Hoàng hôn trên cảng Sydney

18/01/2016 14:50 GMT+7

Khi ánh mặt trời mùa hè đã dịu mát là lúc đẹp nhất để ngắm Nhà hát Opera Sydney và cầu cảng Sydney.

Khi ánh mặt trời mùa hè đã dịu mát là lúc đẹp nhất để ngắm Nhà hát Opera Sydney và cầu cảng Sydney. 

Sự hòa hợp giữa màu vàng của nắng, màu xanh của nước biển, màu trắng của mái nhà hát, màu đen của cây cầu mang lại cảnh sắc tuyệt mỹ hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.
Thành phố Sydney (Úc) nhìn từ máy bay trông giống như một tấm lụa bị cháy xém bởi lửa. Những vịnh biển len lỏi ăn sâu vào trong đất liền, ngoằn ngoèo, rối rắm. Nhưng phải thừa nhận, sự nghịch ngợm của tạo hóa khiến cho Sydney chẳng giống nơi nào tôi đã từng đi qua. Vẻ đẹp khác lạ đó càng thêm hấp dẫn hơn qua những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc vào hàng kiệt tác đang tồn tại ở nơi này.
Đến Sydney không thể không tới Nhà hát Opera. Nhiều du khách VN gọi đơn giản là nhà hát con sò, do tạo hình những mái vòm nhọn giống như những chiếc vỏ sò. Nhưng thực tế, đó là các cánh buồm no gió đang vươn mình ra biển khơi. Có nhiều vị trí để lấy được trọn cảnh nhà hát vào trong khuôn hình một cách trọn vẹn nhất, chẳng hạn như ở bờ phía dưới cầu cảng Sydney. Những đàn chim hải âu vờn sóng, những chiếc du thuyền thỉnh thoảng băng qua… khiến cho Nhà hát Opera càng thơ mộng hơn.
Du khách cũng có thể vào tận nơi, leo lên những bậc thềm cao trước cửa nhà hát, nếu có thời gian thì ngồi chơi hóng gió biển lồng lộng thổi vào. Nhiều du khách đến đây đã ngồi ở các bậc thềm này hàng giờ, ngắm thành phố phía bên kia vịnh, ngắm cầu cảng và công viên xưa cũ ở phía đối diện. Dòng người khắp nơi vẫn liên tục đổ về nhà hát, dù đa phần là chỉ ngắm cảnh từ bên ngoài chứ không vào bên trong. Các công ty du lịch ở VN thỉnh thoảng vẫn tổ chức cho các đoàn du khách Việt đến Úc với trọng tâm của chương trình là thưởng thức hòa nhạc trong Nhà hát Opera Sydney.


An ninh thắt chặt
An ninh hàng không ở Úc rất chặt chẽ. Trong tờ khai khi nhập cảnh vào Úc, du khách buộc phải khai rõ mang vào Úc những gì. Khi làm thủ tục nhập cảnh, du khách được hỏi đi hỏi lại kỹ càng là đã khai báo rõ ràng hay chưa. Sau đó, dựa vào tờ khai, khách được phân luồng để ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi được ra ngoài, khách còn phải trải qua một lần soi chiếu hải quan. Những khách khai không mang gì thì được đi luồng riêng, nhưng sẽ có chó nghiệp vụ ngửi hành lý. Còn khách khai mang thuốc men, thực phẩm… đi luồng riêng và có thể được yêu cầu mở hành lý để kiểm tra. Hiện nay, mỗi ngày có hai chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Sydney, Melbourne và ngược lại.

