, nếu có nhu cầu sở hữu ngựa riêng thì ông Amanury sẵn sàng huấn luyện chú ngựa giúp chủ và nhận chăm sóc, chi phí chăm sóc và thuần dưỡng ngựa từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Những chú ngựa ở câu lạc bộ của ông Amanury nhỏ nhất khoảng 2 năm tuổi, già nhất là hơn 10 tuổi, tất cả 22 con ngựa con ở đây đều có nguồn gốc ở miền núi VN. Ông chia sẻ: “Tôi luôn chú ý đến yếu tố địa phương khi xây dựng một trại ngựa bởi với khí hậu và thời tiết ở đây, những chú ngựa VN là sự lựa chọn tốt nhất. Nếu đem ngựa từ nước ngoài về xứ nóng, chúng dễ bị sốc về môi trường, cách chăm sóc... và dễ sa sút mất sức để rồi người nuôi muốn phục hồi phải tốn chi phí đầu tư khá lớn. Hơn nữa, những chú ngựa nhỏ ở đây có vóc dáng vừa phải dễ dàng cưỡi khiến học viên không quá sợ hãi khi lần đầu tiếp xúc”.
Bắt đầu với vài con ngựa cho đến khi phát triển thành một đàn ngựa lớn, ông Amanury trong gần 10 năm không ngừng tìm kiếm mua và thuần dưỡng ngựa. Ông kể: “Chúng tôi thường mua ngựa con về nuôi, sau đó dành 3 tháng huấn luyện liên tục cho thuần thục để có thể cưỡi được. Tự tôi và các cộng sự sẽ trực tiếp làm việc này trong khoảng 2 năm để xác định chú ngựa đó đã thuần tính hay chưa, xem có hay phát giận hay nổi thú tính bất thường gây nguy hiểm cho người cưỡi hay không. Sau nhiều đợt kiểm tra, nhiều lần huấn luyện cho đến khi hoàn toàn chắc chắn thì chú ngựa được thả chung cùng đàn và bắt đầu kết bạn với các “kỵ sĩ” đến học. Mỗi buổi sáng các chú ngựa sẽ được cho ra ngoài chạy như bài tập thể dục, được chạy tự do. Buổi chiều đến giờ học thì ngựa phải chạy theo sự điều khiển của người chủ”.
Trong một buổi học, thầy giáo đứng bên cạnh học viên và cho làm quen với “người bạn” bốn chân. Các bé sẽ học các động tác vuốt ve, cho ăn để làm quen. Khi cả người và ngựa đạt được tiếng nói chung, có thể trở thành bạn bè, tin cậy lẫn nhau, lúc đó mới bắt đầu học cưỡi. Môn học đòi hỏi sự dũng cảm của học viên nếu muốn nhanh tiến bộ. Khi được ngồi lên ngựa, thầy hướng dẫn luôn đứng cạnh hướng dẫn các nguyên tắc như cầm chắc dây cương, thả lỏng, hai chân bám chắc nhưng không gồng làm ngựa khó chịu trong khi chú ngựa vẫn được cầm cương bởi anh dắt ngựa để đảm bảo có thể kiểm soát an toàn. Theo ông Amanury: “Mỗi người mất từ 3 tháng đến 1 năm mới có thể cưỡi ngựa thuần thục. Sau khi chạy đều bước nhỏ, chạy tốc độ thì sẽ chuyển qua tập nhảy rào, nhảy xa vượt chướng ngại vật... Người VN học cưỡi ngựa nhanh nhất vì đã quen với chuyện lái xe máy nên việc giữ thăng bằng trên ngựa rất dễ dàng. Trước khi bắt đầu lớp học, tôi luôn nói với những học sinh của mình là phải sẵn sàng, sẽ có lúc mình ngã ngựa. Nhưng đừng lo, xung quanh luôn có người hỗ trợ. Các bạn nghe xong được trấn an, dũng cảm hơn, điều khiển ngựa cũng tự tin hơn. Nhờ vậy, khi cần điều chỉnh rất dứt khoát, khiến chú ngựa con dù muốn nổi loạn cũng bị áp chế dễ dàng, chạy bước kiệu, bước đại hay nhảy cầu đều tuân theo lệnh người chủ trên lưng mình”.
Học làm kỵ sĩ 3

Mỗi chú ngựa nhỏ ở đây đều được chủ đặt cho những cái tên dễ nghe như Amber, Nuttela, Woc… Trước khi tập chạy, các học viên sẽ làm quen lại, học cách cho ngựa ăn, chải lông… để vỗ về an ủi, hoặc tâm sự vài câu chuyện chỉ trẻ con với chú ngựa mới hiểu như một nghi thức rồi mới bắt đầu bài học. Sau buổi tập luyện, chú ngựa non có thể được thưởng món cà rốt hay táo yêu thích, được chải sạch và mát xa cho thư giãn. Nhiều em bé vì quá yêu thích mà bố mẹ của bé tới hỏi mua luôn chú ngựa con làm quà tặng cho con mình như một con vật cưng để bé có thêm bạn mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.