Hiến tạng không phải để… chết

Vũ Thơ
Vũ Thơ
20/04/2018 07:44 GMT+7

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết có người nửa đêm gọi điện đến trung tâm đòi đăng ký hiến tạng , để hiến xong rồi "ra đi" luôn.

Thời gian gần đây, số người đến đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tăng đột biến. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Trước đây, việc vận động người dân đăng ký hiến mô tạng cực kỳ khó khăn vì ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Đến năm 2006, Quốc hội ban hành luật Hiến mô tạng để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này. Từ năm 2006, hoạt động cấy ghép mô tạng đã có kết quả khả quan, nhưng trên thực tế, nguồn tạng hiến rất thấp, trong khi nhu cầu rất lớn. Có nhiều bệnh nhân suy mô tạng không được cứu sống do không có mô tạng để ghép.
Trong khi đó, trung bình 1 năm ở nước ta có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, hoặc tai biến mạch máu não, hầu hết những người này không đăng hiến mô tạng nên không góp phần cứu sống được đồng loại, đặc biệt là họ không có cơ hội nối dài sự sống trên thực tiễn. Đây là một điều đáng tiếc.
Vì thế, ngày 29.6.2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp nhận, tư vấn điều phối mô tạng theo quy định của pháp luật. Nhưng số người hiến tạng năm 2013 chỉ là số 0. Năm 2014 được 236 người, năm 2015 hơn 2.000 người… Nhưng chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm nay, số người đăng ký tăng lên 2.304 người, nâng con số của cả nước lên 14.457 người. Vậy là chỉ mấy tháng đầu năm thôi, số người đăng ký hiến tạng đã bằng 2 năm 2014 và 2015 cộng lại.
Theo ông vì sao số lượng người đến đăng ký hiến tạng lại tăng cao trong thời gian gần đây?
Gần đây có nhiều câu chuyện xúc động được lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Ví dụ câu chuyện của bé Hải An là một câu chuyện đầy tính nhân văn đã chạm đến cảm xúc sâu lắng của mỗi người dân Việt Nam. Một cô bé mới 7 tuổi 3 tháng đã làm được nghĩa cử rất cao đẹp là hiến tặng giác mạc khi qua đời. Vì vậy, nhiều người đến với trung tâm nói rằng bởi câu chuyện của bé Hải An mà những tâm nguyện của họ đã có trước đây, vì những lý do nhất định họ chưa sắp xếp thời gian làm được, bây giờ thôi thúc họ phải làm ngay.
Trong số những người đến đăng ký hiến tạng có nhà sư từ Thái Lan về, có 58 bác sĩ nội trú và các sinh viên cao học Đại học Y Hà Nội đến đăng ký cùng 1 ngày; ngoài ra có rất nhiều MC, diễn viên, người nổi tiếng khác... cũng hưởng ứng việc làm nhân đạo này.
Nhiều người trẻ đến đăng ký hiến tạng tại Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia Ảnh TN
Cũng trong thời gian qua có những ca hiến ghép tạng xuyên Việt từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại để cứu chữa cho những bệnh nhân suy mô tạng. Những quả tim, lá gan, quả thận của những người hiến tặng, được tiếp nối sự sống vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này. Điều đó đã giúp mọi người hiểu rằng, việc đăng ký hiến mô tạng, không chỉ mang đến cơ hội, niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị suy mô tạng, mà còn mang đến niềm vui cho chính mình vì chúng ta được tiếp tục nối dài sự sống, sống một cuộc đời thứ hai sau khi ra đi.
Thưa ông, nguồn mô tạng của những người đăng ký hiến sẽ được “xử lý” như thế nào? Thông tin về việc cấy ghép có được công khai cho người nhà của người hiến tạng giám sát không?
Chúng ta có 2 trường hợp hiến mô tạng, đó là người hiến khi còn đang sống thì chỉ hiến được 1 quả thận hoặc 1 lá gan. Trường hợp thứ 2 là hiến sau khi chết hoặc chết não. Đối với chết não có thể hiến được hết các mô tạng nếu như còn sử dụng được. Hiện có nhiều người chưa hiểu quy định này. Có khi nửa đêm có người gọi điện đến trung tâm đòi hiến tất cả mô tạng, để rồi “ra đi” luôn. Chúng tôi phải trở thành những nhà tư vấn tâm lý để động viên và nói với họ rằng: hiến tạng là trao tặng sự sống cho người khác và là một nghĩa cử cao đẹp, chứ không phải hiến tạng để …chết. Vì vậy, nếu mình lại tự hủy hoại sự sống của mình thì ý nghĩa đó không còn nữa…
Về nguồn tạng sau khi được lấy, sẽ được cấy ghép rất công khai. Đó là những bệnh nhân suy mô tạng hiện nay ở những cơ sở y tế đang điều trị, sẽ cập nhật vào hệ thống điều phối ghép tạng quốc gia để đưa vào danh sách chờ ghép. Khi có người chết não có chỉ số phù hợp với cá nhân nào trong danh đó sẽ được điều phối phù hợp. Tất cả những việc điều phối đó được diễn ra một cách minh bạch, kịp thời.
Vì thế, có những người từng đến đăng ký hiến tạng với tâm nguyện được hiến cho người nghèo, nhưng điều đó không thực hiện được vì còn phải đáp ứng điều kiện có phù hợp hay không.
Như vậy, để nhận được nguồn tạng hiến để cấy ghép thực sự là cơ hội hiếm hoi và may mắn. Làm sao để kiểm soát được việc những người được nhận là những trường hợp đúng nhất thưa ông?
Luật pháp đã có quy định cụ thể về vấn đề này. Nếu có nguồn tạng hiến thì ưu tiên số 1 là trẻ em, sau khi sàng lọc trong danh sách chờ ghép không có trẻ em thì ưu tiên thứ 2 là trường hợp đang cấp cứu; trường hợp thứ 3 là những người đã từng hiến tạng. Trường hợp tiếp theo là những người có tên đầu tiên trong danh sách chờ ghép quốc gia… Vì vậy, chỉ cần thực hiện đúng quy định là đúng người cần được nhận.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.