Tọa lạc trên diện tích gần 2 ha, với phần nền móng là hàng trăm cột bê tông đóng sâu 25 m dưới mực nước biển, nhà hát có mái hoàn toàn màu trắng nhìn xa cứ ngỡ không phải lợp bằng ngói, chỉ khi đến gần mới thấy rõ những viên ngói nhỏ láng cóng, có khả năng chống bụi bẩn. Cả thảy có 5 khu nhà hát, 5 phòng tập, 2 sảnh chính và nhiều nhà hàng, quán bar, cửa hàng đồ lưu niệm. Ở tầng hầm ngay lối ra vào có các nhà hàng ven vịnh, nơi du khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống và ngắm thành phố. Được xây dựng từ năm 1959 kéo dài đến năm 1973 mới hoàn thành, kiến trúc Nhà hát Opera Sydney ngày nay trở thành biểu tượng của không chỉ Sydney, của nước Úc mà còn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20, mỗi năm đón tới 7 triệu lượt du khách đến tham quan.
Hành trình ngắm Nhà hát Sydney sẽ dang dở nếu du khách không lên du thuyền dạo một vòng quanh vịnh. Hầu hết các vịnh biển ở Sydney đều có cảng du thuyền. Đoàn phóng viên chúng tôi trong chương trình do Vietravel và Vietnam Airlines tổ chức nhằm khảo sát tour mới nước Úc đã có dịp lên du thuyền để ngắm nhìn trọn vẹn hơn quang cảnh xung quanh, nhất là có thể chụp hình Nhà hát Opera và cầu cảng Sydney ở nhiều góc cạnh. Những cánh buồm no gió kia chính là hình ảnh được lấy cảm hứng từ cánh buồm trên chiếc thuyền huyền thoại của thuyền trưởng James Cook, một người Anh, được ca ngợi đã có công tìm ra vùng nước Úc nằm biệt lập giữa đại dương mênh mông này. Năm 2007, Nhà hát Opera Sydney được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trở thành di sản thứ hai trên thế giới mà khi được công nhận người thiết kế ra nó vẫn còn sống. Đó là kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon.
Nhà hát Opera Sydney sẽ không đẹp như hiện tại nếu bên cạnh nó thiếu vắng cầu cảng Sydney (Sydney Habour Bridge). Nhiều người thừa nhận như vậy. Hai công trình kiến trúc có tuổi đời khác nhau, công năng khác nhau như là sự bổ trợ cho nhau một cách hoàn chỉnh nhất về mặt cảnh quan trên vịnh Sydney. Cầu cảng Sydney được sơn màu đen nên thoáng nhìn qua rất xưa cũ, dù chỉ mới hơn 80 năm tuổi. Nếu đi trên du thuyền ngắm cảnh vịnh, du khách có dịp chụp cảnh cầu từ dưới lên. Cầu vẫn đang là điểm nối chính qua vịnh Sydney, với đường xe lửa một bên, đường đi bộ một bên và chính giữa dành cho xe ô tô; chiều dài 2,4 km. Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, cầu cảng Sydney là cầu một nhịp với bề rộng lớn nhất thế giới, cầu vòm thép cao nhất thế giới (134 m đỉnh cầu); cầu vòm dài thứ 4 thế giới.
Tuy nhiên, cây cầu biểu tượng của nước Úc này hiện nay không chỉ đơn giản là nơi để lưu thông. Nó còn là địa điểm của những hoạt động thể thao mạo hiểm nổi tiếng. Đơn vị quản lý cây cầu cho phép những người ưa trò mạo hiểm đi trên mái vòm của cầu trong chương trình tour có tên Leo cầu cảng Sydney - hành trình để đời của bạn. Năm 1989, người đầu tiên đã leo lên mái vòm cây cầu và cho đến nay, đã có hơn 3 triệu người thử trò cảm giác mạnh này. Sau khi mua vé, khách sẽ được cung cấp trang phục và hướng dẫn cách leo cầu cảng, đồng thời cam kết leo cầu tự nguyện. Trên mái vòm là những bậc thang sẽ đưa du khách lên tới tận cùng cảm xúc. Giá vé tùy thuộc vào thời điểm trong ngày, cao nhất là hơn 300 USD/người.
Trong hàng chục năm qua, ở Úc vẫn diễn ra cuộc tranh luận, rằng cầu cảng Sydney hay Nhà hát Opera Sydney xứng đáng là biểu tượng của thành phố, của đất nước. Cuộc tranh luận này có vẻ chẳng bao giờ kết thúc, nhưng có một điều, cả hai đều là điểm không thể bỏ qua trong hành trình đến với thành phố cảng lớn nhất đất nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.