Hết ngày hết giờ

31/01/2016 14:52 GMT+7

Hằng năm, cứ vào dịp giáp tết, tôi lại thấy chồng mình giống như đang ở trong một 'chiến dịch' dụng công vô hình nào đấy, mà thời hạn cuối 'deadline' vô cùng sít sao thì phải!

Hằng năm, cứ vào dịp giáp tết, tôi lại thấy chồng mình giống như đang ở trong một 'chiến dịch' dụng công vô hình nào đấy, mà thời hạn cuối 'deadline' vô cùng sít sao thì phải!

Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Từ giữa rằm, đã thấy chồng hối hả lặt lá mai, sửa sang mấy chậu cây kiểng với tâm thế “lạng quạng là không kịp tết”. Tối mịt vợ hối đi tắm mấy lần, con cái chờ cơm đói lả mà chồng vẫn cứ miệt mài ngoài sân. Mà thời điểm ấy, bọn nhóc vẫn còn đi học, ba mẹ đến công sở làm như bình thường, nên việc “tập trung chuyên môn” kiểu ấy của chồng khiến lịch sinh hoạt trong nhà bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng dẫu sao, thì chồng cũng là có lòng chăm lo nhà cửa, coi như chịu khó gồng thêm, bỏ qua vài bất tiện kiểu ấy cũng được.
Thế nhưng, chồng tôi “cuồng tết” đến khó hiểu. Anh tất bật, hối hả, xối xả thôi thúc mọi người lăn vào nhiều “hạng mục thi công” đến phát mệt. Làm gì anh cũng bảo, nhanh lên, gấp lên, vội lên kẻo không kịp tết. Rồi lụi cụi lao vào sắm sửa, lo toan việc nhà. Cái gì cũng phải chà rửa mới tinh tươm lên thì mới chịu được. Từ quét mạng nhện, hút bụi, giặt drap, thay áo gối, cho tới lau kệ sách, dọn bàn thờ, chùi kiếng tủ, mua thêm chén đĩa… tất tần tật. Con cái cũng không thoát, bị lôi kéo vào cái guồng hối hả ấy. Mấy mẹ con tôi đến oải chè đậu với vô số việc không tên cả ngày! Anh nhắc tôi nhớ biếu xén chỗ này chỗ nọ, nhớ mua món nọ món kia, nhớ dưa món, dưa kiệu, thịt đông, cải chua, giò thủ, thịt kho tàu, măng hầm, khổ qua… đừng thiếu cái gì. “Cả năm mới có một lần” là câu cửa miệng của anh.
Tôi luôn mang cảm giác, tết là một dịp đày đọa bản thân, bị… bóc lột sức lao động đến tận cùng. Hỏi sao không nghĩ thế, khi bữa cơm thì vội vàng, mọi vui tươi tận hưởng không khí mùa xuân đâu chẳng thấy, mà toàn là việc, việc nữa, việc mãi!
Cao điểm của chồng tôi chính là đêm giao thừa. Anh ra sức làm ráng những việc còn sót lại. Mà bói ra ma quét nhà ra rác, nhìn đâu cũng thấy muốn dọn dẹp, quét tước thì phải. Mấy chậu hoa mua về chưng tết phải được bọc lại bằng giấy bóng kiếng. Dưa hấu phải được dán thêm mấy chữ tàu mà cả anh và tôi cũng không hề biết phân biệt nghĩa. Cứ chốc chốc anh lại xách xe chạy ra đường, mua thêm cái này, châm thêm cái kia. Anh la mắng vợ con xơi xơi vì… áp lực. Lũ trẻ nơm nớp lo sợ. Con tôi có lần buột miệng bảo, tết gì mà thấy cực quá vậy mẹ, khiến tôi cũng chưng hửng và giật mình. Ừ nhỉ, tết là dịp nghỉ ngơi, là đợt xả hơi, là cuộc sum vầy, chứ đâu phải cố hành xác mình vì những lễ nghi xa lạ tưởng bắt buộc, mà chính bản thân cũng không chắc đã hiểu hết?
Tôi bỗng nhiên nhớ tới mẹ và những ngày tết ở quê. Hầu như nhà ai cũng rộn ràng chuẩn bị tết nhất, nhưng xem đó là niềm vui, là một dịp quây quần, chứ không phải kiểu “trả nợ tình xa” như gia đình tôi bây giờ. Vắt kiệt mình cho những công chuyện kiểu ấy, để sau giây phút giao thừa, mệt bã người, mọi hứng thú vui vẻ dường như cũng dần bay biến cả.
Tôi từng chia sẻ cùng chồng cái sự không đồng ý về khái niệm ăn tết kiểu “hết ngày hết giờ” ấy, nhưng anh gạt phăng đi, cho rằng, cố một chút để có cái tết trọn vẹn, tươm tất, là điều nên làm. Để mỗi dịp năm hết tết đến, mẹ con tôi lại ngao ngán thở dài, nhìn chồng hối hả dọc ngang “xung trận” đón xuân mà cũng thấy hơi bị rầu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.